Tinh trùng bất động nên không thể gặp trứng để tạo thành phôi. Bác sĩ Nguyễn Tiến Huy, Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh nam. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc tình trạng này.
Di truyền
Hội chứng Kartagener: Đây là rối loạn di truyền ít gặp ảnh hưởng đến sự di chuyển của phần đuôi tinh trùng khiến chúng không thể di chuyển.
Hội chứng Klinefelter: Nam giới mắc hội chứng này có một nhiễm sắc thể X thừa làm suy giảm khả năng sản xuất tinh trùng, trong đó có tình trạng bất động.
Gene bất thường: Một số rối loạn di truyền gây dị dạng hoặc rối loạn chức năng trong quá trình sản xuất tinh trùng, làm giảm khả năng di động.

Bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị cho một cặp vợ chồng vô sinh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Bệnh lý
Viêm nhiễm sinh dục: Các bệnh nhiễm trùng như viêm mào tinh, viêm tinh hoàn, viêm đường dẫn tinh, nhiễm trùng tiểu đường có thể làm tắc nghẽn hoặc gây tổn thương cho hệ sinh dục khiến khả năng vận động của tinh trùng suy giảm.
Tắc nghẽn ống dẫn tinh: Nguyên nhân có thể do các yếu tố bẩm sinh hoặc mắc phải như chấn thương hoặc phẫu thuật, dẫn đến sự gián đoạn trong việc đưa tinh trùng ra ngoài cơ thể và giảm khả năng vận động của chúng.
Môi trường và lối sống
Hóa chất độc hại: Tiếp xúc với hóa chất, thuốc trừ sâu, kim loại nặng (chì, thủy ngân) và các chất độc hại khác có thể gây tổn hại đến tinh binh.
Thuốc lá, rượu và ma túy: Thuốc lá chứa các hóa chất gây tổn hại cho DNA của tinh trùng, làm suy yếu khả năng di động. Rượu và ma túy cũng ảnh hưởng xấu đến sinh tinh, bao gồm khả năng vận động.
Nhiệt độ cao: Tinh hoàn cần nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể để sản xuất tinh trùng hiệu quả. Tiếp xúc với nhiệt độ cao như tắm hơi, làm việc trong môi trường nóng hay mặc quần áo bó sát có thể làm giảm quá trình này.
Rối loạn nội tiết tố
Hormone testosterone có vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì chức năng sinh lý. Khi nồng độ testosterone giảm, khả năng sản xuất và chất lượng tinh binh cũng bị ảnh hưởng. Mất cân bằng các hormone khác như FSH và LH có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh dục và khả năng vận động của tinh trùng.
Lão hóa
Chất lượng tinh binh giảm dần theo tuổi tác, có thể trở nên kém di động và dễ bị tổn thương DNA, giảm khả năng thụ tinh. Do lão hóa, các cơ quan sinh dục của nam giới cũng suy giảm chức năng, bao gồm giảm sản xuất testosterone và thay đổi trong quá trình sản xuất tinh trùng.
Chấn thương và phẫu thuật
Chấn thương hoặc phẫu thuật liên quan đến cơ quan sinh dục có thể gây tổn thương trực tiếp đến tinh hoàn, ống dẫn tinh hoặc các bộ phận khác của hệ thống sinh dục.
Tâm lý
Lo âu, căng thẳng kéo dài có thể tác động đến các hormone điều tiết chức năng sinh lý cũng ảnh hưởng đến sinh lý nam.
Để giảm nguy cơ tinh trùng bất động, bác sĩ Huy khuyến cáo nam giới cần duy trì lối sống lành mạnh, kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan. Các phương pháp điều trị và hỗ trợ sinh sản hiện nay như thụ tinh nhân tạo (IUI) và thụ tinh ống nghiệm (IVF) cải thiện cơ hội thụ thai cho nam giới gặp tình trạng này. Trong đó, kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) được coi là phương pháp hữu hiệu với người có tinh trùng ít, bất động.
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |