Tài chính

Nguyên nhân nào khiến lãi suất vẫn tiếp tục tăng dù lạm phát đã hạ nhiệt?

Vài tuần gần đây, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đáng kể, giá cả các nguyên liệu thô chủ chốt từ dầu mỏ đến đồng và lúa mì đều đã giảm xuống. Không chỉ vậy, chi phí vận chuyển cũng giảm vì chuỗi cung ứng đang dần hồi phục sau đại dịch.

Sau khi cùng trải qua cú sốc giá tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, tốc độ hồi phục của các nền kinh tế sẽ là khác nhau, trong đó châu Âu đặc biệt khó khăn hơn cả. Tuy nhiên theo dự báo của các chuyên gia phân tích tại JPMorgan Chase, chỉ số lạm phát của toàn thế giới sẽ giảm xuống còn 5,1% trong 6 tháng cuối năm, bằng một nửa so với nửa đầu năm.

Nguyên nhân nào khiến lãi suất vẫn tiếp tục tăng dù lạm phát đã hạ nhiệt? - Ảnh 1.

Chỉ số áp lực lạm phát trên toàn cầu do Fed New York thống kê đã giảm xuống. Nguồn: Fed New York/Bloomberg

"Cơn sốt lạm phát đang dần chấm dứt", Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế trưởng của JPMorgan nhận xét.

Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa chúng ta sẽ sớm quay trở lại với tình trạng lạm phát siêu thấp mà thế giới đã tận hưởng trong suốt một thời gian dài trước khi cú sốc kép Covid-19 và xung đột ở Ukraine nổ ra. Cũng không phải thế giới sẽ sớm kết thúc lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ.

Fed vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất

Giới phân tích dự báo các NHTW lớn trên thế giới, từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho đến NHTW châu Âu (ECB) và NHTW Anh (BoE) sẽ một lần nữa tăng lãi suất vào tháng 9.

Tại hội nghị Jackson Hole diễn ra cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ cánh cửa tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản nữa vào tháng tới. Ông nói với lãnh đạo các NHTW khác rằng dù gần đây lạm phát của Mỹ đang giảm xuống, mức giảm là quá thấp so với những gì mà các nhà hoạch định chính sách muốn nhìn thấy.

Ngay ngày hôm sau, 1 lãnh đạo của ECB, bà Isabel Schnabel, khẳng định "các NHTW cần phải hành động mạnh mẽ".

Trong khi đó vì đã nhanh chân hơn Fed trong việc tăng lãi suất, một số NHTW có thể tận dụng lợi thế áp lực giá cả suy giảm để tạm ngừng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Ví dụ, NHTW Séc giữ nguyên lãi suất trong tháng 8. Brazil cũng được dự báo sẽ hành động tương tự trong tháng 9. Thống đốc NHTW New Zealand cho biết có lẽ cơ quan này sắp kết thúc lộ trình tăng mạnh lãi suất.

Chi phí sinh hoạt tăng vọt đã gây sức ép cực lớn lên các chính trị gia cũng như các nhà điều hành chính sách tiền tệ. Tình hình đặc biệt căng thẳng ở châu Âu, nơi giá khí đốt đã tăng hơn 7 lần so với 1 năm trước, khiến châu lục này rơi vào khủng hoảng năng lượng.

Tỷ lệ lạm phát của châu Âu đã chạm mức kỷ lục 8,9% trong tháng 7 và nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng. Citigroup dự báo tỷ lệ lạm phát của Anh có thể vượt 18%, một phần bởi chính sách dỡ bỏ trần giá năng lượng.

Ngược lại, theo dự báo của ngân hàng JPMorgan, Mỹ sẽ chứng kiến tỷ lệ lạm phát giảm mạnh nhất trong nhóm các nước phát triển, một phần nhờ đồng USD tăng giá mạnh. Tuy nhiên điều này sẽ không khiến Fed thắt chặt chính sách tiền tệ. Anna Wong, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics, dự báo cuối cùng lãi suất ở Mỹ sẽ lên đến 5% để có thể đối phó với lạm phát.

Vì sao giá cả lại hạ nhiệt?

Kể từ đầu tháng 6 đến nay, giá dầu thô tương lai đã giảm khoảng 20%. Giá kim loại, gỗ và chip nhớ cũng đều đã rời đỉnh. Chỉ số giá thực phẩm do Liên hợp quốc thống kê giảm gần 9% trong tháng 7, mạnh nhất kể từ 2008.

Nguyên nhân nào khiến lãi suất vẫn tiếp tục tăng dù lạm phát đã hạ nhiệt? - Ảnh 2.

Nguyên nhân lớn nhất là do cầu yếu. Người tiêu dùng đang dần từ bỏ những thói quen mua sắm bất thường từng nổi lên trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, ví dụ như chi nhiều tiền cho máy tập thể dục và các thiết bị điện tử. Thay vào đó họ quay trở lại chi tiền cho phòng khách sạn hay thẻ tập gym.

Diễn biến giá cả cũng phản ánh thực tế là túi tiền của các hộ gia đình đang ngày càng vơi đi, trong lúc một loạt các nền kinh tế trên toàn thế giới rơi vào trạng thái trì trệ.

Phần lớn châu Âu được dự báo sẽ rơi vào suy thoái kinh tế trong những tháng tới, khi khủng hoảng năng lượng trở nên trầm trọng hơn vào mùa đông. Dịch bệnh và thị trường bất động sản ảm đạm ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc. Còn tại Mỹ, các đợt tăng lãi suất khiến thị trường nhà ở không thể bùng nổ như trước và cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các công ty công nghệ.

Bất chấp nguy cơ suy thoái tăng lên, các nhà đầu tư vẫn đang đặt cược rằng đến tháng 3 năm sau lãi suất của Mỹ sẽ tăng lên mức khoảng 3,75%, còn của châu Âu là 1,75%, riêng Anh là 4%.

Theo các chuyên gia kinh tế tại Morgan Stanley, dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy lực cầu đang suy yếu là tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của các nền kinh tế lớn đang chậm lại đáng kể. Xuất khẩu của châu Á – nơi được mệnh danh là công xưởng thế giới – cũng bắt đầu yếu đi.

Những điểm tắc nghẽn trên chuỗi cung ứng từng là nguyên nhân chính đẩy lạm phát lên cao. Do đó, giờ đây khi những nút thắt này dần được tháo gỡ, áp lực tăng giá cũng vì thế đã giảm xuống. Chỉ số đo lường áp lực trên chuỗi cung ứng toàn cầu do Fed New York thống kê gần đây đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Cước vận tải biển cũng giảm, thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường biển được rút ngắn, và các công ty thậm chí đang bắt đầu than phiền về việc có quá nhiều hàng tồn kho.

"Siêu chu kỳ vĩ mô mới"

Tuy nhiên, kể cả khi giá cả không còn sốt nóng, vẫn có khả năng xảy ra kịch bản sự dịch chuyển trong xu hướng tiêu dùng khiến giá vé xem phim hay giá phòng khách sạn tăng cao. Đặc biệt, giá thuê nhà ở Mỹ có xu hướng tăng do thiếu nguồn cung. Điều này tạo ra áp lực lạm phát, và tệ hơn là nguồn lạm phát này còn khó giải quyết hơn so với trước đây.

Tiền lương cũng là yếu tố khiến lạm phát kéo dài hơn.

Hiện nhân công là chi phí lớn nhất đối với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ngành dịch vụ. Với thị trường lao động ở cả Mỹ và châu Âu vẫn đang trong tình trạng thiếu nguồn cung, các chủ doanh nghiệp buộc phải tăng lương để giữ chân nhân viên. Và để duy trì lợi nhuận, họ phải chuyển gánh nặng chi phí sang người tiêu dùng.

Một số người lập luận rằng lạm phát sẽ không thể quay trở lại mức trước dịch vì thế giới đã đổi thay. Toàn cầu hóa đã qua thời hoàng kim, và các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu càng khiến chi phí gia tăng, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trong báo cáo mới đây, chuyên gia kinh tế Dario Perkins của TS Lombard dự báo những lực đẩy này sẽ kết hợp với nhau và tạo ra cái mà ông gọi là "siêu chu kỳ vĩ mô mới".

Các NHTW "sẽ cố gắng ngăn cản sự biến đổi này, kể cả khi phải trả giá bằng suy thoái kinh tế", tuy nhiên họ "không thể chống lại những thay đổi căn bản", ông viết. "Thời đại lạm phát thấp đã chấm dứt".

Ít nhất thì ở thời điểm hiện tại, ngày càng có nhiều người đồng tình rằng nhiều nền kinh tế đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất của lạm phát, cho dù chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn giá cả sẽ giảm đến đâu và giảm nhanh hay chậm.

Tham khảo Bloomberg


Cùng chuyên mục

Đọc thêm