Giữa tháng 7, bão đổ bộ đảo Galveston, bang Texas khiến bầu trời đen kịt, gió lốc làm cây cối ngã rạp. Khu dân cư mất điện trong đó có nơi Sky Le tổ chức lễ nhận kỷ lục Guinness.
Trong cơn mưa tầm tã, anh nói với ban tổ chức vẫn muốn giữ buổi lễ. Điện chỉ có trước giờ bắt đầu hai tiếng, anh cùng chục người bạn chia nhau trang trí xe, banner, chuẩn bị phở mời khách.
"Ông trời như muốn thử thách tôi đến phút cuối", người đàn ông 37 tuổi, đội nón lá nói trong lúc nhận giải. "Nhưng khi nào còn cố gắng được, tôi sẽ không bỏ cuộc".
Sky Le tên thật là Lê Trần Tuấn, quê Bình Định, sang Mỹ năm 16 tuổi và trở thành nhà tạo mẫu tóc. Dịch Covid-19 ập đến khiến anh nhận ra sự sống mong manh nên muốn lưu giữ lại dấu ấn những người mà mình gặp.
Trong tiệm tóc ở St. Louis, bang Missouri, Sky Le trang trí bức tường để khách ký tên và viết cảm xúc của mình. Sau vài tháng, bức tường đã được phủ kín.
Đại dịch đi qua, Sky Le quyết định thực hiện giấc mơ ấp ủ từ lâu là đi vòng quanh thế giới. "Nhưng cứ đi thôi thì chẳng ý nghĩa gì cả", anh nói. Người đàn ông gốc Việt nghĩ ra ý tưởng xin chữ ký lên chiếc xe bán tải của mình và đăng ký với tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness và kết hợp hành trình gây quỹ cho bệnh nhân ung thư ở bệnh viện St. Jude.
Anh dự trù hành trình sẽ kéo dài ba năm, bắt đầu ở Mỹ, qua Nam Mỹ, châu Âu và kết thúc ở Việt Nam. Sky Le quyết định đóng của tiệm, rút tiền tiết kiệm mua nhà để thực hiện. Mỗi ngày, anh chạy bộ 30 phút để cải thiện sức khỏe, nâng cao sức bền cho việc lái xe liên tục.
Ngày 12/8/2023, Sky Le khởi hành ở TP St. Louis, bang Missouri với mục tiêu 5.000 chữ trong vòng một năm đầu. Nhưng ở Mỹ, việc xin chữ ký không dễ dàng bởi nó liên quan đến thông tin cá nhân, quyền lợi pháp lý. Mỗi ngày, anh lái xe khoảng 100 km và dừng ở các quảng trường, khu vui chơi, công viên để thuyết phục người đi đường.
"Trong 10 người đi qua, có ba người dừng lại và một người đồng ý ký tặng", Sky Le kể. Với mỗi người anh có khoảng hai phút để chào hỏi và trình bày ý tưởng của mình.
Sau 5 tháng đi dọc bờ Tây nước Mỹ, anh xin được khoảng 2.000 chữ ký thì nhận được thông tin tất cả đều không hợp lệ. Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness quy định việc xin chữ ký phải diễn ra nơi công cộng có nhiều người qua lại, các hoạt động đều được ghi hình và lưu toàn bộ thông tin cá nhân của người đồng ý ký.
"Tôi sốc, thẫn thờ và tuyệt vọng", Sky Le nói. Việc liên hệ với Guinness rất khó khăn vì vài tháng họ mới trả lời email một lần.
Anh mất gần nửa thời gian công cốc, còn lại 7 tháng nhưng phải dành hai tháng làm thủ tục. Trên chiếc xe bán tải, anh mất ngủ, nhẩm tính mỗi ngày phải đạt từ 250-300 chữ ký, thời gian làm việc phải từ 10-12 tiếng mỗi ngày.
"Con số này là rất áp lực nhưng tôi chưa từng nghĩ đến bỏ cuộc", anh nhớ lại. "Tôi gần như biến mất khỏi mạng xã hội, chỉ tập trung xin chữ ký".
Sky Le nhớ nơi anh trụ lâu nhất là bờ biển Texas, để người dân ngang qua có thể nhận diện và nhớ mình, mang lại sự tin tưởng. Anh nói quan trọng nhất là lòng chân thành, kể cả khi họ không ký, anh vẫn gửi lời cảm ơn.
Số người biết về kế hoạch của Sky Le đông dần, họ truyền tai nhau về chàng trai gốc Việt nắng hay mưa cũng đứng xin chữ ký để hoàn thành giấc mơ Guinness. Có lúc, họ xếp hàng 20-30 người để ký tên, mỗi người khoảng ba phút, giúp đẩy nhanh tốc độ của Sky Le.
Trong số đó có những chữ ký đặc biệt, ví dụ như Ted Drewes, ông chủ tiệm kem nổi tiếng có tuổi đời 95 năm, nơi trở thành biểu tượng văn hóa ở St. Louis. Sky Le đến trình bày ý tưởng, nhanh chóng được ông ủng hộ và bày tỏ sự thích thú.
Lần khác, khi dừng ở Texas, anh được Nick Diaz, võ sĩ nổi tiếng của UFC (Ultimate Fighting Championship) ký tặng một cách tình cờ. Anh nói hứng thú với thông điệp mà Sky Le truyền tải. Thậm chí, vài người câm điếc, người lớn tuổi mắc Parkinson, tay run rẩy cũng đặt bút ký hỗ trợ hành trình này của anh.
"Tôi xúc động bởi sự chân thành và cởi mở của họ", anh nói. Xe bán tải của Sky Le dần được lấp đầy và cán mốc 7.000 chữ ký. Ngày gửi file cho Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness, anh nói mình như chạm tay vào giấc mơ của mình ấp ủ hàng chục năm qua.
Giữa tháng 8, anh đang tiếp tục chặng đường đến New York và dự định tổ chức vài buổi cắt tóc miễn phí cho những người mà mình gặp, như từng thực hiện ở Việt Nam cách đây 10 năm.
"Tôi cảm thấy đây là giai đoạn cuộc đời đáng sống nhất", anh nói.