Quý I/2025, kinh tế Việt Nam vẫn giữ tín hiệu tích cực với tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,93%. Đồng thời, các chính sách của Chính phủ cũng đang hỗ trợ rất nhiều cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngày 2/4 (theo giờ địa phương),Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố chính sách mới về thuế quan. Theo đó, Mỹ sẽ áp mức thuế đối ứng Mỹ 46% đối với hàng hoá từ Việt Nam. Sau đó, ông Trump đã thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hơn 70 đối tác thương mại trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam và áp dụng mức thuế tạm thời là 10%.
Mặc dù vậy, hiện tại vẫn còn nhiều lo ngại về ảnh hưởng của các chính sách thuế quan toàn cầu đối với sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2025.
Chia sẻ về vấn đề này tại Talkshow Phố Tài chính phát sóng tối ngày 14/4, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), nhấn mạnh số liệu quý I/2025 cho thấy từ ngày 3/4, kinh tế Việt Nam mới bắt đầu chịu sự ảnh hưởng bởi các thông tin về thuế.
Theo bà Trang, mặc dù sự ảnh hưởng này chưa đi vào nền kinh tế nhưng các doanh nghiệp đã dần bắt đầu hành động. Cụ thể, các doanh nghiệp xuất khẩu đã đẩy mạnh xuất khẩu trước khi có những quyết sách rõ ràng về thuế. Các doanh nghiệp FDI cũng sẽ dừng việc giải ngân và chờ đợi quyết sách về thuế trên toàn cầu.
Tương tự các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước cũng có xu hướng dừng những việc đầu tư mới, mở mới. Với người tiêu dùng, bà Trang cho rằng họ cũng sẽ phải có những chính sách thắt lưng buộc bụng.

Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS). (Ảnh: Phố Tài chính).
Theo nhận định cũng Giám đốc Trung tâm Phân tích ACBS, số liệu kinh tế quý II/2025 mới phản ánh phần nào tác động của chính sách thuế quan này và mọi người đều không biết kết quả đàm phán sẽ như thế nào.
Nhìn nhận vấn đề một cách lạc quan nhưng đầy thận trọng, bà Trang cho rằng Việt Nam vẫn có thể giữ tăng trưởng ở mức cơ sở của những năm trước là 6,5 - 7% nếu không có những kịch bản quá xấu xảy ra.
Đồng quan điểm với bà Đỗ Minh Trang, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh, cho rằng có ba điều bất định là: Câu chuyện thương mại Mỹ - Trung; chuỗi cung ứng toàn cần bắt đầu có dấu hiệu trục trặc và dòng vốn FDI.
Trong đó, liên quan đến dòng vốn FDI, ông Hồ Quốc Tuấn cho biết hiện tại, các công ty đa quốc gia cần phải nhìn nhận lại và ông lạc quan với câu chuyện thương chiến này hơn một chút. Theo đó, khi có một cú sốc từ bên ngoài, nền kinh tế trong nước sẽ phản ứng lại.
Ông cũng đưa ra ví dụ rằng với Trung Quốc, họ tăng chi tiêu công và đưa ra những kế hoạch kích cầu. Chuyên gia cho rằng Việt Nam cũng cần phải điều chỉnh chiến lược và đây cũng là cơ hội để cải cách kinh tế. “Rõ ràng, chúng ta không thể dựa vào thu hút FDI dễ dãi”, TS. Tuấn nói.
Bên cạnh đó, theo ông, bản thân doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ tìm thị trường khác thay vì phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ.
Hỗ trợ người dân, DN ứng phó với thuế quan của Mỹ
Trước đó, ngày 10/4, sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với hàng chục đối tác thương mại trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam và áp dụng mức thuế tạm thời 10%, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp về việc ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chỉ đạo các giải pháp nhanh, kịp thời, nhất quán, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục phối hợp đồng bộ, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Cụ thể, về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu, đề xuất ngay chính sách miễn, giảm thuế, phí, để trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết. Song song đó, rà soát các khoản xuất nhập khẩu để giảm thuế, bảo đảm mặt bằng phù hợp, cân đối.
Bộ Tài chính có nhiệm vụ rà soát lại đầu tư công, có chế tài xử lý việc lãng phí trong đầu tư, giải ngân vốn công. Các giải pháp tăng giải ngân đầu tư công được lưu ý nhằm giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế, tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng.
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất thông qua giảm chi phí, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước được giao thực hiện khoanh nợ, giãn, hoãn nợ; đề xuất, triển khai các giải pháp, như các gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực, mặt hàng như gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, khoa học công nghệ, kích cầu tiêu dùng trong nước, mở rộng các gói tín dụng đang được triển khai hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước phải chủ động bảo đảm ngoại tệ cho xuất nhập khẩu, bảo đảm dự trữ ngoại hối.