Khởi nghiệp

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ!

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 1.

Lên sàn chứng khoán Tokyo cuối năm 2021, Hybrid Technologies còn rất trẻ (5 năm) so với tuổi đời khi niêm yết của các doanh nghiệp tại đây (thường khoảng trên dưới 20 năm). Trở thành công ty đầu tiên của người Việt Nam IPO tại Nhật Bản, Trần Văn Minh cũng là CEO thuộc diện trẻ nhất sàn Tokyo khi niêm yết: tuổi trung bình khi lên sàn của các CEO là trên 50, còn CEO Hybrid Technologies lúc đó mới 36. Founder kiêm CEO này tâm sự: “Nhiều người chỉ nhìn thấy sự nổi tiếng và vẻ hào nhoáng khi lên sàn Tokyo, nhưng không mấy ai biết được hành trình có cả nước mắt đằng sau đó”.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 2.

Cơ duyên nào khiến anh quyết định khởi nghiệp tại Nhật?

Trước khi startup, mình làm Giám đốc chi nhánh FPT IS (FIS) tại Nhật, thời anh Dương Dũng Triều (hiện là Chủ tịch FIS), và anh Đỗ Cao Bảo (hiện là thành viên HĐQT Tập đoàn FPT) còn làm Chủ tịch. FPT Software đã thành công ở thị trường Nhật lâu rồi nhưng FIS thì chưa, đúng lúc anh Bảo đang trăn trở về công cuộc toàn cầu hoá, thì mình đề xuất thâm nhập thị trường Nhật Bản ở mảng đấu thầu dự án Chính phủ Nhật. Khi mình vào, ngay trong tháng đầu tiên mình đã xin được giấy phép đấu thầu hạng A, và một thời gian ngắn thì cùng công ty trúng dự án vài triệu USD nên được các anh đánh giá tốt.

Sau khi ở FIS khoảng 2 năm, đúng lúc cổ đông người Nhật bây giờ của Hybrid Technologies hẹn gặp và chia sẻ về ý tưởng cùng start-up, cảm thấy đã đến lúc phải làm cái gì đó lớn lao hơn nên mình “chốt deal" (cười lớn).

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 3.

Lúc đó, cơ hội để anh khởi nghiệp có bắt nguồn từ những dự án tại FIS hay không?

Hai mảng kinh doanh rất khác nhau nên cũng không có liên quan mấy. FIS có danh tiếng của FPT đi đấu thầu các dự án, còn mình là một startup mới toanh, chỉ có vài người nên giai đoạn đầu để lấy được tín nhiệm cũng khá khó khăn. Hybrid bắt đầu từ việc gia công phần mềm chuyên mảng web và app, mình vừa làm CEO vừa đi sales dự án như một start-up công nghệ bình thường!

Thành viên sáng lập ban đầu thực tế chỉ có mình và một anh người Nhật nữa nhưng anh ấy chỉ đóng vai trò như nhà đầu tư thiên thần chứ không tham gia vận hành công ty. Thời gian đầu, công ty hoạt động với toàn người Việt Nam, trong đó có một số anh em trước làm FPT ở Nhật và các công ty công nghệ Nhật Bản khác. Mình đã sống và làm việc ở Nhật Bản hơn 20 năm rồi nên cũng có nhiều mối quan hệ do đó việc tìm kiếm và mời anh em về làm việc cũng thuận lợi hơn.

Lúc mới khởi nghiệp, lợi thế lớn nhất của Hybrid Technologies là gì?

Là sự lạc quan của người Việt Nam và kiểu chưa có gì trong tay nhưng vẫn tự tin chiến đấu (cười). Thực ra, khi ấy bọn mình sử dụng toàn kỹ sư Việt Nam nên có thể cạnh tranh về giá, cộng thêm nhu cầu trên thị trường lớn mà nhân sự về kỹ sư phần mềm ở Nhật đang thiếu. Thêm vào đó, điểm khác của bọn mình so với các công ty trên thị trường là thực hiện dự án nghiêm túc, khắt khe theo tiêu chuẩn của Nhật, nhưng lại linh hoạt trong việc chỉnh sửa sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Các công ty Nhật thường sẽ cứng nhắc hơn chút.

Có một yếu tố nữa cũng có thể coi là một lợi thế: mình là người nước ngoài đến Nhật đầu tư. Như ở Việt Nam, một công ty FDI của Nhật đến đầu tư, mọi người cũng tôn trọng và ủng hộ, có khi còn được ưu đãi hơn. Ở nước Nhật, mình cũng được đối xử tương tự thế, việc thấy một người Việt cố gắng nơi xứ người, nỗ lực để tìm kiếm cơ hội thì họ rất quý trọng và cũng giúp mình nhiều hơn.

Thực ra, mình học tập và làm việc ở Nhật hơn 20 năm, hiểu tiếng Nhật, hiểu văn hoá của họ, và cũng cư xử đúng mực khi làm kinh doanh, nên rất may mắn là được nhiều người Nhật biết tới, họ trân quý và luôn giúp đỡ mình. Đó là sự động viên rất lớn đối với một người Việt trẻ trong hành trình khởi nghiệp xa xứ mà không phải ai cũng may mắn có được.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 4.

Trước khi lên sàn, điều gì đã tạo ra sự phát triển bước ngoặt về tăng trưởng của Hybrid Technologies?

Nếu nói về sự phát triển mang tính bước ngoặt thì biểu hiện rõ nhất là sự tăng trưởng về quy mô nhân sự. Sau 3 thương vụ M&A số lượng nhân sự tăng vọt từ khoảng 200 lên hơn 750 người. Bọn mình bắt đầu cũng đơn giản như nhiều startup khác thôi. Mình là CEO nhưng kiêm cả sales dự án, khi lấy được dự án về thì cùng anh em phía dưới tổ chức đội ngũ triển khai.

Sau khoảng ba tháng thì công ty đã cân bằng thu chi, sau một năm đã có lãi và năm thứ 2 đã có lãi gần gấp 3. Nhờ việc tăng trưởng rất nhanh, Hybrid Technologies được một số nhà đầu tư quan tâm và từ đó mới phát sinh ý tưởng IPO trên sàn chứng khoán Tokyo.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 5.

Vậy quyết định lên sàn chứng khoán Tokyo bắt nguồn từ đâu?

Hoạt động được 2 năm thì đại diện của Quỹ Midas - một quỹ đầu tư tư nhân (private equity) tại Nhật tiếp xúc với mình và hỏi là: “Minh có muốn lên sàn không? Tôi thấy hình như là chưa có công ty Việt Nam nào lên sàn chứng khoán Tokyo cả!”. Trước đó, mình không hề biết điều này nhưng sau khi tìm hiểu thì đúng là chưa có thật. Thế là mình quyết định sẽ “chơi lớn”: IPO tại thị trường Nhật!

Thế nhưng, để lên được sàn chứng khoán Tokyo, Hybrid Technology phải đáp ứng thêm nhiều điều kiện nữa. Ví dụ như phải có quy mô trên 750 nhân sự, có lãi và đang tăng trưởng… đó là những điều kiện tối thiểu để được niêm yết. Đây cũng là lý do số lượng những công ty đủ điều kiện IPO tại Tokyo rất thấp. Số liệu thống kê khi đó cho thấy, chỉ 0,08% trên tổng số 4,21 triệu doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo tính đến tháng 9/2021.

Để đạt mục tiêu IPO, mình phải thực hiện liên tiếp 3 vụ M&A để tăng quy mô nhân sự, tăng số lượng khách hàng, mới có đủ các điều kiện niêm yết sau 3 năm hoạt động. Sau khi M&A công ty thứ 2, nhân sự của Hybrid Technologies mới khoảng 500 người, và phải M&A tới công ty thứ ba với nhân sự tăng lên 750 người thì bọn mình mới đủ tiêu chuẩn về số lượng thành viên trong công ty.

Anh làm như thế nào để M&A thành công một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn nhiều?

Thật ra đối với một số công ty lớn, sau thời gian dài không tăng trưởng thì M&A cũng chính là đòn bẩy, còn với Hybrid, M&A là điều kiện cần ở thời điểm đó.
Sau khi thu mua công ty thứ 3, hiệu quả kinh doanh của Hybrid Technologies giảm và mình phải thực hiện nhiều biện pháp tối ưu, tăng cường sức mạnh cộng hưởng giữa các thành viên trong nội bộ thì hiệu quả mới tăng trở lại. Nói chung, M&A rất vất vả nhưng cố gắng thì mọi việc rồi cũng ổn.

Công ty đầu tiên được M&A là Japan Tech (một doanh nghiệp phái cử lao động kỹ sư). Công ty thứ 2 là Evolable Asia Việt Nam (một công ty công nghệ của Nhật ở Việt Nam trong cùng tập đoàn). Công ty thứ 3 là một công ty con của Dentsu ở Việt Nam (Dentsu là một trong ba công ty marketing lớn nhất trên thế giới).
Sau 3 lần M&A, ngoài gia công phần mềm, Hybrid Technologies có thêm tư vấn DX (chuyển đổi số), AI (trí tuệ nhân tạo), Blockchain, thiết kế UI/UX (về digital marketing) và bảo mật… Sau khi hoàn tất M&A 3 công ty thì doanh thu công ty tăng hơn 6 lần.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 6.

Ngoài việc M&A 3 công ty, việc niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo còn đòi hỏi thêm những điều kiện gì?

Bên cạnh các điều kiện cho doanh nghiệp, việc IPO tại Nhật khá phức tạp, từng hạng mục có rất nhiều việc phải làm với quy cách, quy trình khắt khe. Ví dụ, đội ngũ ban quản trị của Hybrid Technologies được yêu cầu bổ sung người, từ luật sư, chuyên gia về IT, CFO phải có bằng kiểm toán… Riêng chi phí cho việc này tốn từ 1,5-2 triệu USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải mời được một đơn vị kiểm toán có uy tín vào cuộc, các báo cáo kết quả kinh doanh của công ty phải được kiểm toán định kỳ. Chỉ khi đó, công ty chứng khoán mới bắt đầu làm hồ sơ để xét duyệt dựa trên kết quả kiểm toán… Cá nhân mình cũng phải vượt qua các bài test phỏng vấn của cơ quan quản lý sàn chứng khoán Tokyo thì mới được chấp nhận.

Anh nói, hết năm thứ 3 là đã đủ điều kiện niêm yết nhưng vì sao đến tận cuối năm 2021 công ty mới được lên sàn chứng khoán Tokyo?

Cuối năm 2019 là đã đủ điều kiện nhưng sự xuất hiện đột ngột của đại dịch Covid-19 đã thay đổi tất cả. Cuối quý 1/2020, lần đầu tiên kể từ khi thành lập bọn mình thua lỗ theo tháng và Hybrid không còn đủ điều kiện lên sàn nữa. Nhân sự phải giảm từ hơn 750 xuống còn 500 người.

Lúc đó, vấn đề quan trọng cần giải quyết là phải phục hồi được kinh doanh, không để dòng tiền bị cạn kiệt. Tuy nhiên, ngay cả trong lúc rất khó khăn đó, mình vẫn không từ bỏ mục tiêu IPO trên sàn Tokyo và chấp nhận duy trì các khoản chi phí rất cao cho nhân sự phục vụ việc này.

Gần 2 năm sau, công ty đã có đủ điều kiện trở lại và Hybrid Technologies chính thức IPO vào tháng 12/2021. Có một điểm thú vị là chỉ sau khoảng 6 tháng kể từ thời điểm bọn mình bị lỗ, Hybrid Technologies đã phục hồi trở lại theo hình chữ V, doanh thu tăng gần gấp đôi kể từ thời điểm lao dốc vì đại dịch, và đáp ứng đủ tất cả các điều kiện để lên sàn.

Sau 1 năm IPO, giá cổ phiếu của Hybrid Technologies tăng gấp đôi, thời điểm cao nhất Market Cap đạt 100 triệu USD, vinh dự xếp thứ 6 trong Top 10 các công ty có tốc độ tăng giá cổ phiếu cao nhất theo kết quả một cuộc khảo sát của báo Nikkei.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 7.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 8.

Nhân tố mang tính bước ngoặt nào đã giúp cho Hybrid Technologies phục hồi theo hình chữ V ngay trong đại dịch Covid vậy?

Không có nhân tố bước ngoặt nào cả mà lúc đó cũng không ai có thể giúp. Quan trọng ở lúc khó khăn nhất là bản thân mình, đội ngũ, và toàn bộ HĐQT phải tự thân vận động thôi. Bọn mình phải đi đàm phán với từng khách một, để họ không cắt hợp đồng: 260 khách hàng của Hybrid Technologies lúc đó và nói vui là “phải đi xin từng người một”.

Chỗ nào có điều kiện họ không tăng dự án nhưng vẫn giữ hợp đồng để mình có thể duy trì qua cơn khủng hoảng, còn chỗ nào khó khăn quá thì đành chịu. Vượt qua khó khăn thời Covid không có phép màu, cũng chẳng có gì hào hoa, phong nhã đâu (cười lớn). Đi “xin” hết cả đấy ạ! (cười)

Còn việc tăng trưởng hình chữ V sau đó là bởi đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp tăng mạnh, trừ nhóm khách hàng hàng không, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, các ngành hàng khác tại Nhật vẫn ổn định và phát triển trong đại dịch. Hybrid không những đứng vững mà còn phát triển được thêm được nhiều khách hàng mới.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 9.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 10.

Khi công ty bị lỗ, phải tiếp tục đầu tư nhiều tiền và làm nhiều việc khác để phục hồi kinh doanh, đáp ứng lại đủ các điều kiện mới có thể lên sàn, lúc đó anh có nghĩ đến việc từ bỏ kế hoạch IPO hay không?

Mất tinh thần thì có, nhưng đến mức muốn từ bỏ thì không. Thứ nhất, việc đó không còn là ý chí của cá nhân mình nữa mà là công sức của cả một tập thể đã chuẩn bị hàng năm trời trước đó, cũng như đầu tư hàng triệu đôla. Nếu từ bỏ thì mọi thứ chuẩn bị trước đó sẽ mất hết và khi muốn khởi động kế hoạch IPO thì phải làm lại từ đầu. Đây là chưa kể đến việc kế hoạch đó được các cổ đông, nhân viên kỳ vọng khiến mình là người đứng đầu cũng không có đường lui nữa (cười).

Thứ hai là bản thân mình có cảm giác sẽ làm được. Đây không phải viển vông hay ảo tưởng, nhưng mình luôn tin tưởng như thế. Hỏi tại sao mình lại nghĩ thế thì không giải thích được.

Như vậy là phía sau câu chuyện IPO trên sàn chứng khoán Tokyo của Hybrid Technologies cũng không chỉ có những điều ngọt ngào?

Đúng rồi, có lúc còn “ngồi khóc” ấy chứ (cười). Nhiều người chỉ nhìn thấy sự nổi tiếng và vẻ hào nhoáng của mình và Hybrid Technologies khi lên sàn chứng khoán Tokyo, nhưng mấy ai biết được hành trình có cả nước mắt đằng sau đó.

Ví dụ như hồi chưa niêm yết, dù mình đã phát hành cổ phiếu ưu đãi cho hơn 100 người nhưng nhân viên thì không phải ai cũng có. Cũng vì thế, có nhân viên cũng không hiểu tại sao công ty đang ăn nên làm ra, tăng trưởng, và nghe nói sắp niêm yết nhưng họ lại chưa được hưởng gì cả.

Hoặc cũng có bạn thắc mắc lợi nhuận công ty nhiều thế tại sao không phát thưởng mà lại dùng tiền vào những thứ không đâu như việc tuyển thêm nhân sự đắt đỏ về luật, tài chính... phục vụ cho việc niêm yết. Đấy là bài toán không thể vẹn cả đôi đường được.

Sau hơn một năm lên sàn, nhìn lại kết quả, anh thấy mình và Hybrid Technologies được gì và mất gì?

Cái giá phải trả cho việc IPO thì mình nói ở trên rồi. Còn cái được cũng nhiều. Thứ nhất, mình trở thành người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến nay đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo.

Cái được thứ hai là công ty được rất nhiều người biết đến, mình cũng trở nên nổi tiếng. Nhờ đó, bọn mình có thể tuyển dụng nhân sự giỏi dễ dàng hơn trước nhiều. Mà trong ngành công nghệ, việc tuyển dụng được kỹ sư giỏi cực kỳ quan trọng, là nhân tố quan trọng nhất cho tăng trưởng.

Thứ ba là việc thay đổi hệ thống quản trị đáp ứng các tiêu chuẩn của sàn chứng khoán Tokyo giúp công ty vận hành tốt hơn nhiều so với trước đây. Bây giờ, công ty hoàn toàn có thể chạy được mà không cần đến CEO trong một thời gian, tất cả phòng ban như sales, kế toán hoàn toàn có thể tự chạy tốt. Hệ thống vẫn có thể hoạt động tốt mà không quá phụ thuộc vào một cá nhân.

Người Việt Nam đầu tiên đưa startup IPO tại Nhật: Có lúc ‘ngồi khóc’, chi phí tăng hàng triệu đô, nhưng cái kết thật bất ngờ! - Ảnh 11.

Sau hơn 1 năm niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo, mục tiêu của anh với sự phát triển của Hybrid Technologies có gì thay đổi?

Tầm nhìn của mình với công ty là “New view with you” tức là cùng đi lên một tầm cao mới với mình, gia đình, nhân viên, cổ đông… Công ty mình ban đầu chỉ làm gia công phần mềm, sau đó mở rộng làm về tư vấn chuyển đổi số ( DX), AI (trí tuệ nhân tạo), thiết kế UI/UX (về digital marketing) và bảo mật… Cái gì thiếu mình muốn làm nhưng chưa làm được thì đi đầu tư, hợp tác để làm, còn cái gì mình tự tuyển làm được thì mở rộng. Nguyên tắc chung là phải luôn thay đổi cách làm và cải tiến so với hiện tại.

Còn về mục tiêu cụ thể với sàn chứng khoán thì mình muốn đưa vốn hoá của công ty đạt mốc một tỷ đôla trong 5 năm tới. Mình tin là sẽ làm được.

Hướng tới mục tiêu vốn hoá 1 tỷ USD, anh có dự định mở rộng ra ngoài Nhật Bản hay không?

Trước mắt, mình thấy thị trường Nhật Bản còn quá nhiều tiềm năng chưa khai phá hết, nên định hướng trong thời gian tới Nhật Bản vẫn sẽ là thị trường chủ chốt.

Vậy còn kế hoạch M&A các công ty khác thì sao?

Khi niêm yết và IPO, mình thu về 30 triệu USD tiền mặt. Với số tiền không nhỏ đó mình lập ra một bộ phận chuyên về đầu tư trong công ty và tuyển được một bạn rất giỏi từng làm trưởng phòng trẻ nhất của Tập đoàn Mynavi (Nhật Bản), chuyên phụ trách mảng M&A và đầu tư vào các start-up khu vực Đông Nam Á. Hiện tại bạn ấy đang là người điều hành Hybrid Technologies Capital.

Hybrid Technologies Capital là bộ phận chuyên về đầu tư trong công ty mình, ra đời chỉ sau 2 tháng IPO với mục đích giải quyết khó khăn khi huy động vốn và thiếu nhân lực cho các startup bằng cách cung cấp vốn và nguồn lực phát triển theo mô hình Hybrid kết hợp nguồn nhân lực từ cả Việt Nam và Nhật Bản.

Chỉ trong vòng một năm, Hybrid Technologies đã đầu tư vào 9 công ty rồi, và tính theo giá thị trường thì giá trị đầu tư đã tăng lên rất nhiều. Một số công ty trong nhóm này chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo. Cách đây hơn 1 tuần, bọn mình cũng vừa đầu tư thêm 1 công ty nữa nhưng là dạng M&A.

Sau hơn 20 năm sinh sống và làm việc tại Nhật, anh thấy mình vẫn giữ được điều gì Việt Nam nhất?

Đó là tiếng Việt. Mình vẫn nói tiếng Việt hằng ngày và nói chuẩn. Tiếp đến là sự lạc quan của một người Việt Nam khao khát trưởng thành. Ai cũng bảo Việt Nam là đất nước đi sau, nhưng mình không nghĩ thế. Những nước phát triển cũng từng có thời gian là nước đi sau, chẳng qua đất nước mình có chiến tranh lâu quá mới như thế này thôi.

Mình nghĩ, một ngày không xa, Việt Nam sẽ có bước phát triển đột phá và bây giờ đã có nhiều con số chứng minh rồi. Để làm được điều đó thì cần sự lạc quan, hành động và dám sửa sai. Nếu đủ khiêm tốn để thấy mình sai và sửa được cái sai đó thì sẽ thành công. Người Nhật có tính cách này và họ đã phát triển được. Người Việt Nam cũng có thể làm được như vậy.

Một điều quan trọng nữa là vợ và con mình vẫn ở Việt Nam. Do công việc nên mình ở Nhật nhiều thời gian hơn nhưng tháng nào mình cũng về nhà.

Cuối cùng thì ở đâu, làm gì, người Việt vẫn đồng nhất một tinh thần vươn lên, ý chí không dừng bước, không chỉ để kinh doanh làm giàu, mà còn để khẳng định một khát vọng lớn lao: “ Khát vọng Việt".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm