Cuối tháng 4, các sinh viên Đại học Tongji ở Thượng Hải phát hiện những hộp cơm cứu trợ kém chất lượng. Một sinh viên sau đó đăng bài viết với phản ứng giận dữ và nhanh chóng lan rộng trên Weibo. Chỉ sau thời gian ngắn, bài viết biến mất. Tuy nhiên, nội dung đó đã được biến thành một tác phẩm NFT, lưu trữ trên blockchain để người khác có thể đọc và cũng không thể bị xóa.
Theo Financial Times, Trung Quốc luôn kiểm soát chặt nội dung trên mạng xã hội, nhưng việc tạo NFT từ bài viết cũng đang ngày càng nở rộ ở nước này thời gian gần đây.
Sự mở rộng của blockchain đang đặt ra thách thức mới do dữ liệu được gửi đến mạng blockchain sẽ không thể bị xóa hoặc thay đổi. Theo một người am hiểu công nghệ sống tại Thượng Hải, công nghệ này đã trở nên quen thuộc với người dân Trung Quốc vài năm qua, nhất là giới trẻ. Họ cũng biết cách tải lên và đọc các bài báo trên cơ sở dữ liệu phi tập trung.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có những cách khác để ngăn thông tin lan rộng. Barney Tan, người đứng đầu trường quản lý hệ thống thông tin và công nghệ tại UNSW Sydney, cho biết các nhà kiểm duyệt không thể loại bỏ thông tin khỏi blockchain nhưng có thể chặn quyền truy cập bằng cách ngăn mọi người chia sẻ liên kết trên phương tiện truyền thông xã hội.
Thời gia qua, việc kiểm duyệt Internet không còn xa lạ với người Trung Quốc thông qua "Vạn lý tường lửa" (Great Firewall). Hàng loạt dịch vụ bên ngoài như Google, Facebook, Twitter... đều bị chặn. Người dùng có thể "vượt rào" bằng phần mềm mạng riêng ảo VPN nhưng chính phủ nước này gần đây cũng đã siết chặt hơn.
(theo Financial Times)