Thời sự

Nguy cơ phá sản, hàng trăm chủ quán karaoke ở Hà Nội kêu cứu

Sau đợt tổng kiểm tra về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đối với cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường ngày 7/10/2022, đã gần 5 tháng toàn bộ cơ sở kinh doanh karaoke ở Hà Nội bị buộc dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn về PCCC. Điều này khiến hàng trăm nhà đầu tư karaoke đứng trước nguy cơ phá sản.

Nguy cơ phá sản, hàng trăm chủ quán karaoke ở Hà Nội kêu cứu - Ảnh 1.

Hàng trăm nhà đầu tư karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng ký đơn kiến nghị gửi các cấp chính quyền.

Hàng chục tỷ đồng nguy cơ mất trắng

Bà Tạ Thị Hà, chủ cơ sở karaoke tại KĐT bắc Hà, phố An Hòa, Mỗ Lao (quận Hà Đông) cho biết, gia đình bà đầu tư hơn 20 tỷ cho quán karaoke gồm 12 phòng, từ khi dừng hoạt động, cơ sở của bà phải chịu chi phí duy trì lên tới 500 triệu đồng mỗi tháng.

“Chúng tôi đều phải vay mượn để làm ăn, nay dừng hoạt động không có doanh thu, nhưng tiền duy trì, tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả. Mỗi sáng thức dậy chúng tôi phải gánh 5 đến 7 triệu tiền thuê nhà, thật sự rất khó khăn” , bà Hà nói.

Ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke idol số 16 Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho biết, sau thời gian dài đóng cửa vì COVID-19, hầu hết các cơ sở kinh doanh đều phải đầu tư tiền vào công tác sửa chữa máy móc, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, hoạt động trở lại chưa được bao lâu lại phải đóng cửa, hậu quả là rất nhiều cơ sở kinh doanh đã phá sản.

“Cơ sở kinh doanh karaoke ngay bên cạnh chúng tôi số 14 Nguyễn Khang đã phá sản, trả mặt bằng. Các trang thiết bị máy móc không được vận hành sẽ hỏng hóc, hao mòn đi, cùng với đó là tiền thuê nhà, tiền lãi suất vay kinh doanh từ nhiều nguồn tài chính, cứ đà này không bao lâu nữa chúng tôi sẽ phá sản hết” , ông Sỹ nói.

Theo ông Nguyễn Đăng Sỹ, trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay có gần 1.500 cơ sở kinh doanh karaoke, tính trung bình, mỗi cơ sở hoạt động phải đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, như vậy tổng cộng khoảng 7.500 tỷ với tất cả cơ sở. Do đó, cần phải tìm cách tháo gỡ cho hoạt động kinh doanh này tránh lãng phí, gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhà đầu tư và dẫn đến các hệ lụy không tốt cho xã hội.

Nguy cơ phá sản, hàng trăm chủ quán karaoke ở Hà Nội kêu cứu - Ảnh 2.

Nguy cơ phá sản, hàng trăm chủ quán karaoke ở Hà Nội kêu cứu - Ảnh 3.

Hàng trăm nhà đầu tư kinh doanh karaoke ký đơn gửi các cấp chính quyền mong được tháo gỡ khó khăn.

Cũng đứng trước nguy cơ phá sản, chị Nguyễn Thị Hồng Thủy, cổ đông quán karaoke Melody số 98 Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, kể từ năm 2016 khi bắt đầu xảy ra hỏa hoạn khiến 13 người chết tại quán karaoke trên phố Trần Thái Tông, cơ sở kinh doanh của chị đã nhiều lần phải dừng hoạt động và liên tục phải đầu tư thêm tiền vào công tác sửa chữa, gia cố công trình an toàn trong hoạt động PCCC.

Đỉnh điểm sau 2 năm đại dịch, hàng loạt máy móc, cơ sở vật chất xuống cấp do không được hoạt động, chị Thủy và các cổ đông của mình đầu tư hàng tỷ đồng để sửa chữa với hy vọng có thể kinh doanh lại bình thường. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, cơ sở kinh doanh karaoke lại phải đóng cửa khiến chị thiệt hại không hề nhỏ.

“Hơn 5 năm qua, chúng tôi trong vòng xoáy sửa chữa, đóng cửa, hoạt động lại đóng cửa rồi sửa chữa. Bao nhiêu tiền của đều đổ hết vào đây, bỏ thì không được vì số tiền đầu tư đã quá lớn” , chị Thủy nói.

Mong được hướng dẫn hoạt động đúng pháp luật

Bên cạnh nêu khó khăn, ông Nguyễn Đăng Sỹ phân tích hoạt động karaoke cũng là hoạt động kinh doanh như các ngành nghề khác, luôn muốn được tuân thủ pháp luật, hoạt động theo những quy định pháp luật cho phép.

Trước kia, các quán karaoke cũng đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép đầy đủ, như vậy, chúng tôi có đầy đủ quyền kinh doanh hợp pháp. Nhưng sau khi các vụ cháy nổ xảy ra, cơ quan quản lý Nhà nước tổ chức kiểm tra và đã áp những cơ sở karaoke hoạt động nhiều năm nay vào những nghị định mới.

“Chúng tôi rất mong muốn cơ quan Nhà nước sử dụng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời điểm chúng tôi hình thành. Còn đối với những văn bản phía sau, cần có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản đối với từng cơ sở để sửa chữa khắc phục. Chúng tôi không có hiểu biết sâu, rất mong các cơ quan quản lý hướng dẫn để chúng tôi thực hiện đúng quy định, hạn chế cháy nổ xảy ra, cho chúng tôi được hoạt động kinh doanh”, ông Sỹ nêu ý kiến.

Đồng tình với ý kiến trên, nhà đầu tư Nguyễn Thị Hồng Thủy cam kết: “Chúng tôi rất cầu thị và sốt sắng, chúng tôi sẵn sàng chi thêm tiền của để nâng cấp sửa chữa nhằm đảm bảo cơ sở kinh doanh an toàn hơn, sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên chúng tôi rất cần hướng dẫn để có thể biết nên sửa từ đâu và sửa như thế nào. Như hiện nay, ngành kinh doanh dịch vụ karaoke đang đứng trước nguy cơ bị phá sản”.

Chung quan điểm, bà Mai Anh (chủ cơ sở kinh doanh karaoke trên phố Kim Đồng, Hoàng Mai) cho rằng bản thân nhà đầu tư cũng là người dân không hiểu biết sâu về các tiêu chuẩn, điều luật PCCC. Nhà đầu tư không hiểu thì rất cần cơ quan chức năng hướng dẫn sửa cho hợp lý chứ không thể để bao nhiêu cơ sở tồn tại mà không được hoạt động.

“Cơ sở nào làm sai thì phạt, không thể vì một cơ sở sai mà đóng cửa toàn bộ. Ngành nghề karaoke cũng đóng thuế và hoạt động theo quy định Nhà nước cho phép nhưng khi có sự cố xảy ra, chúng tôi không biết trông chờ vào đâu” , bà Mai Anh nói.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm