16h30 ngày 30/3, phòng giao dịch của MobiFone ở trung tâm quận 1, TP HCM vẫn tấp nập người ra vào. Phần lớn khách hàng đến để chuẩn hóa thuê bao theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cách đó gần một km, phòng giao dịch của Viettel cũng trong tình trạng quá tải. Lượng người đến cập nhật thông tin tăng đột biến khiến, hàng dài người lấy số, chờ đến lượt.
Quản lý phòng giao dịch của MobiFone trên đường Nguyễn Du cho biết: "Từ sáng sớm, chúng tôi đã phải điều động thêm nhân sự từ các phòng ban khác đến hỗ trợ người dân. Nhà mạng làm việc cả buổi trưa, không nghỉ vì số khách đến quá đông".
Ông Đoàn Nghĩa Sơn, một nhân viên bảo vệ tại TP HCM, cho biết ông nhận được tin nhắn yêu cầu cập nhật thông tin do chưa trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên tranh thủ xin nghỉ giữa buổi để đến điểm giao dịch. "Tôi lớn tuổi, không dùng smartphone nên phải đến tận nơi. Thủ tục nhanh, đơn giản nhưng thời gian chờ lâu", ông nói.
Trước đó, một số nhà mạng đề nghị gia hạn thời gian khóa thuê bao. Tuy nhiên trong thông báo hôm 29/8, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long nói: "Lùi thời hạn sẽ làm cho nhiều thuê bao lần lữa trong việc chuẩn hóa khi nhận thông báo từ nhà mạng. Vì vậy, Bộ kiên quyết thực hiện nghiêm túc thời gian khóa thuê bao sau ngày 31/3".
Theo thống kê của VinaPhone, số người đến các điểm giao dịch hôm nay cao gấp 5-6 lần so với ngày thường và 2,5 lần so với giai đoạn đầu. Trước đó, nhà mạng này từng cho biết có 200.000 người chuẩn hoá chỉ tính riêng trong ngày đầu triển khai việc chuẩn hóa (15/3). Đại diện các nhà mạng khác như Viettel, MobiFone nói chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng đều xác nhận tình trạng đông đúc tại các điểm giao dịch cũng như lượt truy cập tăng cao trên ứng dụng.
"Nhà mạng phải bố trí thêm bàn, nhân viên, làm việc đến 21h để giải quyết cho khách hàng. Một số điểm ở xa, phòng giao dịch bố trí thêm quầy lưu động ngoài trời để hỗ trợ người dân", đại diện nhà mạng VinaPhone cho biết.
Theo các nhà mạng, người dùng có thể tự kiểm tra và cập nhật thuê bao trên website, ứng dụng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không an tâm, muốn đến tận cửa hàng để được hướng dẫn trực tiếp. Nhiều phòng giao dịch in sẵn tờ hướng dẫn khách tự cập nhật thông tin qua ứng dụng để tránh quá tải.
Trong những ngày trước hạn chót 31/3, phần lớn khách đến cửa hàng là người lớn tuổi, học sinh, sinh viên. Nhiều người không nằm trong diện chuẩn hóa cũng vẫn đến cửa hàng để kiểm tra nên gây tình trạng quá tải.
"Có những khách hàng dùng sim số đẹp, không nhận được tin nhắn nhưng sợ bị ảnh hưởng nên cũng đến. Số khác tranh thủ đợt này để cập nhật thông tin chính chủ, chuyển thông tin từ CMND sang CCCD. Những người này thường được giao dịch viên hẹn quay lại vào đợt sau, ưu tiên cho khách nhận được tin nhắn cần chuẩn hóa", đại diện một phòng giao dịch nói.
Tại cuộc họp triển khai ngày 13/3, Cục Viễn thông cho biết chiến dịch lần này chỉ nhằm đảm bảo thông tin thuê bao di động trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Những trường hợp cần chuẩn hóa sẽ nhận được thông báo từ nhà mạng qua tin nhắn trong năm ngày, mỗi ngày một lần.
Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê từ 15/3 đến hết ngày 28/3, đã có hơn 1,8 triệu thuê bao cập nhật thông tin. Con số này chỉ chiếm 46,89% trong tổng số 3,8 triệu thuê bao thuộc diện phải chuẩn hóa. Theo quy định, sau 15 ngày kể từ khi nhận thông báo, tức 31/3, thuê bao sẽ bị khóa một chiều. Nếu tiếp tục không thực hiện, thuê bao sẽ bị khóa hai chiều sau 15/4 và chấm dứt hợp đồng, thu hồi số vào 15/5.