Dinh dưỡng

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

Tóm tắt:
  • Thừa cân, chấn thương và ít vận động là nguyên nhân thúc đẩy thoái hóa khớp nhanh chóng.
  • Sụn khớp bảo vệ và giảm ma sát giữa các khớp, nhưng dễ bị tổn thương theo thời gian.
  • Thoái hóa khớp là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên, thường xảy ra khi tuổi tác tăng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý và tập thể dục có thể làm chậm quá trình thoái hóa khớp.
  • Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm và điều trị thoái hóa khớp hiệu quả.

Sụn khớp là lớp đệm bao phủ bề mặt xương, cấu tạo từ tế bào sụn và chất căn bản. Sụn khớp có chức năng bảo vệ, giảm ma sát trong khớp và đóng vai trò như "bộ giảm xóc". Sụn và các mô xung quanh khớp bị tổn thương được gọi là thoái hóa khớp.

ThS.BS Phạm Thị Xuân Thư, Đơn vị Nội cơ xương khớp, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết thoái hóa khớp là một phần của quá trình lão hóa tự nhiên. Khi tuổi tác ngày càng cao, sụn khớp có xu hướng mỏng dần, dịch khớp có tác dụng nuôi dưỡng sụn và bôi trơn khớp ngày càng giảm cả về số lượng lẫn chất lượng. Khi tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, sụn khớp dễ bị tổn thương, gây bong nứt sụn, gia tăng ma sát giữa khớp, dẫn đến đau và thoái hóa.

Phim chụp X-quang khớp gối bị thoái hóa, hai đầu xương chạm vào nhau khi chuyển động gây đau nhiều. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Phim chụp X-quang khớp gối bị thoái hóa, hai đầu xương chạm vào nhau khi chuyển động gây đau nhiều. Ảnh minh họa: Bệnh viện cung cấp

Dưới đây là một số yếu tố có thể thúc đẩy thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn.

Thừa cân, béo phì: Phần trọng lượng cơ thể dư thừa làm gia tăng đáng kể áp lực lên khớp, nhất là gối, hông và cột sống, làm cho quá trình thoái hóa khớp nhanh hơn. Duy trì cân nặng phù hợp là một trong những phương pháp kiểm soát và giảm tốc độ phát triển của thoái hóa khớp.

Vận động quá mức: Tình trạng này thường gặp ở người lao động nặng hoặc người thường xuyên sử dụng một số khớp nhất định như vận động viên, nhân viên văn phòng, công nhân dây chuyền sản xuất... Khi các khớp hoạt động liên tục và lặp lại, tốc độ hao mòn diễn ra nhanh hơn, thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp sớm hơn.

Ít vận động: Không vận động thường xuyên cũng có thể khiến hệ cơ yếu đi. Khi hoạt động, các khớp không còn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất, mất cân bằng và tăng nguy cơ tổn thương. Điều này có thể gây ra sự mài mòn không đều của sụn khớp, làm tăng tốc độ thoái hóa.

Chấn thương: Đây là nguyên nhân có thể trực tiếp làm tổn thương sụn khớp, dẫn đến thoái hóa. Chấn thương cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho viêm khớp phát triển, làm tổn thương các cấu trúc mềm như dây chằng và gân. Nếu viêm kéo dài có thể làm hỏng sụn và xương, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp.

Các bệnh lý: Viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, gout, lupus ban đỏ... dễ thúc đẩy thoái hóa khớp diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn.

Di truyền: Một số người có thể bị khiếm khuyết ở những gene có chức năng hình thành sụn, dẫn đến hao hụt sụn khớp, đẩy nhanh tình trạng thoái hóa.

Bác sĩ Thư giải thích tình trạng khớp cho người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Bác sĩ Thư giải thích tình trạng khớp cho người bệnh. Ảnh minh họa: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7

Bác sĩ Thư lưu ý thoái hóa khớp là bệnh lý không thể phòng ngừa. Tuy nhiên, một số thói quen sinh hoạt lành mạnh có thể giúp làm chậm quá trình thoái hóa, duy trì chức năng vận động linh hoạt lâu dài.

Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm áp lực tác động lên các khớp, nhất là ở đầu gối, hông và lưng dưới. Bác sĩ Thư dẫn số nghiên cứu cho thấy phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc thoái hóa khớp cao gấp gần 4 lần so với phụ nữ có chỉ số khối cơ thể (BMI) bình thường, còn ở nam giới là gấp 5 lần. Do đó, người thừa cân nên giảm cân bằng cách tập thể dục với cường độ phù hợp và ăn uống khoa học.

Tập luyện thể dục nâng cao sự linh hoạt, dẻo dai cho các khớp. Để tránh chấn thương, mọi người nên tập luyện với cường độ hợp lý, bài bản, có kỹ thuật viên hướng dẫn nếu cần thiết...

Ăn uống khoa học như giàu axit béo omega-3, vitamin D, chất xơ và hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ chiên nướng, thực phẩm chế biến sẵn... có thể làm chậm hoặc giảm mức độ thoái hóa khớp. Dù vậy không có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh có thể ngăn ngừa thoái hóa khớp.

Khám sức khỏe định kỳ hoặc khi cảm thấy bất thường, giúp phát hiện bệnh kịp thời, điều trị phù hợp, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chức năng vận động.

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp

Các tin khác

Không bắt buộc làm lại CCCD khi sáp nhập tỉnh, thành nhưng những ai thuộc trường hợp này thì phải đổi

Theo quy định hiện hành, người dân không bắt buộc phải đổi, cấp lại thẻ Căn cước khi sáp nhập tỉnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như hết hạn, hư hỏng hoặc cần cập nhật thông tin, người dân có thể phải làm lại giấy tờ với địa danh hành chính mới.