Theo báo cáo mới công bố của Cushman & Wakefield về thị trường nhà liền thổ TP. HCM, trong năm 2022, nguồn cung mới đạt 1.200 căn, tăng 12% theo năm do thị trường phục hồi sau năm 2021 trầm lắng bởi Covid-19.
Trong khi đó, lượng căn bán được giảm 3% do tâm lý thị trường chững lại, người mua do dự trong bối cảnh bất định.
Nguồn cung nhà liền thổ tại TP. HCM qua các năm. (Nguồn: Cushman & Wakefield).
Theo dữ liệu của Cushman & Wakefield, giá bán sơ cấp trong quý IV đã giảm nhẹ 0,2% theo quý do một số dự án đưa ra chính sách chiết khấu. Tuy nhiên giá vẫn tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước vì nguồn cung chủ yếu đến từ phân khúc cao cấp ở các vị trí đắc địa.
Nguồn: Cushman & Wakefield.
Đơn vị này cho biết, trong năm 2023 nguồn cung nhà liền thổ mới tại TP. HCM dự kiến sẽ ít hơn 900 căn, giảm 27% so với năm 2022. Nguyên nhân do quỹ đất phát triển hạn chế và khó khăn trong việc huy động nguồn vốn.
Nguồn cung mới tiếp tục dịch chuyển tới các khu vực ngoài trung tâm. So với những dự án trước, hầu hết các dự án mới đều có nhiều tiện ích hơn với cơ sở hạ tầng ngoại khu và nội khu hoàn thiện, với xu hướng lấy cảm hứng thiết kế lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, góp phần nâng cao giá trị dự án.
Cushman & Wakefield cũng cho biết, thị trường đang hướng tới nhu cầu mua ở thực thay vì mua đầu tư như trước. Do đó, các dự án có pháp lý rõ ràng, có tiến độ thanh toán linh hoạt trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn sẽ thu hút được khách hàng.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc của Cushman & Wakefield Việt Nam cũng chỉ ra nguyên nhân giá bán nhà liền thổ neo cao, là do nguồn cung chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp dẫn đến giá niêm yết các tài sản này đều rất cao. Hầu hết dự án này đều có nhiều tiện ích hơn trước với cơ sở hạ tầng ngoại khu và nội khu hoàn thiện, nhiều dịch vụ tiện ích cho một cộng đồng.
Đưa ra dự báo, Hồ Đắc Duy, quản lý cấp cao bộ phận kinh doanh nhà ở của Savills cho rằng, phân khúc nhà liền thổ tại TP.HCM trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng mặc dù hiện tại thị trường bất động sản tương đối trầm lắng và tính thanh khoản chưa cao. Lý do chính là quỹ đất khan hiếm, nguồn cung hạn chế và nhu cầu sở hữu cao khiến giá trị dòng sản phẩm nhà phố, biệt thự sẽ tăng mạnh ở cả sơ cấp lẫn thứ cấp.
Chẳng hạn như một dự án tại Nhà Bè được mở bán vào đầu năm 2020 với giá bán các sản phẩm nhà phố dao động từ 9,5 -11 tỷ đồng, villa song lập 13,5-15,5 tỷ đồng mỗi căn. Tới thời điểm hiện tại, thị trường thứ cấp đang chào với mức giá 18-19 tỷ đồng cho sản phẩm nhà phố và 26-28 tỷ đồng cho sản phẩm biệt thự.
Theo ông Duy, không chỉ bất động sản liền thổ mà ngay cả chung cư, đất nền vùng ven giá cũng được đẩy lên khá cao so với giá trị thực. Hơn nữa các chủ đầu tư khi giới thiệu ra thị trường hầu như đều thiết lập giá sản phẩm của họ trong 2-3 năm tới.
Dù vậy, dòng sản phẩm bất động sản liền thổ vẫn là kênh đầu tư hiệu quả và nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh tình hình lạm phát tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới. Loại hình này phù hợp với nhà đầu tư có dòng tài chính ổn định, có thể đầu tư trong trung và dài hạn.
“Mặc dù đây là dòng sản phẩm có tỷ suất sinh lời khá cao, tuy nhiên lời khuyên cho nhà đầu tư vốn nhỏ là sẽ rủi ro nếu họ vay quá nhiều dẫn đến khó kiểm soát đòn bẩy tài chính”, ông Duy nói.
Savills dự báo, đến năm 2025, nguồn cung tương lai tại TP.HCM đạt trên 11.500 sản phẩm. Trong đó, bất động sản xây sẵn chiếm 89% và đất nền chiếm 11%.