Trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên trên khắp châu Âu tăng phi mã gấp 4 lần trong năm nay, người tiêu dùng bắt đầu chuyển sang tích trữ củi như một biện pháp sưởi ấm thay thế. Nhu cầu tăng cao đột biến được ghi nhận ở một số khu vực trên khắp EU.
Tại Đức, nơi gần một nửa các hộ gia đình vốn sưởi ấm bằng khí đốt, củi đang trở thành mặt hàng được săn đón hơn bao giờ hết. Các cửa hàng bán củi cho biết nguồn cung thậm chí không đủ để đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Nhiều vụ trộm cắp củi đốt cũng được ghi nhận.
Theo một công ty quản lý khai thác gỗ tại Latvia, lượng gỗ dư thừa từ hoạt động chặt cây mà người dân có thể sử dụng sẽ giảm trong thời gian tới. Việc ngày càng nhiều người tìm cách chuyển sang hệ thống sưởi và nấu ăn bằng củi đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt tạm thời trên thị trường.
Tại Hà Lan, người tiêu dùng bắt đầu rục rích tích củi gỗ từ sớm dù tháng mùa đông chưa bắt đầu. Giá mặt hàng này theo đó tăng vọt, đặc biệt là tại Bỉ.
Tại Đan Mạch, một doanh nghiệp sản xuất máy sưởi tại địa phương chia sẻ với tờ RT rằng, lợi nhuận năm nay tăng cao kỷ lục, chạm mốc 2 triệu Euro - một con số quá lớn trong bối cảnh căng thẳng lạm phát và địa chính trị không ngừng leo thang.
Ngay cả Hungary, quốc gia không ủng hộ quyết định loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga và đồng ý mua thêm khí đốt mới của Moscow vào mùa hè này, cũng đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn. Nước này vừa tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu củi, đồng thời nới lỏng một số hạn chế đối với việc khai thác gỗ. Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới Hungary sau đó đã bày tỏ quan ngại về vấn đề này: “Chưa có một tiền lệ nào đối với một quyết định như vậy”.
Theo các chuyên gia, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine không phải là lý do duy nhất dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng. Việc tăng giá đã từng xảy ra vào năm 2021.
“Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19, biến đổi khí hậu cực đoan và khủng hoảng năng lượng từ Trung Quốc đã khiến nhu cầu đối với khí hóa lỏng LNG tăng vọt trên khắp thế giới”, Giáo sư Phoebe Koundouri, Giám đốc phòng thí nghiệm Nghiên cứu Kinh tế, Xã hội và Môi trường bền vững tại Đại học Athens cho biết.
Đốt củi lấy năng lượng không phải điều mới mẻ tại EU. Mười năm về trước, đây thậm chí còn được coi như một cách để hoàn thành các mục tiêu về môi trường của khối. Năm 2009, EU đã công bố bản Chỉ thị Năng lượng Tái tạo (RED), một loại văn bản quy định mức độ sử dụng năng lượng tái tạo trong khối Liên minh EU.
Theo đó, các nguồn năng lượng tái tạo bao gồm các nguồn năng lượng không hóa thạch, chẳng hạn như gió, mặt trời, địa nhiệt, sóng, thủy triều, thủy điện, sinh khối… Nhiên liệu sinh khối hay còn thường được biết đến với cái tên Biomass, là loại vật liệu sinh học có nguồn gốc từ sinh vật, thực vật như phế phẩm từ nông nghiệp, lâm nghiệp (rơm, bã cây, lá khô, vụn gỗ, giấy vụn,... ).
Theo dữ liệu do Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên đưa ra vào năm 2019, các quốc gia châu Âu đang chi 7 tỷ USD mỗi năm để trợ cấp cho việc đốt củi để lấy điện hoặc nhiệt.
EU là thị trường viên nén gỗ lớn nhất thế giới khi tiêu thụ 23,1 triệu tấn vào năm 2021. Tuy nhiên, kỷ lục này được cho là sẽ bị phá vỡ trong năm nay, theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
“Vào năm 2022, nhu cầu của EU dự kiến sẽ là 24,3 tấn viên nén gỗ, chủ yếu nhờ mở rộng thị trường ở Đức và Pháp và được thúc đẩy bởi các chương trình hỗ trợ lắp đặt hệ thống sưởi bằng sinh khối và giá nhiên liệu hóa thạch cao", báo cáo cho biết. “Nhu cầu tăng đáng kể so với sản xuất trong nước trong 10 năm qua và điều này khiến EU phải tăng nhập khẩu từ Nga, Mỹ, Belarus và Ukraine”.
Do xung đột Nga-Ukraine, Mỹ trở thành nhà cung cấp quan trọng. Theo báo cáo của Wall Street Journal, tổng lượng xuất khẩu của Mỹ đã tăng đều đặn trong thập kỷ qua và chạm mốc kỷ lục hơn 7,4 triệu tấn viên nén gỗ.
Được biết Liên minh Châu Âu đã và đang đầu tư rất nhiều tiền của, nhân lực và trí tuệ để cải thiện chất lượng của môi trường, theo Giáo sư Aleksandar Djikic từ Trường Đại học Kinh doanh Quốc tế Mitrovica. Vào tháng 7, Nghị viện Châu Âu cũng đã ủng hộ đề xuất công nhận điện hạt nhân và khí đốt là các khoản đầu tư thân thiện với môi trường.
“Các chính phủ cần phải suy nghĩ và xem xét lại những gì có thể làm vì lợi ích người dân. Đối thoại là cách duy nhất để tìm ra lối thoát”, Giáo sư Koundouri kết luận.
Theo: RT, WSJ
Lạ lùng 'khách sạn lợn' cao hàng chục tầng ở Trung Quốc