Theo Reuters, tại cuộc họp với Ủy viên Thierry Breton của Ủy ban châu Âu, bộ trưởng viễn thông từ ít nhất 18 quốc gia đã bác bỏ đề xuất thu phí Internet của các nhà mạng châu Âu, hoặc yêu cầu nghiên cứu thêm về nhu cầu và tác động của đề xuất.
Áo, Bỉ, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Phần Lan, Đức, Ireland, Litva, Malta và Hà Lan nằm trong nhóm này. Trong khi đó, Pháp, Hy Lạp, Hungary, Italy, Tây Ban Nha ở nhóm thiểu số ủng hộ đề xuất của nhà mạng.
Đề xuất trước đó được đưa ra bởi một nhóm nhà mạng viễn thông lớn như Deutsche Telekom, Orange, Telefonica và Telecom Italia. Nhóm cho rằng họ đã phải chi hàng tỷ USD cho hạ tầng như cáp quang, trạm vô tuyến để đáp ứng nhu cầu Internet ngày càng tăng, trong khi Big Tech Mỹ không có động thái đầu tư hỗ trợ, dù dữ liệu phát sinh từ các dịch vụ của Big Tech chiếm một phần lớn lưu lượng mạng. Từ đó, nhà mạng yêu cầu các công ty như Google, Apple, Amazon, Microsoft, Meta, Netflix phải chia sẻ phí Internet.
Tuy nhiên, theo một số bộ trưởng viễn thông, đề xuất này thiếu các phân tích về tác động cụ thể. Ngoài ra, việc tính "thuế mạng" có thể khiến Big Tech chuyển phần phí này sang người dùng, khiến người dân phải trả thêm tiền cho dịch vụ.
Ngoài ra, các bộ trưởng cũng cảnh báo khả năng vi phạm quy tắc về tính trung lập của Internet, vốn quy định tất cả người dùng được đối xử bình đẳng trên mạng.
Theo nguồn tin, cuối tháng 6, người phụ trách vấn đề này là Thierry Breton sẽ công bố báo cáo, trong đó có phản hồi của Big Tech, nhà mạng và những người liên quan, trước khi đi đến những bước tiếp theo.
Trước đó, tại sự kiện MWC 2023 ở Tây Ban Nha hồi tháng 2, nhiều tập đoàn viễn thông châu Âu nói Google, Netflix,, Apple, Amazon, Microsoft và Meta chiếm gần nửa lưu lượng Internet toàn thế giới. Do đó, các công ty này nên trả phí để bù đắp việc sử dụng hạ tầng, cũng như mang lại nguồn vốn để triển khai mạng cáp quang và 5G.
CEO Netflix Greg Peters khi đó cho biết yêu cầu này gây tác động tiêu cực đến người dùng. Netflix đã dành nhiều tiền để cung cấp nội dung cho người dùng, việc thêm phí hạ tầng mạng sẽ khiến họ khó phát triển các chương trình hấp dẫn cho khán giả.
Ngoài ra, các công ty công nghệ lập luận nhà mạng châu Âu đã nhận được tiền đầu tư hạ tầng từ khách hàng, thông qua cước điện thoại và Internet, nên việc đòi Big Tech chi tiền chỉ là chiêu trò nhằm thu lời gấp đôi.