Cuối tuần vừa qua, sau một thời gian dài tham khảo thị trường, chị Thảo (Thanh Trì – Hà Nội) đã quyết định xuống tiền mua lô đất nền có diện tích 49m2 gần nhà với mức giá 1,32 tỷ đồng, tương đương với mức giá gần 27 triệu đồng/m2. Nhà đầu tư này cho biết thời gian qua giá BĐS nhiều khu vực đã hạ nhiệt và căn cứ vào lượng tiền nhàn rỗi của gia đình nên quyết định xuống tiền đầu tư chờ khi nào thị trường sôi động trở lại sẽ bán ra kiếm lời.
Tương tự, chị Dung, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Đông – Hà Nội cũng đã dành hai ngày cuối tuần để tham khảo giá và tìm kiếm cơ hội đầu tư BĐS tại Hải Dương. Nhà đầu tư này cho biết so với mức đỉnh cuối năm 2021, đầu năm 2022 giá đất nền tại các dự án ở khu vực thành phố Hải Dương đều giảm trung bình từ 10-30%. Theo đó, với ngân sách khoảng 2 tỷ đồng chị có thể mua được lô đất với vị trí đẹp ngay sát khu công nghiệp lớn.
Thậm chí theo nhà đầu tư này, ngay khu vực vùng ven Hà Nội, giá đất nền cũng hạ nhiệt, trung bình 10-30%. Nhà đầu tư này cho biết nhiều lô đất tại Đồng Mai (Hà Đông) thời điểm sốt đất từng được rao bán từ 3,2 tỷ đến 3,7 tỷ đồng. Giữa năm 2022, một số môi giới còn thông báo, giá 2,8 tỷ đồng khó mua được lô đất dịch vụ đẹp ở khu vực này. Nhưng đến nay với số tiền từ 2,5 đến 2,7 tỷ đồng các nhà đầu tư có thể tìm kiếm được cho mình một lô đất có vị trí khá đẹp.
Cùng với những nhà đầu tư, những người mua BĐS để ở cũng đang lên kế hoạch mua nhà, đất để “an cư, lạc nghiệp”. Anh Kiệt, một nhân viên kinh doanh tại TP HCM cho biết đang có trong tay 1,4 tỷ đồng cùng mức thu nhập hàng tháng 30 triệu đồng và có thể tiết kiệm khoảng 15 triệu đồng/tháng cũng đang lên kế hoạch vay mượn thêm để mua nhà hoặc đất tại khu vực vùng ven. Anh Kiệt cho biết phân khúc nhắm tới của mình là đất nền hoặc chung cư quanh mức giá 2,4-2,5 tỷ đồng.
Mặc dù đất nền luôn bị coi là phân khúc đầu cơ, song theo một số nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, nhìn về dài hạn, đất nền vẫn là bài toán xuống tiền hấp dẫn với những người có tiền nhàn rỗi. “Lãi suất đã giảm, niềm tin vào thị trường bắt đầu phục hồi. Nhà đầu tư có thể cân nhắc xuống tiền”, anh Tuân (nhà đầu tư ở Thanh Xuân, Hà Nội với 6 năm kinh nghiệm) nhận định.
Đất nền vẫn là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm
Tuy nhiên, nhà đầu tư này cho rằng: “Nếu mua đất nền, nhà đầu tư cần có tài chính. Nếu xác định vay ngân hàng, nên chỉ sử dụng đòn bẩy tài chính từ 10-30%. Nhưng đảm bảo rằng, thu nhập đều đặn đủ khả năng trả khoản nợ này. Bởi, đây là thời điểm nền kinh tế trong và ngoài nước khó khăn. Các doanh nghiệp cũng đang thấm khó. Trường hợp xấu nhất xảy ra, nhà đầu tư cũng không phải bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình”.
Một điểm khác mà anh Tuân đưa ra, đó là lựa chọn sản phẩm. “Đất nền nằm trong khu dân cư, đã có tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 20% thì nhà đầu tư hãy xuống tiền. Thứ hai, đảm bảo rằng, đất nền đã có sổ đỏ. Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện này, lựa chọn mức giá hợp lý để đàm phán với người bán”.
Trước việc nhiều nhà đầu tư và có nhu cầu ở thực đã quyết định xuống tiền vào BĐS, doanh số bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản được kỳ vọng sẽ sớm tăng trở lại nhờ niềm tin của người mua nhà, lãi suất vay hạ nhiệt và công tác tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án được cải thiện dần sau giai đoạn khó khăn vừa qua. Theo báo cáo của Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, trong quý II/2023, lượng giao dịch căn hộ đã tăng khoảng 30% so với quý I, đạt hơn 3.700 sản phẩm.
Cùng với đó, theo thông tin được Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng công bố lượng giao dịch BĐS tại tỉnh đã tăng đáng kể so với những tháng trước đây. Cụ thể, trong tháng 7 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 1.412 lô đất nền và 148 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng. Trước đó, trong tháng 6/2023, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 1.320 lô đất nền và 165 căn nhà ở riêng lẻ giao dịch thành công qua công chứng.
Thống kê về giao dịch theo quý, trong quý II/2023, tỉnh Lâm Đồng có lượng giao dịch bất động sản tăng mạnh, cụ thể ghi nhận 5.160 giao dịch đất nền và 327 giao dịch nhà ở riêng lẻ. Trong khi đó, quý đầu năm chỉ có 3.246 giao dịch đất nền và 287 giao dịch nhà ở riêng lẻ.
Trong một toạ đàm về BĐS mới đây, TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Có lẽ đây là thời điểm xuống tiền tốt”. Vị chuyên gia này nhận định, giá bất động sản khó tiếp tục giảm sâu, giảm mạnh. Bởi lẽ nguồn cung rất thiếu và nhu cầu thực đối với phân khúc nhà ở vẫn còn.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, vùng ven các thành phố lớn sẽ là thị trường dẫn dắt khả năng hồi phục của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các giao dịch ở đây sẽ trở lại trên nền giá thấp.
"Người bán phải chấp nhận giảm giá sâu thì nhà đầu tư, khách hàng có nhu cầu mua thực mới xuống tiền. Trong quý IV/2023, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận dấu hiệu khởi khắc rõ hơn khi các bộ luật quan trọng liên quan đến bất động sản được thông qua, lãi suất ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm, niềm tin nhà đầu tư cải thiện. Tuy nhiên, để chắc chắn thì đầu năm 2024, thị trường địa ốc sẽ thực sự thoát khỏi những khó khăn đang bủa vây", ông Đính nhận định.