Thời sự

Nhận diện tội phạm trong vụ lừa đảo gần 68 tỷ đồng của nhiều phụ nữ

Cú lừa gần 68 tỷ đồng chấn động

Giữa tháng 4/2022, TAND tỉnh Vĩnh Long đưa vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ra xét xử sơ thẩm đối với hai bị cáo Phạm Văn Cung, 40 tuổi, ngụ huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, pháp danh Thích Phước Ngọc, cựu trụ trì chùa Phước Quang và Nguyễn Tuấn Sĩ, 54 tuổi, ngụ phường 2, Tp.Vĩnh Long. 2 bị cáo này bị cáo buộc cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận diện tội phạm trong vụ lừa đảo gần 68 tỷ đồng của nhiều phụ nữ - Ảnh 1.

Hai bị cáo Phạm Văn Cung và Nguyễn Tuấn Sĩ tại phiên xét xử. (Ảnh: Thanh Lâm).

Trong phần luận tội, đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, bị cáo Cung đã lợi dụng lòng tin của các bị hại để chiếm đoạt số tiền gần 68 tỷ đồng của các nữ bị hại. Hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, xem thường pháp luật, gây ra dư luận xấu cho xã hội . Do đó, cần xử lý nghiêm nhằm răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, cần thiết cách ly bị cáo Cung ra khỏi đời sống xã hội một thời gian dài với mức án tương xứng là chung thân.

Đối với bị cáo Sĩ với vai trò giúp sức để bị cáo Cung lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền 600 triệu đồng, đại diện VKSND đề nghị mức án từ 3 đến 5 năm tù giam. Đồng thời, bị cáo Cung phải có trách nhiệm bồi thường tổng số tiền gần 68 tỷ đồng cho 4 bị hại.

Tại tòa, bị cáo Cung thừa nhận tất cả hành vi phạm tội, đã dựng kịch bản phi sự thật. Từ hành vi bị cáo Cung gây ra đã vô tình đưa bị cáo Sĩ từ một người chất phác, hiền lành mắc phải lỗi khi không biết về câu chuyện pháp luật. Bị cáo Cung mong muốn HĐXX cứu xét đối với bị cáo Sĩ đang bệnh tật, là lao động chính trong gia đình để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Sĩ. Bởi, bị cáo Sĩ không mánh lới, còn phần chiếm đoạt tài là 100% do bị cáo gây ra.

Trong khi đó, 3 nữ bị hại đề nghị HĐXX cần làm rõ việc sau nhận tiền hàng chục tỷ đồng, Cung chuyển cho những ai và cần làm rõ để thu hồi.

Được nói lời sau cùng, bị cáo Cung thừa nhận hành vi phạm tội là đã nói dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tiền trên dưới 100 tỷ đồng nên xin nhận mức án tương xứng là tử hình. Bị cáo gửi lời xin lỗi bị cáo Sĩ và xin HĐXX cứu xét để bị cáo Sĩ tái hòa nhập cộng đồng. Đối với bị cáo, mức án chung thân là không đủ hành vi đã gây ra, bị cáo xin nhận mức án cao nhất tử hình.

Với hành vi nêu trên, chiều 14/4, TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Cung mức tù chung thân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Tuấn Sĩ 3 năm tù giam.

Nhận diện tội phạm

Theo cáo trạng, Cung là tu sĩ tại chùa Phước Quang (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) từ năm 2005 với pháp danh là Thích Phước Ngọc. Tháng 9-2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì chùa Phước Quang. Sau đó, Trung tâm cô nhi viện “Suối nguồn tình thương” nuôi dạy trẻ mồ côi được thành lập, Cung được giao làm giám đốc.

Nhận diện tội phạm trong vụ lừa đảo gần 68 tỷ đồng của nhiều phụ nữ - Ảnh 2.

Bị cáo Phạm Văn Cung tại tòa. (Ảnh: Thanh Lâm).

Năm 2015, Cung quen với bà N.T.H.P., 50 tuổi, ngụ quận 7, Tp.HCM, mời bà P. đến tham quan chùa Phước Quang. Cung dùng thủ đoạn như xây chùa, xây trung tâm cô nhi viện, bị thiếu nợ, bị bắt cóc đưa sang Trung Quốc không cho về nước... Bằng những thủ đoạn gian dối trên, Cung lừa đảo bà P. hơn 18,5 tỷ đồng. Khi bị phát giác, Cung hoàn trả một phần và chiếm đoạt của nạn nhân hơn 11,6 tỷ đồng.

Năm 2017, Cung chủ động làm quen với bà B.T.N., 50 tuổi, ngụ quận Hai Bà Trưng, Tp.Hà Nội, mời bà đến thăm chùa và cô nhi viện. Khi tạo được lòng tin, Cung lừa bà N. chuyển tiền cho Cung hơn 26 tỷ đồng. Năm 2018, khi đi tham quan tại Liên bang Nga, Cung làm quen với bà H.T.Y., 57 tuổi, ngụ tỉnh Hưng Yên . Sau đó, Cung lừa chiếm đoạt tiền của bà Y. hơn 17 tỷ đồng…

Ngoài ra, Cung còn lừa một phụ nữ ở Tp.HCM với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Cơ quan công an xác định, Cung cấu kết với các đồng phạm, dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, lừa đảo nhiều bị hại với tổng số tiền gần 68 tỷ đồng.

Nói về phương thức thủ đoạn lừa đảo khiến nhiều nữ bị hại sập bẫy, luật sư Nguyễn Thanh Phú - Đoàn luật sư Tp.HCM nhận định: Đối tượng đã lợi dụng tín ngưỡng. Đồng thời, là người có chức sắc, có uy tín trong tổ chức tôn giáo và lợi dụng lòng tin của các cá nhân nhẹ dạ khả tin, nhất là phụ nữ , dễ yếu mềm trước các hoàn cảnh khốn khó, bất hạnh trong cuộc sống.

Đối tượng thực hiện các hành vi gian dối, nhằm để chiếm đoạt tài sản. Trong cuộc sống đôi khi tồn tại những cá nhân mượn đạo tạo đời, cần phải cảnh giác cao. Việc làm từ thiện cũng là một điều tốt, truyền thống lá lành đùm lá rách từ xưa đến nay.

Tuy nhiên, cần phải tỉnh táo trong mọi hoàn cảnh, làm từ thiện đúng nơi, đúng chỗ, cần phối hợp với chính quyền địa phương như: Hội chữ thập đỏ, Mặt trận tổ quốc là nơi gần người dân nhất, để phối hợp cho đúng, giúp đúng người cần giúp, từ thiện đúng nơi, đúng chỗ… tránh rơi vào bẫy mà tội phạm đã sắp đặt sẵn.

Đối với các cơ quan có thẩm quyền cần phải có biện pháp thích hợp quản lý, tuyên truyền, giám sát các tôn giáo cho phù hợp, thực hiện các biện pháp cần thiết loại bỏ các phần tử mượn đạo tạo đời, làm ảnh hưởng đến đạo phật nói riêng, các tôn giáo nói chung, ra khỏi hàng ngũ những người hành đạo chân chính.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm