Quá trình này khiến ông nhận ra rằng: “Được sống mỗi ngày đều thật quý giá. Không có gì nhẹ nhõm hơn là đi một quãng đường dài trở về nhà sau khi nhận kết quả chụp PET CT ‘sạch sẽ’.”
Choudhary là một nhà phát triển bất động sản và vợ là giáo viên đã nghỉ hưu. Lần đầu tiên ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư miệng vào năm 2005. Trong vòng 13 năm sau đó, các khối u cứ không ngừng quay trở lại tổng cộng 5 lần. Trước đây, ông từng có thời gian hút thuốc khá dài và thời điểm mắc bệnh ung thư là sau 7 năm bỏ thuốc lá.
Nhiều cuộc phẫu thuật để loại bỏ các mô ung thư đã khiến Choudhary phải cắt bỏ nửa lưỡi, không còn hàm bên trái và không có cằm. Ông phải đeo một chiếc mặt nạ che đi khuôn mặt được tái tạo bằng phẫu thuật của mình; đặt một cái ống trong mũi để duy trì hoạt động ăn uống hàng ngày. Ông cũng phải mang theo sổ tay và bút đi khắp nơi để giao tiếp. Vợ ông là bà Ganga thì có thể hiểu những âm thanh mà chồng mình tạo ra từ cổ họng, tiếng vỗ tay và ý nghĩa của các dấu hiệu tay cơ bản.
Nhớ vậy quãng thời gian vừa qua, ông Choudhary cho biết: “Mọi thứ bắt đầu với một vết đen nhỏ trên lưỡi. Tôi đã bôi thuốc kháng viêm lên nó trong vài ngày nhưng vết đen vẫn ngày càng to ra và bắt đầu chảy máu một cách bất thường. Khi đó, tôi mới tới bệnh viện để kiểm tra. Hóa ra đó là một dấu hiệu của khối u ác tính.”
Ảnh: indiatimes
Sau khi được phẫu thuật vào năm 2005 (phải cắt bỏ một nửa lưỡi), Choudhary đã chuyển đến trang trại của gia đình ở Bikaner để tránh xa tình trạng ô nhiễm tại Delhi. 2 năm sau đó, căn bệnh không có dấu hiệu tái phát nào.
Tuy nhiên, tới năm 2007, trong một lần tái khám, các bác sĩ đã phát hiện một khối u trên amidan bên phải của ông.
“Đó có lẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất đối với chúng tôi”, bà Ganga - vợ của ông, cho biết. “Tôi đã buộc mình phải tiếp tục dũng cảm. Nếu không, làm sao tôi có thể mong đợi ông ấy cũng dũng cảm vượt qua?”
Năm 2010, Choudhary phát triển một căn bệnh ung thư nguyên phát mới ở amidan bên phải. Lần này, ông được điều trị bằng đồng thời 2 phương pháp xạ trị và hóa trị, một phác đồ điều trị tiêu chuẩn cho bệnh ung thư đầu và cổ. Xạ trị sẽ khiến Choudhary quay cuồng với những tác dụng phụ gây đau đớn như những vết lở loét bên trong miệng, cảm giác nóng rát khi nuốt, da cổ bị sạm và bong tróc, mất tuyến nước bọt khiến miệng khô khốc, khó nuốt, khó ăn…
Vượt qua giai đoạn này khiến Choudhary càng trân trọng giá trị cuộc sống. Khi cơ thể khỏe mạnh hơn, ông bắt đầu đi du lịch rất nhiều nơi.
Từ đó, ông có một sở thích mới. Ông tham gia các chuyến đi bè trên sông với những người bạn thời thơ ấu của mình, sau đó là vợ mình.
“Mỗi lần chụp PET-CT ‘sạch sẽ’, ông ấy đều hân hoan tự thưởng ngay một chuyến đi dài. Chúng tôi đã khám phá rất nhiều nơi của đất nước. Sắp tới, có thể hai vợ chồng tôi sẽ đi du lịch đến London, Dubai và Thái Lan,” Ganga cho biết.
Thấy cha mình thích du lịch, con trai của Choudhary đã tặng ông một chiếc ô tô nhân dịp sinh nhật. Cặp đôi đã sử dụng chiếc ô tô này để đi khắp nơi, với hành trang mang theo là chiếc máy xay thực phẩm vì Choudhary chỉ có thể ăn chất lỏng và chất bán rắn.
Gia đình ông thường lái xe đi du lịch để tận hưởng cuộc sống. Ảnh minh họa: Internet
Bốn năm sau, vào năm 2014, căn bệnh ung thư lại ập đến, lần này là ở hàm trái của ông. Các bác sĩ đã loại bỏ xương hàm bên trái và tái tạo một vạt bằng cách sử dụng mô từ chân của Choudhary. Đồng thời, ông tiến hành xạ trị lần thứ ba.
Sau đó, căn bệnh ung thư tiếp tục tái phát thêm 2 lần nữa vào năm 2017 và 2018. Trong thời gian này, chiếc cằm của Choudhary phải cắt bỏ và ông được tiến hành thêm hóa trị.
“Trước đó, vào năm 2017, điều kiện thể chất của ông ấy đã không thể chịu đựng được hóa trị. Ông ấy bị táo bón, sụt cân, hay ngất xỉu và rụng tóc”, Ganga nói. Sau khi loại bỏ vùng cằm, một khối u ác khác xuất hiện xung quanh khu vực đó. “Đây là lần thứ sáu và chồng tôi thậm chí từng quyết định sẽ không điều trị nữa. Chúng tôi đã nghĩ rằng đó là cuối con đường. Giai đoạn này đúng là trải nghiệm dằn vặt với cả gia đình tôi.”
“Nhưng bằng cách nào đó, bác sĩ đã thuyết phục được ông ấy tiến hành phẫu thuật. Nếu không làm vậy thì ông ấy sẽ phải chịu những cơn đau dữ dội”, Ganga nói.
Tiến sĩ Dinesh Singh, bác sĩ của Choudhary đồng thời là Giám đốc Khoa ung thư bức xạ tại Bệnh viện Max Super Specialty, Vaishali cho biết, nhiều lần xạ trị cho cùng một bệnh nhân là một thách thức lớn. “Việc xạ trị tới lần thứ 2 trong cùng một khu vực vốn đã khó vì nó làm tổn thương các mô xung quanh. Ông Choudhary lại phải làm nhiều lần liên tục.”
Xạ trị ung thư vùng đầu và cổ thường để lại các tác dụng phụ, ảnh hưởng phần nào tới cuộc sống của bệnh nhân. Ảnh minh họa: Internet
Cuộc phẫu thuật đã thành công và Choudhary có lẽ là một trong số ít người trên thế giới đã đánh bại bệnh ung thư sáu lần. Những trải nghiệm không mong muốn về bệnh tật khiến ông dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân.
Ngoài việc lái xe đi du lịch đó đây, ông còn chăm sóc khu vườn của mình, thường xuyên xem tin tức, cricket và các chương trình hài trên TV.
“Tôi hạnh phúc vì ít nhất ông ấy vẫn còn ở đây. Cảm ơn trời đất”, vợ của ông diễn tả cảm xúc trong sự xúc động.
*Theo Times Of India