Thời sự

Nhà vô địch Thanh Vũ: "Tôi không phải siêu nhân, tôi chỉ nỗ lực đến cùng và không bỏ cuộc"

- Phóng viên: Xin được chúc mừng Thanh Vũ. Mọi người gọi em là "nữ siêu nhân", “siêu nhân vũ trụ” khi quả cảm vượt qua một cuộc đua hiếm có như vậy. Em nghĩ gì về điều này?

- Thanh Vũ: Em xin cảm ơn mọi người vì những nickname thú vị này (cười). Em muốn chia sẻ rằng trước khi mình bước đến một lĩnh vực mới, một chân trời mới, có thể mình cảm thấy điều đó rất ghê gớm. Tuy nhiên, khi đã trải nghiệm rồi thì thật sự mình cảm thấy mình còn thật bé nhỏ. Em hoàn toàn không phải siêu nhân mà chỉ là một người bình thường thôi.

Rất nhiều người góp mặt tại giải này đang nắm giữ hoặc vừa phá kỷ lục thế giới ở cự ly họ tham gia. Thậm chí khoảng 95% người dự SwissUltra 2022 không phải dân chuyên nghiệp và đa số là trung niên trở lên, hơn 60 tuổi cũng có. Khi mình nhập cuộc mới hiểu ý chí của con người thật mạnh mẽ và em nghĩ rằng ai cũng có thể làm được nếu có đủ quyết tâm.

Nhà vô địch Thanh Vũ: "Tôi không phải siêu nhân, tôi chỉ nỗ lực đến cùng và không bỏ cuộc" - 1

Thanh Vũ trên đường chạy SwissUltra 2022 (Ảnh: SwissUltra)

- Sau nhiều giải đấu lớn từng chinh phục, vì sao Thanh Vũ đăng ký tham dự SwissUltra 2022? Đây có phải thách thức "khủng" nhất từ trước đến nay của em?

- Thanh Vũ: Em cảm thấy rất khác giữa các giải. Mỗi giải đều có đặc trưng, tính chất và trải nghiệm khác nhau nên thật khó để so sánh. Ví dụ như khi thi đấu ở hoang mạc, em phải mang theo mọi thứ mình cần vì bốn bề chỉ là cát. Có rất ít lựa chọn về dinh dưỡng, về tư trang, đồ dùng cá nhân và mình buộc phải tự tìm cách sinh tồn và vượt qua. Còn ở SwissUltra, giải diễn ra trong một khu vực gần thị trấn và mọi VĐV đều được hỗ trợ tận tình từ đội ngũ tình nguyện viên.

Nhà vô địch Thanh Vũ: "Tôi không phải siêu nhân, tôi chỉ nỗ lực đến cùng và không bỏ cuộc" - 2

Đôi chân của Thanh Vũ trên đường chạy (Ảnh: SwissUltra)

Khi em cần bổ sung dinh dưỡng, các bạn tình nguyện viên đều hỗ trợ mua giúp trứng, rau, cá hồi... Hay có nhiều người gặp vấn đề với giày, họ cũng có thể vào thị trấn tìm giày mới để tiếp tục hành trình. Nhưng ngược lại, giải này có áp lực thời gian hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, do thi đấu trong một khu vực nên nhàm chán là cảm giác nhiều VĐV gặp phải. Nhiều người không chịu được vòng lặp bơi đi bơi lại trong bể, hay đạp xe quanh một khu vực có độ dài chỉ 9km và phải mất 200 vòng để hoàn thành 1.800km.

-Trong 3 môn phối hợp bơi, đạp xe và chạy, môn nào khiến Thanh Vũ cảm thấy "ngán" nhất?

- Thanh Vũ: Là đạp xe vì đây không phải sở trường của em. Thường khi ở nhà em chỉ đạp máy trong phòng tập chứ ít có cơ hội trải nghiệm đường trường. Tại SwissUltra 2022, đường đạp xe cũng khó, hẹp và nguy hiểm khi nhiều đoạn hai bên là vực. Thời tiết cũng khắc nghiệt, khi mưa thì lạnh như nước đá tạt vào người, còn nóng thì muốn cháy da cháy thịt. Em chỉ đạp 1 vòng thôi mà kem chống nắng, chống nẻ... như không còn tác dụng. Nói chung nội dung đạp xe với em rất chật vật. Em cố gắng hoàn thành để sang phần chạy sở trường, cũng cảm thấy an tâm hơn.

Nhà vô địch Thanh Vũ: "Tôi không phải siêu nhân, tôi chỉ nỗ lực đến cùng và không bỏ cuộc" - 3

Thanh Vũ trong nội dung đạp xe (Ảnh: SwissUltra)

- Trong suốt 14 ngày thi đấu triền miên, thời khắc nào khiến Thanh cảm thấy khó khăn, muốn gục ngã nhất. Em có từng nghĩ đến việc bỏ cuộc?

- Thanh Vũ: Thực sự thì trong suốt quá trình tham gia giải này và mọi giải khác, em chưa khi nào muốn bỏ cuộc. Khát khao của em là chinh phục và em muốn nỗ lực đến cùng. Tuy nhiên cũng có những thời điểm em cảm thấy gục ngã và rơi vào bế tắc. Đó là khi hai chân chạy huyền thoại Shanda Hill và Rita phải chịu DNF (Did Not Finish, tạm dịch: không hoàn thành) vì chấn thương và lý do sức khỏe. Cũng có lúc em nhìn thời gian trôi và cảm thấy hoảng, hoài nghi vào khả năng của mình.

Nhà vô địch Thanh Vũ: "Tôi không phải siêu nhân, tôi chỉ nỗ lực đến cùng và không bỏ cuộc" - 4

Khó khăn luôn bủa vây nhưng 9x Hà Nội đã mạnh mẽ vượt qua (Ảnh: SwissUltra)

Ví dụ như ở môn đạp xe, mỗi ngày em phải đạp 270km để hoàn thành mục tiêu 1.800km. Nhưng có hôm em chỉ đạp được 91km do thời tiết xấu, tức là còn thiếu 180km và con số này phải dồn bù cho những ngày sau. Và em nghĩ ngộ ngỡ hôm sau cũng mưa thì mình phải làm gì để vượt qua. Điều đó khiến em rất hoảng và bế tắc. Em đã khóc, không phải là yếu đuối mà muốn tự giải tỏa để bình tĩnh tìm giải pháp cho hôm sau.

- Đâu là động lực tiếp sức cho em nhiều nhất và em muốn nhắn nhủ điều gì để truyền cảm hứng với các bạn trẻ Việt Nam?

- Thanh Vũ: Động lực lớn nhất của em là không bỏ cuộc, là mong muốn trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình, là Number 1 với bản thân mình. Thanh muốn truyền tải thông điệp "Không gì là không thể", để mỗi bạn trẻ có đủ can đảm bước tới. Việc trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình là điều mình luôn luôn giữ vững trong lòng.

Cá nhân Thanh chưa bước vào giải nào mà đặt mục tiêu trở thành quán quân hay trở thành nhà vô địch thế giới. Mục tiêu của Thanh luôn là vượt qua chính mình, trở thành phiên bản Number 1 của thời điểm hiện tại cho đến khi mình tốt hơn nữa, bước lên đỉnh cao. Thanh hy vọng từ câu chuyện của mình, các bạn trẻ giỏi giang và táo bạo của Việt Nam có thể được truyền cảm hứng để vươn xa hơn, bay cao hơn... trở thành niềm tự hào của gia đình, của đất nước.

Nhà vô địch Thanh Vũ: "Tôi không phải siêu nhân, tôi chỉ nỗ lực đến cùng và không bỏ cuộc" - 5

Thanh Vũ và lá cờ Tổ quốc trên bục nhận giải (Ảnh: SwissUltra)

- Kế hoạch tiếp theo của Thanh Vũ cũng như mục tiêu của em trong tương lai là gì?

- Thanh Vũ: Em thích khám phá bản thân mình, khám phá giới hạn mình có thể đạt được nên mỗi năm em muốn đặt ra thử thách khó hơn, khắc nghiệt hơn. Đó cũng là cách đem lại dấu ấn trên bản đồ thế giới về bản lĩnh, ý chí của con người Việt Nam. Cũng có một điều quan trọng em muốn chia sẻ, là vấn đề môi trường.

Khi được tham dự nhiều giải, đi nhiều nơi và quan sát nhiều thứ, em nhận ra con người cần quan tâm, chăm sóc tới Mẹ thiên nhiên nhiều hơn. Mình lấy đi của thiên nhiên nhiều thứ, cũng cần làm nhiều hơn để bù lại. Ví dụ những lần đi máy bay, em đều ghi chép về khí thải được xả ra môi trường có thể gây biến đổi khí hậu, để từ đó có những kế hoạch bù đắp cho Mẹ thiên nhiên. Những việc làm nhỏ thôi nhưng khi được lan tỏa tới cộng đồng, sẽ mang sức mạnh rất lớn.

- Một lần nữa chúc mừng và cảm ơn Thanh Vũ về cuộc trao đổi thú vị này!

Nhà vô địch Thanh Vũ: "Tôi không phải siêu nhân, tôi chỉ nỗ lực đến cùng và không bỏ cuộc" - 6

Thanh Vũ trở thành người truyền cảm hứng tuyệt vời cho các bạn trẻ Việt Nam (Ảnh; SwissUltra)

Thanh Vũ tên thật là Vũ Phương Thanh, sinh năm 1990 tại Hà Nội, nổi tiếng trong làng chạy bộ Việt Nam với nhiều thành tích ấn tượng. Trước khi vô địch Deca-Triathlon World Championship (SwissUltra 2022) với việc bơi 38km, đạp xe 1.800km và chạy 422km trong 328 giờ 27 phút 55 giây, cô từng gây tiếng vang khi chinh phục nhiều giải đấu khắc nghiệt trong nước và quốc tế, đặc biệt phải kể tới những sa mạc khắc nghiệt bậc nhất thế giới như Namib (châu Phi), Gobi (châu Á), Atacama (Nam Mỹ) hay Everest Trail Race, một trong những giải trail có tính thách thức cao nhất. Thanh Vũ hiện đang là Đại sứ thương hiệu Number 1 của Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm