Theo ông Phương, trận động đất ở Mỹ Đức cho thấy có thể có động đất mạnh nếu điểm đới đứt gãy sông Hồng hết khoảng lặng địa chấn, tức đã thức dậy. Ông nói:
- Các nhà địa chấn cho rằng trận động đất ở khu vực Mỹ Đức vừa rồi được phát sinh trên đới đứt gãy sông Hồng. Chấn tâm trận động đất này chỉ cách ranh giới đứt gãy sông Hồng khoảng 1,8km với độ sâu tâm chấn khoảng 16km khá là phù hợp với những mô hình về các nguồn mà phát sinh chấn động ở đứt gãy sông Hồng.
Trận động đất 4 độ ở Mỹ Đức được liệt vào loại động đất có nguồn gốc tự nhiên, là trận động đất yếu và nhỏ.
* Từ trận động đất ở Mỹ Đức, chúng ta rút ra được điều gì?
- Có những dấu hiệu vẫn có khả năng phát sinh động đất ở Hà Nội và nếu mà thời điểm đới đứt gãy sông Hồng hết khoảng lặng địa chấn (thức dậy) thì lúc đó có thể xảy ra động đất mạnh.
Do đó chúng ta phải có sự chuẩn bị để ứng phó những trận động đất trong tương lai có thể xảy ra trên đới đứt gãy sông Hồng và có khả năng tấn công vào TP lớn nằm dọc dải sông Hồng, trong đó có thủ đô Hà Nội - nơi có hơn 10 triệu dân và nhà cao tầng, bởi nếu động đất mạnh xảy ra sẽ gây thiệt hại rất lớn.
Ví dụ hai trận động đất ở Kobe (Nhật Bản) và Tuần Giáo (Điện Biên) có cường độ ngang nhau nhưng động đất ở Kobe (Nhật Bản) làm 6.000 người chết, còn động đất ở Tuần Giáo (Điện Biên) lại không có người chết. Động đất ở Kobe khiến nhiều người chết là do xảy ra ở TP, còn ở Tuần giáo ở giữa cánh đồng, không có nhà cửa và không có người.
Đới đứt gãy sông Hồng có dấu hiệu "thức dậy"
* Đới đứt gãy sông Hồng nguy hiểm thế nào và khả năng gây ra động đất đến thủ đô Hà Nội ra sao?
- Đới đứt gãy sông Hồng bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc) và chạy dọc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, kéo dài xuống tới Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Từ Vĩnh Phúc trở xuống thì đới đứt gãy sông Hồng bị phủ bởi các lớp trầm tích và không liền mạch nhưng các nhà khoa học cho rằng nó còn chạy tiếp đến bờ biển Việt Nam và ra vịnh Bắc Bộ.
Đới đứt gãy sông Hồng được tạo nên bởi những đứt gãy chính, chẳng hạn qua vùng Hà Nội thì người ta nhìn thấy rõ nét nhất ba đứt gãy cùng chạy song song với nhau theo hướng Tây Bắc - Đông Nam đó là đứt gãy sông Hồng, đứt gãy sông Lô và đứt gãy sông Chảy.
Allen, một nhà địa chất người Mỹ cộng tác với các nhà địa chất của Trung Quốc, đã phát hiện ra những dịch chuyển nối tiếp nhau trên đới đứt gãy sông Hồng từ thời kỳ Holocene cho đến nay. Theo tính toán, những di chuyển của đới đứt gãy sông Hồng khoảng từ 3 - 5mm mỗi năm. Có thể coi đới đứt gãy sông Hồng đang hoạt động và có thể phát sinh ra động đất.
Tuy nhiên, đới đứt gãy sông Hồng dài và các đoạn của nó sẽ hoạt động ở mức độ khác nhau. Cụ thể, trên lãnh thổ Trung Quốc thì phía bắc của đới đứt gãy sông Hồng đã xảy ra những trận động đất lên tới 7 độ, còn đoạn giáp với biên giới Việt Nam thì biểu hiện yếu hơn về phát sinh động đất, các trận động đất diễn ra lẻ tẻ và nhỏ, chưa có trận động đất nào mạnh.
Trên lãnh thổ Việt Nam, có khoảng 30 trận động đất xảy ra trên đới đứt gãy sông Hồng do Viện Vật lý địa cầu ghi nhận được, phần lớn các trận động đất này đều thuộc loại động đất nhỏ và trung bình.
Đới đứt gãy sông Hồng có một đoạn chạy xuyên qua Hà Nội, có nghĩa là thủ đô Hà Nội nằm ngay trên vùng nguồn phát sinh ra chấn động, động đất của đới đứt gãy sông Hồng và có nếu động đất xảy ra thì sẽ gây ra thiệt hại cho cộng đồng đô thị của TP Hà Nội.
* Câu hỏi được nhiều người quan tâm: vẫn có thể xảy ra động đất ở Hà Nội?
- Nếu so với những đới đứt gãy tương tự về độ dài ở trên thế giới thì đới đứt gãy sông Hồng được coi là rất yếu về khả năng phát sinh động đất, gần như không có những trận động đất mạnh và chưa ghi nhận những thiệt hại do động đất trên đới đứt gãy sông Hồng gây ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà địa chấn vẫn coi đây là một nguồn phát sinh động đất nên chúng ta vẫn phải đánh giá và dự báo những thiệt hại thông qua các kịch bản địa chấn để dự báo thiệt hại về nhà cửa và con người.
Trong đới đứt gãy sông Hồng, đới đứt gãy sông Chảy được dự báo có thể phát sinh động đất mạnh nhất, đới đứt gãy sông Hồng và đới đứt gãy sông Lô có khả năng phát sinh động đất yếu hơn.
Đã có những kịch bản động đất do các đới đứt gãy sông Hồng, sông Lô, sông Chảy được nghiên cứu. Cho đến nay, chúng tôi đã xây dựng được kịch bản cho năm quận nội thành đánh giá rủi ro địa chấn, dự báo những thiệt hại về người và nhà cửa dựa trên các kịch bản động đất sông Hồng, sông Lô, sông Chảy.
Hà Nội có thể động đất mạnh cấp 8
* Khu vực nào ở Hà Nội có nguy cơ chịu tác động mạnh nhất của động đất?
- Chúng tôi xét thiệt hại do động đất về nhà cửa và người, yếu tố gây nên thiệt hại gồm có độ lớn động đất gồm các cấp 5, 6 và 7, trong đó động đất cấp 7 được đánh giá sẽ gây nhiều thiệt hại nhất.
Nghiên cứu trên toàn TP Hà Nội chúng tôi đã xây dựng bản đồ phân loại nền đất thành các loại A, B, C, D, E, trong đó A là nền đất rắn nhất, còn E là nền đất yếu nhất.
Ví dụ như ở khu vực huyện Sóc Sơn chủ yếu nền đất loại A, trung tâm Hà Nội chủ yếu loại D, còn vùng đất như ven sông, bãi bồi thì được xếp vào loại E, khi xảy ra động đất thì thiệt hại ở những khu vực nền đất loại E sẽ nặng hơn so với những vùng đất loại A.
* Ông và các đồng nghiệp từng đưa ra cảnh báo Hà Nội có thể động đất mạnh cấp 8 (khoảng 6,3 - 6,5 độ), vậy các dự báo mới nhất có thay đổi?
- Hiện nay dự báo Hà Nội có thể xảy ra động đất cấp 8, nhưng chúng tôi đã nghiên cứu chi tiết và phân dị hơn, không còn cảnh báo động đất cấp 8 với cả TP mà các cấp chấn động được chi tiết hơn đối với từng vùng TP.
Tất cả các quận nội thành có rung động nền mạnh nhất đạt tới cấp 8 tại các chu kỳ lặp lại 475 và 975 năm. Đối với chu kỳ lặp lại lần lượt bằng 2,475 và 9,975 năm, các quận nội thành có rung động nền mạnh nhất bao gồm Cầu Giấy, Thanh Xuân và Hà Đông và một phần của các quận Ba Đình, Đống Đa và Hoàng Mai.
* Với những tiềm ẩn nguy cơ xảy ra động đất như vậy, ông có khuyến cáo như thế nào đối với người dân và chính quyền TP?
- TP Hà Nội nằm trên vùng chấn động cấp 8, như vậy khả năng phát sinh động đất gây thiệt hại cho thủ đô khá cao. Từ người dân cho đến cơ quan quản lý nhà nước đều phải ý thức được việc một ngày nào đó động đất sẽ xảy ra trên đới đứt gãy sông Hồng.
Khi động đất xảy ra, nếu không có sự chuẩn bị trước thì động đất sẽ gây thiệt hại rất lớn. Như người dân khi xây nhà phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế kháng chấn. Cơ quan nhà nước, những người chịu trách nhiệm về quy hoạch đô thị, kỹ sư thiết kế xây dựng các công trình nhà cửa, tòa nhà cao tầng... phải tuân thủ các quy định về thiết kế kháng chấn, về xây dựng.
Cùng với đó, cần cập nhật các quy chuẩn, quy phạm thiết kế kháng chấn trong công trình xây dựng và xây dựng kế hoạch ứng phó động đất khi xảy ra.
* Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các kịch bản mà ông đã nghiên cứu, xây dựng cho năm quận nội thành Hà Nội?
- Hiện tại, rủi ro do động đất cho TP Hà Nội đã được làm chi tiết hơn rất nhiều và có những kịch bản cụ thể. Ví dụ động đất do các đới đứt gãy sông Hồng, sông Chảy và sông Lô đều có những kịch bản riêng thể hiện bằng bức tranh thiệt hại về người, về nhà cửa theo cấp độ của trận động đất.
Đối với người bị thiệt hại do động đất sẽ có bốn mức độ thương vong khác nhau. Một là nhẹ, có thể được sơ cứu là xong; hai là phải đi bệnh viện; ba là bị thương nặng; và bốn là thiệt mạng.
Tương tự với thiệt hại về nhà cửa cũng có bốn mức độ: mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ hoàn toàn.
Những bức tranh thiệt hại về người và nhà cửa được xây dựng từ các kịch bản động đất hiện thực tại địa bàn TP Hà Nội mà chúng tôi xây dựng sẽ dự báo số lượng người thiệt hại, số nhà cửa bị thiệt hại khi động đất xảy ra để có sự ứng phó.