Đầu tháng 4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chính sách áp thuế lên tới 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, sau đó hoàn áp dụng 90 ngày. Mức thuế này cao hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu và là yếu tố gây xáo trộn đáng kể trên thị trường tài chính trong nước.
Theo đánh giá của SSI Research, đây là một “tin xấu” mang tính thực tế nhưng vẫn có thể mở ra cơ hội tiềm năng cho nền kinh tế Việt Nam về dài hạn, khi mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển sang cân bằng và bền vững hơn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index ghi nhận hai phiên giảm sâu liên tiếp ngày 3 và 4/4, khiến định giá P/E hỗn hợp lùi về 11,6 lần – thấp hơn 25% so với trung bình kể từ năm 2016. SSI cho rằng đây là mức hấp dẫn để tích lũy, đặc biệt khi so sánh với giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung (2018–2019).
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định các rủi ro bên ngoài đã chuyển từ trạng thái "không chắc chắn" sang “có thể định lượng”, buộc nhà đầu tư phải ưu tiên quản trị rủi ro. Việc Mỹ áp thuế vượt kỳ vọng đã khiến dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
Mặc dù dòng tiền nội vẫn là điểm tựa, áp lực ngoại khiến đà tăng của thị trường chững lại. Theo VDSC, diễn biến thị trường trong ngắn hạn sẽ phụ thuộc lớn vào kết quả đàm phán thương mại giữa Mỹ và Việt Nam. Kịch bản cơ sở là VN-Index tìm điểm cân bằng trong vùng 1.140–1.165 điểm và có thể phục hồi lên mức 1.285 điểm nếu đàm phán tiến triển tích cực.

Phân tích độ nhạy chỉ số VN Index dựa trên biến động P/E và kịch bản tăng trưởng lợi nhuận lũy kế 4 quý so với EPS 2025. (Nguồn: VDSC).
Theo Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), VN-Index đã giảm 8,11% chỉ trong vài phiên đầu tháng 4 (đến 4/4) sau khi thông tin về thuế quan được công bố. Tâm lý bi quan khiến áp lực bán tháo gia tăng, bất chấp lực cầu từ nhà đầu tư trong nước.
Tuy nhiên, ở góc nhìn trung và dài hạn, MASVN cho rằng yếu tố nội tại của thị trường vẫn tích cực, với động lực đến từ tăng trưởng kinh tế, kỳ vọng nâng hạng thị trường và định giá hiện đang hấp dẫn (VN-Index đang ở vùng -1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm).
MASVN khuyến nghị nhà đầu tư giao dịch thận trọng, theo dõi sát tiến trình đàm phán thuế quan. Trong trường hợp đàm phán không đạt kỳ vọng, chỉ số có thể lùi về vùng hỗ trợ 1.125–1.150 điểm.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo VN-Index trong năm 2025 sẽ dao động quanh ngưỡng 1.100 điểm, tương ứng với tăng trưởng EPS khoảng 5% và mức P/E giảm về 11,9 lần – thấp hơn nhiều so với cuối năm 2024 (14,6 lần).
Theo KBSV, yếu tố chính khiến đơn vị này điều chỉnh vùng định giá thị trường là lo ngại về tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ tới môi trường đầu tư, mặt bằng lãi suất, dòng vốn và tâm lý thị trường.
Dù vậy, TTCK Việt Nam vẫn có các yếu tố hỗ trợ như: hệ thống giao dịch mới từ tháng 5, nâng hạng thị trường dự kiến vào tháng 9, đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, kích cầu tiêu dùng, và mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp.
Chứng khoán MB (MBS) khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động xây dựng kịch bản thận trọng, giảm thiểu rủi ro trong giai đoạn nhạy cảm này.
Về chiến lược giao dịch, trong bối cảnh “bóng ma” thương chiến tiếp tục bao trùm thị trường tài chính toàn cầu, tâm lý bi quan đang chi phối hành vi nhà đầu tư.
Trong xu hướng giảm, yếu tố quản trị rủi ro và cơ cấu danh mục cần được ưu tiên hàng đầu. Nhóm phân tích MBS nhấn mạnh rằng mục tiêu trọng yếu lúc này là bảo toàn vốn, chờ đợi thị trường xác lập đáy rõ ràng để có thể trở lại với tâm thế chủ động hơn.

(Nguồn: MBS).
MBS đã điều chỉnh dự báo đối với chỉ số VN-Index trong năm 2025, hạ mục tiêu từ 1.400–1.420 điểm xuống còn 1.350–1.380 điểm. Đồng thời, dự báo tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cũng được điều chỉnh giảm từ mức 18%-19% xuống còn 16%-16,5%.
Theo đó, định giá P/E forward của thị trường cũng được điều chỉnh về mức 12,5 lần, thấp hơn so với mức 13 lần trước đó.
Tuy nhiên, nhóm phân tích vẫn duy trì quan điểm tích cực trong trung và dài hạn nhờ nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng kỳ vọng nâng hạng thị trường vào năm 2025 theo FTSE và năm 2026 theo MSCI.

(Nguồn: X.N tổng hợp).
Nhà đầu tư nên xoay xở ra sao?
VDSC ước tính lợi nhuận ròng quý I/2025 của các doanh nghiệp niêm yết tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó nhóm ngân hàng tăng 12% và bất động sản tăng 193%. Tuy nhiên, triển vọng quý II có thể chịu áp lực nếu căng thẳng thương mại kéo dài.
VDSC khuyến nghị nhà đầu tư giảm đòn bẩy, cơ cấu danh mục và ưu tiên các cổ phiếu đầu ngành, ít phụ thuộc xuất nhập khẩu và có nền tảng tài chính vững chắc. Với nhà đầu tư ưa rủi ro, có thể cân nhắc cổ phiếu Beta cao trong nhịp phục hồi đầu tiên.
Chứng khoán SHS nhận định, sau cú sốc thuế quan, VN-Index đã giảm từ 1.340 về vùng 1.150 điểm. Nhiều cổ phiếu đã về mức định giá hợp lý, nhưng nhà đầu tư chỉ nên giữ tỷ trọng cổ phiếu dưới 30% danh mục và chờ tín hiệu tạo đáy rõ ràng.
Với sự thay đổi nhanh chóng của thuế quan Mỹ, triển vọng kinh doanh các doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng đáng kể trong giai đoạn hiện nay. Danh mục khả dĩ đầu tư được hiện đã thu hẹp lại và chỉ lựa chọn các cổ phiếu số 1 ở các ngành ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan, các công ty tập trung tiêu dùng nội địa và có mức định giá đủ tốt, hoạt động kinh doanh có dòng tiền thặng dư lớn để chống chọi qua đợt suy thoái có thể xảy ra sắp tới do áp lực dịch chuyển thuế quan.
Nhóm bất động khu công nghiệp cho thấy áp lực bán lớn và SHS nhận thấy nhóm này đang rơi vào tình trạng giống nhóm bất động sản dân cư vào giai đoạn năm 2022 vừa qua.
Nhà đầu tư lưu ý với nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp hiện nay nên hạn chế bắt đáy và dừng mở mới các trạng thái với nhóm này. Việc bị đánh giá lại là điều đang xảy ra và giá có thể giảm vượt quá mức tưởng tượng như đã từng xảy ra với nhóm bất động sản dân cư khi khủng hoảng trái phiếu nổ ra vào năm 2022.
Trong ngắn hạn, MBS khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng với các nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ cao như dệt may, thủy sản, gỗ, bất động sản khu công nghiệp và logistics, bởi đây là những ngành sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt từ chính sách thuế mới. Một số ngành khác như cao su, giấy và dây cáp điện có thể bị ảnh hưởng ở mức trung bình.
Ngược lại, nhiều nhóm ngành ít bị tác động bởi chính sách thuế mới vẫn cho thấy tiềm năng tích cực trong giai đoạn điều chỉnh của thị trường, ví dụ bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn, công nghệ, thực phẩm.
Theo Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), dù thị trường đang trong giai đoạn biến động mạnh, xu hướng dài hạn vẫn là tích cực.
YSVN duy trì khuyến nghị mua và nắm giữ dài hạn đối với các nhóm cổ phiếu như: bất động sản, ngân hàng, công nghiệp nặng, xây dựng, vật liệu xây dựng, sản xuất thực phẩm, du lịch, dược phẩm và điện.