Chuyện chi tiêu đã không còn quá xa lạ với nhiều người, bởi khái niệm này đã có từ thời xa xửa xa xưa. Nhưng vấn đề là chi tiêu làm sao, như thế nào thì... không ai nói. Cùng nghe các bạn trẻ tám chuyện kiếm tiền và tiêu tiền ra sao nhé!
Người tiêu hết nửa tháng lương khi vừa mới nhận, quan điểm “Còn trẻ đặt nặng mấy vấn đề nhà cửa xe cộ chỉ thêm mệt người”
Linh (23 tuổi, TP.HCM) chia sẻ với mức thu nhập hiện tại tầm 15 - 20 triệu đồng/ tháng, bạn đã tiêu hết một nửa số lương chỉ cho tiền thuê nhà và ăn uống. “Công việc của mình là sale, vì vậy hay đi gặp khách hàng, mỗi lần gặp thì phải mời cà phê này nọ chứ không thì kì, ước tính sơ sơ hết tầm 2-3 triệu đồng cho mỗi tiếp khách, thêm 5 triệu tiền nhà nữa, chưa tính điện nước xăng xe thì mình đã bay gần 10 củ.” - Linh tâm sự.
Không tiêu nhiều cho việc thuê nhà như Linh nhưng Ngọc (22 tuổi, TP.HCM) cũng không dư dả hay tiết kiệm gì nhiều. Dù ở chung với ba mẹ, cô nàng vẫn chi tiêu hết khoảng lương cho du lịch và mua đồ hiệu. “Mình thường tiêu nhiều cho du lịch vì tính chất công việc không lên công ty nhiều, một tháng tầm 2 lần mình đi du lịch, nếu còn dư thì mình mua túi hoặc quần áo.”
Khi được hỏi về lý do tại sao không tiết kiệm, Ngọc cho rằng bản thân còn trẻ nên thích trải nghiệm nhiều hơn, hơn nữa cô không đặt nặng vấn đề mua xe mua nhà vì đây không phải mục tiêu của mình. “Còn trẻ thì cứ mua sắm và tận hưởng đã, chứ đặt nặng mấy vấn đề nhà cửa xe cộ chỉ thêm mệt người.”
Không như Linh và Ngọc, dù không tốn kém quá nhiều chi phí sinh hoạt, không mua đồ hiệu hay du lịch, Trung (22 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng không tiết kiệm được đồng nào. Anh kể: “Tháng lương của mình chủ yếu tiêu cho việc thuê nhà, ăn uống và đi lại, phần còn lại mình gửi cho ba mẹ dưới quê và đóng học phí, tiền học thêm cho em gái đang học lớp 9.” Trung cho rằng dù không có tiền tiết kiệm, nhưng ít nhất anh cũng đã dùng tiền cho việc có ích. “Mình là con cả trong một gia đình có truyền thống làm nông, nên mình cảm thấy có trách nhiệm nhiều hơn.”
Người pha cà phê tại nhà, tự nấu đồ ăn để tiết kiệm vài chục triệu/ năm
Minh (23 tuổi, TP.HCM) chia sẻ mình đã tiết kiệm được hơn 20 triệu mỗi năm nhờ… không đi uống cà phê. “Mình thường pha cà phê có sẵn tại công ty hoặc mua cà phê rang sẵn rồi pha tại nhà trước khi đi làm, mình cũng không hay la cà hàng quán nên mỗi tháng tiết kiệm được 2-3 triệu tiền cà phê, dù không lớn nhưng cũng để có khi cần.”
Giang (23 tuổi, TP.HCM) cũng cho biết mình đã tiết kiệm được tầm 60 triệu/ năm nhờ nấu ăn tại nhà. “Mình làm văn phòng tại Quận 1 nên đồ ăn tại đây khá đắt đỏ, tầm 70-80 ngàn/ phần. Vì thế mình quyết định thay vì mua ngoài quán, mình sẽ tự nấu đồ ăn tại nhà. Sáng mình nấu bún, phở hay cháo đơn giản đồng thời chuẩn bị luôn cơm trưa. Mình cũng có thói quen chuẩn bị bữa ăn theo tuần, đi siêu thị vào cuối tuần, chế biến và để tủ lạnh dùng dần.”
Giang bổ sung thêm, lý do mà cô lựa chọn ăn uống như vậy là bởi vì cô muốn sống tiết kiệm và lành mạnh hơn. “Mình từng ăn ngoài khá thoải mái, tiêu tiền như nước lã, nhưng sau đó thất nghiệp tạm thời mới thấy trân quý đồng tiền, vì thế cũng chi tiêu có trách nhiệm hơn trước, tiền tiết kiệm cho ăn ngoài thì mình sử dụng để đầu tư vào bản thân, học này học nọ để nâng cao trình độ cho công việc sau này.”
Nên xài thả ga hay sống có tiết kiệm khi mới ra trường?
Tùy thuộc vào nhu cầu mỗi người, lựa chọn xài thả phanh tiền lương hay sống tiết kiệm đều là một quyết định tùy thuộc vào lý do. Tuy nhiên, khi chi tiêu cần lưu ý một vài vấn đề sau để tiêu tiền có trách nhiệm hơn nhé:
- Hãy tiết kiệm một khoản nhỏ ít nhất 10% mức thu nhập. Ai nói gì thì nói chứ có tiền vẫn còn hơn không, tích tiểu thành đại đề phòng những dịp phát sinh đột xuất.
- Nên đầu tư vào bản thân nhiều hơn. Thay vì mua quá nhiều trà sữa, cà phê hay ăn vặt, bạn có thể đi học một vài bộ môn về nghệ thuật, kĩ năng để nâng cao hiệu suất cho công việc. Biết đâu sau này tăng lương nhờ nó không chừng!
Ảnh: Tổng hợp