Bốn nhân viên Twitter tiết lộ với Reuters rằng họ và nhiều đồng nghiệp thấy bất an vì Musk tham gia hội đồng quản trị của công ty. Trước đó, theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC), tỷ phú này sẽ giữ chức Giám đốc hạng II với nhiệm kỳ kết thúc vào năm 2024.
Những nhân viên này cho rằng Musk có thể sẽ tác động đến các chính sách của công ty trong tương lai, đặc biệt là đối với các nội dung mang tính lạm dụng và có hại. Điều này có thể làm suy yếu những nỗ lực nhiều năm của Twitter trong việc trở thành một nền tảng lành mạnh.
Hội đồng quản trị Twitter hiện không đưa ra quyết định chính sách của công ty. Tuy nhiên, nhóm nhân viên cho rằng với tính cách của Musk, không loại trừ việc ông sẽ can thiệp sâu vào mạng xã hội thời gian tới.
Có một số dấu hiệu cho thấy Musk sẽ gây áp lực lên Twitter. Một tuần trước khi tiết lộ đầu tư 9,1% cổ phần vào mạng xã hội, ông đã lên trang cá nhân với gần 80 triệu người theo dõi của mình và hỏi rằng một nền tảng xã hội có nên tuân thủ nguyên tắc tự do ngôn luận hay không. Đa số người tham gia chọn "không". Trong quá khứ, tỷ phú công nghệ này cũng từng liên tục chỉ trích Twitter về tình trạng thiếu tự do ngôn luận.
Ngày 4/4, ông cũng tạo một cuộc thăm dò, hỏi người dùng có muốn thêm tính năng chỉnh sửa cho các tweet hay không. Khảo sát thu hút hơn 2,74 triệu lượt bình chọn, trong đó 73,6% chọn đáp án "có". Một ngày sau, Twitter thông báo tính năng chỉnh sửa sẽ sớm được thử nghiệm, ban đầu chỉ áp dụng cho các tài khoản trả phí hàng tháng Twitter Blue.
Musk cũng được cộng đồng kêu gọi khôi phục tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump, nhưng ông chưa phản hồi về vấn đề này.
Một số nhân viên Twitter cũng lo ngại Musk sẽ dùng nền tảng để công kích những người không vừa ý. Năm 2018, tỷ phú này bị chỉ trích khi viết trên mạng xã hội rằng thợ lặn người Anh cứu những đứa trẻ bị mắc kẹt trong một hang động ở Thái Lan là một kẻ ấu dâm. Người này sau đó kiện Musk tội phỉ báng, nhưng bị xử thua.
(theo Reuters)