Hai năm trước, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện cơn đau vùng khớp khuỷu trái. Cơn đau ban đầu nhẹ, dai dẳng, dần nặng lên, bệnh nhân đến khám chữa tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP HCM.
Sau nhiều lần thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán viêm khớp khuỷu/thoái hoá khớp khuỷu tay trái và uống thuốc điều trị nội khoa nhiều tháng liền, nhưng không giảm đau.
Nghe theo người quen giới thiệu, bà tìm đến phương pháp chữa trị đắp thuốc, đắp lá cây tại một "thầy" nổi tiếng mát tay tại Tây Ninh với hy vọng chấm dứt cơn đau.
Sau vài tháng chữa trị, bệnh tình không những không thuyên giảm mà càng trở nặng hơn. Khuỷu tay trái càng lúc càng sưng to, tấy đỏ, bề mặt da xuất hiện nhiều mụt mủ, rỉ dịch.
Bác sĩ Nguyễn Duy Toàn, Khoa Chấn Thương Chỉnh Hình của bệnh viện, cho biết đây là một tình trạng nhiễm trùng nặng, bệnh nhân sau khi được sơ cứu vết thương đã được chỉ định làm xét nghiệm, siêu âm, chụp x-quang. Kết quả cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân có rò mủ ra da, vùng cơ quan khớp bị viêm, tiêu xương toàn bộ vùng đầu khớp, viêm xương tuỷ.
Ê-kíp tiến hành rạch lấy mủ, loại bỏ các phần hoại tử, cố dịnh ngoài khớp khuỷu, lập hệ thống tưới rửa liên tục tay của bệnh nhân. Sau một tuần điều trị, tình trạng nhiễm trùng đã giảm, bệnh nhân ăn uống tốt và hết đau nhức.
Sau khi phẫu thuật, tay của bệnh nhân được cố định và tiếp tục điều trị. Ảnh: BVCC,
Theo bác sĩ Toàn, hiện nay, người dân vẫn rất chủ quan về vấn đề sức khoẻ của mình, hay nghe theo những phương pháp chữa mẹo, chữa dân gian… hoặc cả tin vào các quảng cáo trên internet về các phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khoa học. Biến chứng của các phương pháp này khó lường, từ nhiễm trùng đến tàn phế, đôi khi vào tình trạng nguy kịch sốc nhiễm trùng nhiễm độc.
"Với những trường hợp gãy xương, đau nhức xương khớp, bà con không nên đắp thuốc, đắp lá hay xoa bóp bằng các loại dầu, rượu… mà hãy đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín có chuyên khoa cơ - xương - khớp để được chẩn đoán và điều trị đúng" - bác sĩ Toàn khuyến cáo.