Ông Jacky Vương, như bao doanh nhân thành đạt khác của Trung Quốc, đang cẩn trọng cân nhắc các lựa chọn của mình trước những động thái từ Chính phủ tác động tới quá trình kinh doanh của họ.
Chỉ trong năm vừa qua, ông Wang đã mua hai chiếc Mercedes - Benz và quyên góp đến 3 triệu nhân dân tệ cho các hoạt động xã hội sau những áp lực từ chính quyền địa phương tỉnh Giang Tô. Công ty xi măng của ông vẫn vận hành trơn tru, nhưng thay vì bỏ tiền cho những kế hoạch tái đầu tư thì ông lại đang chọn để tiêu pha thoải mái.
“Tôi biết triển vọng kinh doanh năm nay sẽ khá tốt, vì Trung Quốc muốn thúc đẩy kinh tế bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng”. Ông Wang, giờ đã 47 tuổi, chia sẻ “Nhiều người nghĩ rằng tôi nên tập trung đầu tư vào mấy nhà máy và làm việc cật lực, nhưng tôi lại chỉ muốn nằm yên. Nếu không vì hàng trăm công nhân viên đang trực chờ vào đồng lương để nuôi sống gia đình thì tôi đã đóng xừ nó lại và sống thỏa thích rồi”.
Cụm từ “nằm yên”, hay "tang ping" trong tiếng Trung, được ông Tập Cận Bình nhắc đến trong một tuyên bố khuyến cáo người dân chống lại sự trì trệ và nằm yên, thay vào đó hãy hết mình cống hiến làm việc nhằm tạo ra cơ hội làm giàu cho mọi người dân, tránh khỏi sự ngưng đọng giai cấp. “Nằm yên”, ngược lại, cho rằng con người chỉ nên cố gắng ở mức tối thiểu để tồn tại, thay vì theo đuổi những mục tiêu xã hội cao cả như tiền bạc, nhà cửa, gia đình.
Như nhiều doanh nhân khác, ông Wang đang mệt mỏi để chạy theo những thay đổi chóng mặt trong chính sách tại Trung Quốc trong hai thập kỷ vừa qua, với những luật lệ, quy chế, hay là chủ trương thúc đẩy “khối thịnh vượng chung” gần đây, nhằm giảm thiểu khoảng cách.
“Tôi hiểu những chính sách đó là tốt thôi, và tôi hoàn toàn ủng hộ chúng” ông Wang bày tỏ. “Nhưng tôi bối rối, đôi lúc lo lắng. Thật khó để tập trung hoàn toàn vào doanh nghiệp. Môi trường kinh doanh đang ngày càng thử thách, khiến tôi băn khoăn rằng liệu Trung Quốc có còn cần giới kinh doanh như tôi nữa hay không”.
Tháng 8/2021, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố chú trọng vào chủ trương “khối thịnh vượng chung”, với mục tiêu làm giàu cho mọi tầng lớp xã hội. Kể từ thời điểm đó, Trung Quốc đã tung ra một loạt các luật lệ và quy chế nhắm thẳng vào các tập đoàn, doanh nghiệp khổng lồ, cho đến cả giới minh tinh.
Công nghệ, tài chính, xử lý dữ liệu, sàn giải trí,... tất cả ngành công nghiệp tư bản lớn đều đặt trong tầm ngắm, với tổn thất trên sàn chứng khoán lên tới 1.000 tỷ USD, số liệu được South China Morning Post đưa ra. Kèm theo đó là hình phạt khắt khe cho những kẻ trốn thuế và lũng đoạn thị trường.
Sự bối rối trong giới tư nhân đã khiến giới chức Bắc Kinh phải lên tiếng. Ông Lưu Hạc, Phó Thủ Tướng và đồng thời là cố vấn kinh tế hàng đầu, đã tuyên bố rằng các bộ luật được thi hành trong tương lai sẽ được công khai và “dễ đoán” hơn.
Ông, cùng nhiều chính trị gia khác, cũng đã nhấn mạnh về đường lối của những chính sách này, rằng chúng hoàn toàn không mang tính “lấy của người giàu, chia cho người nghèo”. “Chống lại hành vi gian lận hay độc quyền không đồng nghĩa với việc chống lại nền kinh tế tư nhân. Đất nước chúng ta sẽ luôn cần sự phát triển kinh tế từ các doanh nghiệp”.
Hiện nền kinh tế tư nhân đang đóng góp khoảng 60% thuế cho Trung Quốc, 47% giá trị giao thương quốc tế, 56% tài sản đầu tư, và đồng thời chiếm tới hơn 80% lượng lao động trên toàn quốc.
Tuy vậy, kinh tế nhà nước vẫn luôn là bộ phận được chú trọng trong đường lối kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ thị trường chủ chốt, từ viễn thông, đường sắt, cho đến dầu khí.
Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh nên chú trọng hơn vào giải quyết ổn thỏa khúc mắc và tiếp cận các vấn đề tương lai một cách minh bạch và rõ ràng hơn đối với các doanh nghiệp tư nhân bởi theo tờ SCMP, sẽ chẳng hay nếu những ông chủ nhỏ cảm thấy rằng họ nên chọn cách nằm yên thay vì tiếp tục kinh doanh tạo ra tiền bạc, của cải.