Thời sự

Người đàn ông ở Hà Nội vừa mất 500 triệu đồng thế nào?

Tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Một trong những hình thức phổ biến gần đây là tự xưng là công an để yêu cầu cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo".

Mới nhất, ngày 20/1, Công an TP Hà Nội cho biết một người đàn ông ở quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội bị mất gần 500 triệu đồng khi cài đặt phần mềm Dịch vụ công “giả mạo".

Theo đó, anh D (SN 1985; trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhận được cuộc gọi giới thiệu là Công an phường Thượng Đình. Người này đã thông báo cần cập nhật số định danh cá nhân của con trai anh D. Sau đó, đối tượng hẹn anh D lên Công an quận để hướng dẫn làm thủ tục. Khi anh D đến trụ sở liên hệ thì đối tượng trả lời không có mặt ở cơ quan và thông báo sẽ hướng dẫn anh đăng ký định danh cho con qua điện thoại.

Khi biết anh D dùng điện thoại iPhone, đối tượng yêu cầu anh phải chuyển sang sử dụng điện thoại có hệ điều hành Androi. Anh D đã làm theo yêu cầu và truy cập vào trang web Dịch vụ công giả mạo do đối tượng gửi. Trong quá trình thực hiện thì đối tượng có yêu cầu anh thao tác xác nhận khuôn mặt. Khi thực hiện xong anh D kiểm tra tài khoản ngân hàng phát hiện bị mất gần 500 triệu đồng. Biết mình bị lừa, anh đã đến cơ quan Công an trình báo sự việc trên.

Người đàn ông ở Hà Nội vừa mất 500 triệu đồng thế nào?- Ảnh 1.

Các đối tượng hướng dẫn cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo rồi kiểm soát điện thoại

Đáng chú ý, hồi tháng 7/2024, một người đàn ông ở quận Cầu Giấy, Hà Nội đã bị lừa mất đến 10 tỷ đồng sau khi cài đặt ứng dụng này do kẻ gian hướng dẫn. Tương tự, đến tháng 10/2024, một phụ nữ tại quận Tây Hồ, Hà Nội, đã mất gần 3 tỷ đồng khi bị yêu cầu cài đặt phần mềm Dịch vụ công "giả mạo".

Trước tình hình đó, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn này, tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí, mất cảnh giác nên đã "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo. Tuyệt đối không cài đặt chác phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.

Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Nguy hiểm hơn, các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại di động từ xa, sau đó truy cập vào tài khoản, chuyển hết tiền của bị hại. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm