Cục Tần số vô tuyến điện chiều 9/4 cho biết Trung tâm I thuộc Cục cùng các cơ quan chức năng đã bắt giữ một người nước ngoài sử dụng thiết bị giả mạo truy nhập mạng viễn thông bất hợp pháp đêm 5/4.
BTS giả được đặt trên ôtô, di chuyển liên tục để tránh bị phát hiện, gây khó khăn cho việc theo dõi, bắt quả tang. Tối cùng ngày, cơ quan chức năng bắt giữ được nhóm người, trong đó có người nước ngoài và lái xe người Việt, đang phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.
Việc sử dụng BTS giả đã xuất hiện tại Việt Nam nhiều năm nay, nhưng rộ lên từ năm ngoái. Kẻ tấn công lợi dụng cơ chế bảo mật yếu của mạng 2G (GSM), vốn không yêu cầu xác thực trạm BTS với thiết bị đầu cuối, từ đó thực hiện một cuộc tấn công trung gian xen giữa kết nối của điện thoại và trạm BTS thật của nhà mạng.
Do cơ chế hoạt động của điện thoại là luôn kết nối đến trạm có sóng mạnh nhất, thiết bị có thể vô tình kết nối vào mạng của kẻ tấn công. Người dùng khi đó có thể nhận được các tin nhắn do kẻ tấn công gửi tới, trong đó có cả những tin nhắn chứa tên thương hiệu (brandname).
Theo Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, những tin nhắn này dụ người dùng truy cập đường link cài phần mềm độc hại hoặc đánh cắp thông tin tài khoản.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xác định ba vụ dùng BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo. Hồi tháng 2 tại TP HCM, Cục Tần số vô tuyến điện cũng phát hiện một vụ dùng BTS giả gắn trên xe máy.