Hiện nay, áp lực phỏng vấn đối với dân công sở ngày càng tăng, cho dù bạn có bao nhiêu kinh nghiệm đi chăng nữa, có thể trả lời suông sẻ bao nhiêu câu hỏi về kiến thức chuyên môn, thì bạn vẫn luôn phải đề phòng những câu hỏi mẹo và hóc búa khác từ nhà tuyển dụng. Có thể nói "30 chưa phải là Tết", chỉ khi thực sự bước ra khỏi phòng phỏng vấn thì chúng ta mới có thể thực sự thở phào nhẹ nhõm.
Mặt khác, trong vô số những người đi xin việc hiện nay, cũng không thiếu những người phá cách, không đi theo con đường thông thường, khiến ai ai cũng phải ngưỡng mộ. Và Chí Phi chính là một trong số đó.
Chuyện này phải bắt đầu kể từ cuộc phỏng vấn của anh ấy vào một khoảng thời gian trước. Như bao người, Chí Phi cũng gặp phải một loạt câu hỏi "bẫy" đến muốn nghẹt thở từ nhà tuyển dụng.
Đầu tiên, nhà tuyển dụng đưa ra một câu hỏi thông thường và yêu cầu Chí Phi nêu cảm nhận về công việc gần đây nhất của anh, tự chấm điểm bản thân trên thang điểm 10. Chí Phi rất thẳng thắn cho mình 8 điểm. Vốn tưởng rằng nhà tuyển dụng sẽ hỏi anh ấy lý do vì sao, Chí Phi đã chuẩn bị sẵn ngôn ngữ trong đầu, nhưng không ngờ câu tiếp theo của nhà tuyển dụng lại là: "Nếu chúng tôi gọi cho sếp cũ của bạn, thì họ sẽ đánh giá về bạn như thế nào và vì sao lại đánh giá như thế?"
Chí Phi sửng sốt một lúc, rồi nhanh chóng lấy lại tinh thần, phân tích: "Tôi nghĩ số điểm có lẽ sẽ từ 8 đến 10 điểm, bởi vì tôi đã trao đổi với sếp cũ về việc từ chức, và họ cũng đã bày tỏ rằng họ hiểu cho lý tưởng của tôi. Hằng năm, tôi luôn đạt thành tích cao trong công việc, mối quan hệ với đồng nghiệp cũng hài hòa, vì vậy tôi nghĩ sếp cũ sẽ cho tôi số điểm này."
"Lý do này hình như chưa đủ. Anh còn gì muốn nói không?" Nhà tuyển dụng hỏi.
Chí Phi nói: "Có, xin vui lòng cho phép tôi sử dụng điện thoại di động trong mười giây." Nhà tuyển dụng không hiểu rõ ý đồ của Chí Phi nên đã đồng ý, muốn xem anh ta sẽ làm gì.
Thật không ngờ, Chí Phi đã gọi điện trực tiếp cho sếp cũ của mình và hỏi câu hỏi mà nhà tuyển dụng đã đưa ra. Quả nhiên, người sếp đó đã cho Chí Phi một số điểm gần như là tuyệt đối, 9 điểm. Đồng thời giải thích lý do cho nhà tuyển dụng bên đây. Tóm ý, Chí Phi là một nhân tài ưu tú trong các nhân tài.
Nhà tuyển dụng lúc ấy thực sự đã bị sốc, tuy nhiên hành động của Chí Phi cũng đã gây nên một cuộc nghị luận giữa các nhà tuyển dụng với nhau. Cuối cùng, anh ấy đã được tuyển dụng.
Có lẽ, mọi người cũng thắc mắc vì sao anh chàng này lại tự tin như thế, có phải không? Thực lực anh ấy chắc chắn có, lý do cũng không có lỗ hỏng. Nhưng sếp cũ đánh giá như thế nào thì vẫn là một yếu tố không thể kiểm soát được. Bí mật chính là: sếp cũ mà Chí Phi gọi, thực ra là chú ruột của anh, ông ấy đã sẵn lòng hỗ trợ anh đến đây để thử vận may, vào một công ty lớn để phát triển sự nghiệp của mình. Đồng thời, chú của anh cũng là một ông chủ có địa vị khá lớn trong ngành, đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến lời nói của ông rất có trọng lượng đối với các nhà tuyển dụng.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là chỉ có những ứng viên có mối quan hệ họ hàng mới được tuyển dụng vào các công ty lớn. Điều tôi muốn nói là khi chúng ta không có nguồn lực để sử dụng, chúng ta phải tìm hiểu rõ ý định của người phỏng vấn. Câu hỏi trên là để kiểm tra xem bạn có phải là một người trung thực và hiểu rõ về bản thân hay không. Nếu như hiểu rõ mấu chốt của câu hỏi thì bạn sẽ dễ dàng trả lời hơn.
Ngoài ra, nếu bạn có nguồn lực thì sử dụng cũng tốt. Dù sao, khiến người ta bất ngờ cũng được tính là một loại khả năng hiếm có. Đừng ngại thể hiện điều đó, và nghĩ rằng nó là sai, vì nếu sử dụng các nguồn lực của mình một cách hiệu quả thì cũng là một minh chứng cho năng lực của bản thân.
Giỏi sử dụng các nguồn lực là một kỹ năng bắt buộc, đó cũng là phương pháp hiệu quả nhất để chúng ta tiến bước trơn tru hơn trên đường đời. Vì vậy, nếu bạn có các nguồn lực, hãy nhớ sử dụng chúng, nếu bạn không có, điều đó cũng không sao. Bởi vì suy cho cùng, trên đời này, những người có nguồn lực vốn không nhiều. Chỉ cần bạn đủ giỏi thì cơ hội chắc chắn sẽ mỉm cười với bạn.