Sau nhiều năm tập trung đầu tư kinh doanh điện máy, ông Hoàng Nam (quận 8, TP HCM) chuyển dịch dòng vốn đầu tư nhiều hơn sang thị trường bất động sản. "Khẩu vị" của nhà đầu tư này là các sản phẩm bất động sản liền thổ, song nguồn cung sản phẩm này tại thị trường TP HCM rất hạn chế.
"Tôi đang quan tâm đến nhiều dự án nhà phố, biệt thự tại Bình Dương vì nhiều lựa chọn, mức giá 'mềm' hơn. Các dự án nhà phố, biệt thự tại đây cũng được quy hoạch bài bản, hiện đại, có nhiều triển vọng hấp dẫn khách thuê thu nhập cao", ông Nam đánh giá.
Thực trạng thiếu hụt nguồn cung bất động sản liền thổ tại TP HCM đã xuất hiện nhiều năm qua và dự kiến sẽ tiếp tục tiếp diễn, do quy hoạch nhà ở của TP HCM đến năm 2030 ưu tiên phát triển nhà ở cao tầng. Do đó, các thị trường vùng ven như Bình Dương đang là điểm dừng chân của các nhà đầu tư.
Thủ phủ công nghiệp phía Nam cũng là thị trường hấp dẫn giới đầu tư cả nước khi đón làn sóng đầu tư FDI mạnh. Tính riêng 6 tháng đầu năm, Bình Dương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,35 tỷ USD, tăng 98,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế đến ngày 20/6, Bình Dương đứng thứ hai cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 39,6 tỷ USD, chỉ xếp sau đầu tàu kinh tế TP HCM, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ngoài ra, Bình Dương đang là địa phương có tỷ lệ người di cư thuê nhà cao nhất cả nước, ở mức 74,5%. Theo thông tin của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương, tính đến hết quý II/2021, tỉnh có 50.000 doanh nghiệp, hơn 1,2 triệu lao động từ các tỉnh thành. Trong 29 khu công nghiệp đang hoạt động với 2.000 doanh nghiệp mở nhà máy sản xuất, có khoảng 485.670 lao động Việt và 14.900 lao động nước ngoài. Số lượng lao động nhập cư dự kiến sẽ không ngừng gia tăng, khi các doanh nghiệp vẫn có kế hoạch tuyển dụng hàng chục nghìn lao động.
Theo dữ liệu lớn của Batdongsan (thành viên của Propertyguru), chiếm 30% dự án bất động sản tại Bình Dương là phân khúc căn hộ, với khoảng 80 dự án. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp tại Bình Dương có giá cho thuê mỗi tháng dao động từ 7-10 triệu đồng một căn hai phòng ngủ; phân khúc căn hộ cao cấp giá thuê hàng tháng từ 11-15 triệu đồng một căn hai phòng ngủ. Chiếm khoảng 35% dự án bất động sản tại Bình Dương là các khu đô thị với các loại hình nhà phố, liền kề.
Tuy nhiên, khảo sát tại Tân Uyên, nơi đang được định hướng là thành phố thứ 4 trực thuộc tỉnh Bình Dương, nguồn cung nhà phố, biệt thự cao cấp phục vụ giới chuyên gia rất hạn chế. Nổi bật tại thị trường này là dự án The Standard được chủ đầu tư An Gia triển khai trên đường Trịnh Công Sơn.
Trong đó, các sản phẩm villa, nhà phố biệt lập tại dự án The Standard đang hấp dẫn khách thuê với mức giá dao động 40 triệu đồng mỗi tháng. Dự án có quy mô khoảng 374 sản phẩm gồm nhà liền kề và shophouse, đã bàn giao từ tháng 3 năm nay.
The Standard thể hiện sự tâm huyết của chủ đầu tư An Gia trong việc tạo lập một khu đô thị dành riêng cho cộng đồng chuyên gia và tầng lớp thu nhập cao tại Bình Dương. Mỗi không gian sống được quy hoạch chỉn chu với thiết kế lệch tầng cùng mảng xanh của thiên nhiên, cây cỏ, hồ nước. Các căn nhà bố trí khoảng sân vườn trước - sau để cư dân trồng hoa, làm tiểu cảnh, đặt bàn trà... Nội khu dự án cũng bố trí nhiều tiện ích phong cách resort như hồ bơi, clubhouse, khu vui chơi dành cho trẻ em trong nhà và ngoài trời, phòng gym, yoga, xông hơi, sân thể thao đa năng, thư viện... Yếu tố an ninh, an toàn được đảm bảo nhờ hệ thống camera và bảo vệ túc trực 24/7.
Ngoài việc tích hợp tiện ích - dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, The Standard cũng có lợi thế là tâm điểm kết nối các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên. Từ đây, cư dân cũng thuận tiện di chuyển đến các cụm, khu công nghiệp hiện hữu như Nam Tân Uyên, Nam Tân Uyên mở rộng, VSIP II, cụm công nghiệp Uyên Hưng, Thái Hòa, Phú Chánh và tương lai là VSIP III.
Đại diện chủ đầu tư cho biết, nhờ lối phát triển sản phẩm khác biệt cùng số lượng hạn chế, các sản phẩm villa, nhà phố biệt lập tại The Standard ghi nhận lực cầu tốt ở cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.
"Nhiều người mua tìm kiếm lợi nhuận bền vững từ cho thuê, hướng đến nhóm chuyên gia trong và ngoài nước đòi hỏi cao về chất lượng sống. Đây cũng được xem như tài sản tích lũy về lâu dài cho thế hệ tương lai", đại diện An Gia nói.
Theo bà Ginny Nguyễn - quản lý cấp cao Bộ phận Kinh doanh Nhà ở Savills TP HCM, sau Covid-19, nhu cầu nhà ở của một nhóm khách hàng ở tầng lớp trung lưu, khá giả tại Việt Nam chuyển sang những bất động sản với diện tích lớn hơn căn nhà hiện tại, xung quanh nhiều không gian xanh và riêng tư, không tập trung ở khu vực dân cư đông đúc. Khách hàng của các sản phẩm này đều đã sở hữu nhiều bất động sản và đang tìm kiếm sản phẩm ở các thị trường mới có tiềm năng tăng giá cao. Các sản phẩm cũng được coi ngôi nhà thứ hai, thứ ba cho các kỳ nghỉ ngắn cuối tuần với gia đình với nhiều không gian xanh.
"Thị trường phát triển biệt thự, nhà liền thổ của các thị trường vệ tinh sẽ phát triển hơn nữa do quỹ đất trung tâm phát triển các dự án này không còn nhiều và thủ tục cấp phép phát triển dự án mới còn chậm. Các chủ đầu tư sẽ dịch chuyển nguồn lực sang thâu tóm các quỹ đất sạch tại các thành phố vệ tinh để phát triển dự án nhằm cắt giảm chi phí và đón đầu xu hướng", bà Ginny nhận định.