Người kéo quân trở về từ Google
Huy Nguyễn kể năm 2017, khi đang làm CEO tại Google thì được Trí Phạm rủ về Việt Nam mở văn phòng công ty công nghệ. Nhưng vì công việc đang ổn định nên Huy Nguyễn chỉ nhận lời hỗ trợ bạn về phần kỹ thuật. Theo gợi ý của Trí Phạm, Huy Nguyễn đã tìm hiểu sâu về nền tảng Blockchain và giúp bạn hình thành công ty KardiaChain tại Anh, chuyên cung cấp nền tảng Blockchain cho các ứng dụng quản lý phi tập trung. Năm 2019, Trí Phạm đã mở văn phòng tại TPHCM với quy mô ban đầu chỉ có vài nhân viên và Huy Nguyễn vẫn làm việc ở Google, chỉ hỗ trợ cho bạn từ xa. Nhưng rồi một bước ngoặt đã xảy ra làm thay đổi cuộc đời Huy Nguyễn.
“Đó là vào cuối năm 2019, vợ tôi sinh em bé. Theo quy định của Google, tôi được nghỉ 4 tháng chăm vợ và tôi đã đưa vợ con về Việt Nam thăm ông bà. Nào ngờ đại dịch COVID xảy ra khiến tôi bị kẹt lại luôn ở Việt Nam. Càng ở lâu, tôi càng thấy cuộc sống ở Việt Nam rất thích hợp với mình. Thế là tôi ở lại luôn, cùng với Trí Phạm xây dựng đội ngũ nhân sự công nghệ để phát triển KardiaChain tại Việt Nam”, Huy Nguyễn kể.
Theo đánh giá của Huy Nguyễn, tại thời điểm đó công nghệ Blockchain với các ứng dụng công nghệ này hướng tới người dùng cá nhân đang rất “nóng”. Nhưng tại thị trường Việt Nam các công ty, doanh nghiệp tập trung vào mảng này còn khá ít. Vì thế, KardiaChain với tiềm năng dồi dào đã nhanh chóng có chỗ đứng và phát triển mạnh mẽ.
Cuối năm 2020, KardiaChain đã chính thức ra mắt sản phẩm công nghệ blockchain đa kết nối đầu tiên tại Việt Nam và đã nhanh chóng được khách hàng đón nhận. Đặc biệt vào đầu năm 2021, khi đồng tiền mã hoá được rất nhiều người quan tâm đã dẫn tới nhu cầu sử dụng nền tảng Blockchain tăng lên mạnh mẽ, nhiều khách hàng lớn đã tìm đến KardiaChain khiến doanh thu tăng vọt.
Quy mô nhỏ của KardiaChain đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng, Huy Nguyễn đã nảy ra ý định mời những cộng sự người Việt đã từng làm việc cùng anh tại Google trở về.
Huy Nguyễn nói: “Đây là những cộng sự làm việc với nhau cả chục năm nên tôi rất hiểu, nhưng việc để mời được họ về Việt Nam mới là bài toán khó vì ai cũng có công việc ổn định, có gia đình. Tôi phải đích thân thuyết phục từng người, lấy bản thân mình ra để minh chứng cho sự thành công ở Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn, tôi muốn đánh thức trong bản thân họ tinh thần cống hiến cho quê hương, đất nước. Làm tại Google thì mãi phải họ chỉ làm các dự án cho nước ngoài, còn trở về Việt Nam, họ có thể làm ra các sản phẩm thương hiệu Việt. Tôi đã đề nghị họ hãy về Việt Nam trải nghiệm 1 chuyến, nếu thấy thích hợp thì làm. Ban đầu tôi chỉ mời được 1 người về, sau dần những người khác đã đi theo và hiện tại tôi có 6 người bạn đã từng làm google trở về chung tay với tôi”.
“Mỗi sản phẩm Việt đều có câu chuyện, có truyền thống rất thú vị và khách hàng hiện chưa có cơ hội tìm hiểu. Phygital hóa sản phẩm Việt sẽ tạo cơ hội kết nối để mở rộng thị trường, nâng tầm giá trị sản phẩm”.
Từ đội ngũ ban đầu chỉ vài nhân viên, KardiaChain tại Việt Nam đã phát triển lên tới tới trên 120 người vào 2023. Nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã trở thành đối tác của KardiaChain như LG, Yeah1, Fado, Biti’s, Mai Linh, Vietel IDC…
Đưa sản phẩm quê hương lên… mạng ảo
Ngày 1/10 vừa qua, Huy Nguyễn cùng các đồng sự ra mắt công ty Phygital Labs, hướng tới xây dựng những sản phẩm vật lý lên môi trường kỹ thuật số (phygital). Theo Huy Nguyễn, các mô hình kinh doanh dựa trên thế giới thật đã chạm ngưỡng tăng trưởng, thế giới đang nhắc nhiều đến phygital để tạo ra dòng doanh thu mới.
“Giới trẻ hiện nay dành nhiều thời gian trên không gian số, nhiều hình thái kinh tế xã hội đã bước vào khai thác không gian mạng, từng bước chạm vào những giá trị mới. Điều này do thế giới thực đã đạt đến ngưỡng giới hạn và bão hòa. Vật lý số sẽ là cánh cổng kết nối thế giới thực và thế giới số, là nơi hai thế giới hội tụ và tồn tại song song. Đây sẽ là một dòng doanh thu hoàn toàn mới, tái định hình những chuẩn mực truyền thống và kiến tạo nền kinh tế số đầy tiềm năng”.
Nhưng để thực hiện được ý tưởng này, vào đầu năm 2023 KardiaChain đã thử nghiệm, tạo ra sản phẩm phygital đầu tiên. Đó là chiếc áo khoác sản xuất có giới hạn, được gắn chíp lưu toàn bộ thông tin của chiếc áo. Chiếc áo đã rao bán trên không gian số với giá bán 700 USD và được bán hết trong thời gian ngắn. Điều này tạo tiền đề cho KardiaChain có kế hoạch phát triển với các sản phẩm phygital khác. “Nhưng tôi muốn góp một chút gì đó cho quê hương. Ở Việt Nam hàng thủ công mỹ nghệ, hàng nông sản rất phong phú, đa dạng nhưng chưa được thế giới biết tới nhiều. Nâng cấp các sản phẩm này lên phygital, tôi nghĩ sẽ đưa được giá trị sản vật Việt lên tầm cao mới”- Huy Nguyễn nói.
Huy Nguyễn từng là quản lý cao cấp tại Google với hơn 10 năm kinh nghiệm, từng tham gia phát triển các dự án lớn như Android Hearables Experience, Google Access Wireless Platform…. Năm 2019, Huy Nguyễn cùng với bạn học là Trí Phạm sáng lập ra KardiaChain - nền tảng blockchain liên chuỗi đầu tiên tại Đông Nam Á với vốn hóa đỉnh điểm đạt 350 triệu USD.
Tại Lễ ra mắt, Phygital Labs cũng ký biên bản ghi nhớ hợp tác với TP Đà Nẵng với nội dung “Hợp tác, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn TP Đà Nẵng”. Phygital Labs sẽ giúp cho TP Đà Nẵng định danh các sản phẩm thủ công của Làng đá Non Nước lên không gian số.
Huy Nguyễn giải thích: “Một khách hàng quan tâm đến đá Non Nước thì họ có thể vào Bảo tàng của Làng đá Non Nước trên không gian số. Ở đó khách hàng có thế xem xét từng loại hàng hoá phygital trong không gian 3D, có thể tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử, thậm chí từng câu chuyện văn hoá gắn với sản phẩm này. Khách hàng có thể mua sản phẩm mà không phải lo lắng về thương hiệu, chất lượng hay sự minh bạch của sản phẩm. Ngoài ra phygital còn giúp lưu trữ, bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc đến người dùng Internet khắp thế giới một cách đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả”.
Bên cạnh Làng đá Non Nước, Phygital Labs cũng đã ký kết với Trung tâm Thông tin UNESCO Việt Nam để xây dựng dự án “Ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát triển di sản, văn hoá Việt” tiếp tục Phygital hoá nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nông sản khắp Việt Nam lên không gian số. Ông Nguyễn Hùng Sơn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin UNESCO cho biết: "Chúng tôi chung sứ mệnh với Phygital Labs để giải quyết những vấn đề cụ thể của cuộc sống, đặc biệt là việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn thế giới bước vào kỷ nguyên số.. ".