Phát hiện thận suy teo sau khi có một triệu chứng
Ngồi ngoài hành lang Khoa Nội thận Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, để chờ vào ca chạy thận, anh Hoàng (*), 37 tuổi, tại Gia Lâm, Hà Nội, vẫn chưa quên được ngày anh được chẩn đoán suy thận.
Cách đây một năm, lúc 36 tuổi, anh Hoàng được thông báo thận anh đã hỏng, phải lọc máu chu kỳ.
Theo anh Hoàng, trước đó anh có sức khỏe tốt, chẳng ngại bất cứ công việc chân tay nào. "Nhà tôi làm nông nghiệp nên tôi cũng khỏe lắm. Còn khỏe thì phải đi làm ăn, kiếm tiền nuôi con, đau ốm gì mà đi khám", anh Hoàng nói.
Cho tới một ngày, anh Hoàng ngửi thấy mùi thức ăn là cảm thấy khó chịu, nôn. Anh nghĩ mình làm việc nhiều nên mệt, khó ăn uống. Không ăn được thịt, anh chỉ ăn cơm chan nước canh. Anh nghĩ vài ngày nghỉ ngơi sẽ khỏe lại, ăn uống sẽ ngon miệng.
Tuy nhiên, triệu chứng nôn khi ngửi mùi thức ăn ngày càng nặng, kéo dài hơn một tháng chưa hết. Lúc nào anh Hoàng cũng cảm thấy nôn nao như người ốm nghén.
Thấy sức khỏe đi xuống, anh Hoàng đã quyết định đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
"Tôi đi khám, bác sĩ nói hai quả thận đã suy teo và có chỉ định phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần. Nghe thông báo từ bác sĩ, tôi rất bất ngờ, chẳng khác gì sét đánh ngang tai", anh Hoàng nói.
Không tin vào kết quả, anh Hoàng tiếp tục tới Bệnh viện Bạch Mai khám. Tuy nhiên, lần khám thứ 2 tại bệnh viện Bạch Mai vẫn cho kết luận suy thận giai đoạn cuối. Lúc này, anh Hoàng mới tin vào sự thật rằng mình sẽ phải gắn bó với máy chạy thận suốt đời.
Hiện nay, anh Hoàng đi chạy thận 3 lần/tuần và cảm thấy sức khỏe ổn định hơn. Anh đã ăn uống được trở lại, không còn nôn khi ngửi mùi thức ăn.
"Giờ phải gắn bó cuộc sống với chiếc máy chạy thận, tôi mới thấy quý sức khỏe. Không khỏe mạnh thì chẳng làm được gì. Tôi cảm thấy hối tiếc vì những tháng ngày tuổi trẻ đã không biết giữ gìn sức khỏe", anh Hoàng nói.
Anh Hoàng hiện nay chỉ ở nhà giúp đỡ vợ làm việc nhà, nấu cơm cho vợ con đi làm, đi học. Anh Hoàng nói: "Sức khỏe giờ không cho phép, tôi chỉ làm được vậy thôi".
Qua câu chuyện của mình, anh Hoàng cũng nhắn nhủ với mọi người hãy quan tâm tới sức khỏe của mình hơn.
"Sau này khi chạy thận, tôi mới biết mình bị tăng huyết áp nhưng không được điều trị. Bác sĩ có giải thích tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy thận. Tôi ước giá như đi khám sức khỏe sớm hơn thì tôi không phải chạy thận khi mới 36 tuổi", anh Hoàng tâm sự.
Mối quan hệ giữa tăng huyết áp và bệnh thận
Theo bác sĩ Trần Văn Thụ, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, những người bị tăng huyết áp nguyên phát nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây biến chứng ở thận.
Huyết áp tăng tạo ra lực lớn khiến các mạch máu bị giãn, tăng lượng máu lưu thông, hệ thống mạch máu yếu dần, trong đó có mạch máu ở thận. Các mạch máu xung quanh dần bị xơ cứng, từ đó làm suy giảm chức năng thận, gây bệnh. Đồng thời, khi huyết áp cao kéo dài sẽ làm tăng áp lực ở cầu thận khiến thận làm việc vất vả hơn, dẫn đến suy thận.
Những người huyết áp tăng nhẹ thường không có biểu hiện rõ ràng. Khi huyết áp tăng cao thường thấy đau đầu, chóng mặt, đôi khi thấy có cảm giác buồn nôn.
Bác sĩ Thụ cho hay bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm sẽ không có triệu chứng rõ ràng. Khi bệnh tiến triển sẽ có các triệu chứng như:
- Phù ở chân, tay hoặc toàn thân.
- Bụng to, chướng, tích dịch gây đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, chèn ép khiến người bệnh khó thở.
- Chán ăn, ăn không ngon, sụt cân bất thường, buồn nôn, nôn ói.
- Da sạm hoặc xanh xao, khô da, ngứa.
- Tăng huyết áp, đau đầu, đau tức ngực, khó thở khi tim mạch hay phổi bị tác động.
- Người mệt mỏi, mỏi cơ, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung.
- Tiểu ít, bí tiểu, nước tiểu chứa đạm cao, nước tiểu đục, nhiều bọt, nước tiểu lẫn mủ.
Để phát hiện bệnh thận sớm, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ kiểm tra chức năng thận. Người được chẩn đoán mắc tăng huyết áp cần được kiểm soát đề phòng suy thận.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.