Cô Grace Davidson, 36 tuổi, hạ sinh thành công sau khi được cấy ghép tử cung từ chị gái của cô, Amy.
Cô quyết định đặt tên con là Amy Isabel để nhớ ơn dì của cô và một bác sĩ tham gia vào ca phẫu thuật cấy ghép. Amy là đứa trẻ đầu tiên được sinh ra ở Vương quốc Anh nhờ quy trình đột phá này.
Bé Amy được sinh ra bằng phương pháp mổ lấy thai chủ động vào ngày 27/2 tại Bệnh viện Queen Charlotte ở London, Anh.
Chia sẻ về lần đầu bế con trên tay, cô Davidson vẫn chưa cảm thấy hết "sốc": "Chúng tôi đã nhận được món quà tuyệt vời nhất". Cô Davidson, một chuyên gia dinh dưỡng, và chồng cô, Angus, 37 tuổi, làm trong lĩnh vực tài chính, bày tỏ niềm vui tột cùng khi con gái chào đời.

Vợ chồng cô Davidson vui mừng khi đón con đầu lòng. (Ảnh: Independent)
Cô ấy nói: "Thật khó để tin rằng con bé là thật. Tôi biết con bé là của chúng tôi, nhưng thật khó để tin... Gia đình chúng tôi thật sự rất vui mừng. Giờ đây, chúng tôi đã có cảm giác là một gia đình trọn vẹn".
Được biết, Davidson sinh ra mắc phải hội chứng Mayer-Rokitansky-Kuster-Hauser (MRKH), một tình trạng hiếm gặp ảnh hưởng đến khoảng 1 trong mỗi 5.000 phụ nữ. Hội chứng này khiến phụ nữ sinh ra có tử cung chưa hoàn thiện hoặc thậm chí không có tử cung.
Tuy nhiên, buồng trứng của họ vẫn nguyên vẹn và hoạt động bình thường để sản xuất trứng và hormone nữ. Điều này khiến họ vẫn có thể có con, nhưng cần biện pháp can thiệp.
Trước khi được cấy ghép tử cung, cô Davidson và chồng đã thực hiện biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm để tạo ra bảy phôi. Những phôi này được đông lạnh để làm thụ tinh trong ống nghiệm tại London.

Bé Amy chào đời khoẻ mạnh (Ảnh: Independent)
Sau đó, cô Davidson thực hiện ca phẫu thuật vào tháng 2/2023. Cô được cấy ghép tử cung từ chị gái của mình, Amy Purdie, 42 tuổi, một cựu giáo viên tiểu học, mẹ của hai cô con gái 10 và 6 tuổi. Vài tháng sau, sau khi được ghép tử cung, cô Davidson được chuyển phôi và thụ thai thành công.
Amy, bé gái nặng 4,5kg, đã được sinh ra sớm vài tuần trong ca mổ chủ động lấy thai dài 90 phút, nhằm đảm bảo việc sinh con an toàn tại bệnh viện.
Ca sinh thành công đánh dấu một tiến bộ quan trọng trong y học, đặc biệt trong lĩnh vực sinh sản. Đây là bước đột phá giúp thay đổi cuộc sống của hàng nghìn phụ nữ không có tử cung hoặc tử cung không hoạt động bình thường. Chuyến hành trình của cặp đôi này làm nổi bật tiềm năng tuyệt vời của việc cấy ghép tử cung để giải quyết vấn đề vô sinh hiếm muộn.