Xã hội

Người bỏ rơi bé gái sơ sinh trong rừng có bị xử hình sự không?

Sự kiện: Tin nóng

Như PLO đã đưa tin, ngày 10-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) cho biết đã ra quyết định truy tìm lai lịch bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong khu rừng ở xã Quế Mỹ (huyện Quế Sơn).

Trước đó, khoảng 9 giờ sáng 6-11, người dân đi làm rừng ở khu vực thôn 7 (xã Quế Mỹ) bất ngờ phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi trong một thùng carton, trên người không một mảnh vải che thân. Bé sơ sinh có đặc điểm nhận dạng: giới tính nữ, cao 55cm, cân nặng 3,2 kg, độ tuổi khoảng 3-5 ngày.

Lúc phát hiện, nhiều vùng trên cơ thể bé đã hoại tử, cơ thể tím tái. Sau đó, cháu bé được đưa đến Trạm Y tế xã Quế Mỹ và được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Quế Sơn cấp cứu.

Tại đây, các bác sĩ xác định bé có dấu hiệu suy hô hấp nên đã quyết định đưa đến Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng tiếp tục điều trị. Sau hai ngày điều trị, dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng bé không qua khỏi.

Rất nhiều bạn đọc bày tỏ sự tiếc thương và thắc mắc rằng người bỏ rơi cháu bé trong vụ việc này có phải chịu trách nhiệm gì hay không?

Trao đổi với PV, TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật Hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho biết ông rất đau lòng khi đọc được thông tin này.

Với những thông tin ban đầu có được, theo TS Tuấn, nếu CQĐT xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể có các khả năng sau đây:

(1) Nếu người mẹ sinh ra bé gái và vứt bỏ con của mình thì có thể bị xử lý về tội vứt bỏ con mới đẻ, theo khoản 2 Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS). Theo đó, mức hình phạt cao nhất là hai năm tù.

(2) Nếu người vứt bỏ bé gái không phải là người mẹ sinh ra bé gái thì có thể bị xử lý về tội giết người, theo Điều 123 BLHS. Trong trường hợp này, không thể xử lý hình sự về tội vứt bỏ con mới đẻ – vì chủ thể của tội phạm này là người mẹ bỏ con do mình đẻ ra.

“Về mặt lý luận, giữa tội vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124 BLHS) và tội giết người (Điều 123 BLHS) có mối quan hệ giữa cấu thành tội phạm riêng và cấu thành tội phạm chung. Do đó, khi hành vi phạm tội không thỏa mãn dấu hiệu của cấu thành tội phạm riêng (không thỏa mãn dấu hiệu chủ thể là người mẹ sinh ra đứa bé) thì xử lý hình sự về cấu thành tội phạm chung (tội giết người)” – TS Phan Anh Tuấn nêu quan điểm.

Điều 124. Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ

1. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Bộ luật Hình sự 2015

Chia sẻ
Theo Minh Chung (Pháp luật TPHCM)

Các tin khác

Chứng khoán lao dốc

Áp lực bán ngày càng mạnh khiến VN-Index mất hơn 10 điểm, nối dài mạch giảm phiên thứ tư liên tiếp và tiệm cận vùng tâm lý 1.300 điểm.

Giá vàng tiếp tục tăng

Sáng nay (26/3), giá vàng trong nước tiếp tục duy trì đà tăng ngày thứ 2 liên tiếp. Theo đó, giá vàng SJC tiến sát mốc 98 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn gần 99 triệu đồng/lượng.

Tiền vào chứng khoán giảm mạnh

Nhà đầu tư thận trọng trước áp lực chốt lời ở nhóm ngân hàng và bất động sản khiến thanh khoản sàn TP HCM giảm mạnh, đứt mạch hơn 20.000 tỷ đồng mỗi phiên.

Phát triển bền vững là tấm khiên cho doanh nghiệp trước môi trường kinh tế biến động

Nền kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn đầy khó khăn, khi nhiều dấu hiệu cho thấy sắp có một cuộc suy thoái toàn cầu giống như giai đoạn 2008 – 2009. Phát triển bền vững (ESG) được cho là tấm khiên giúp các doanh nghiệp chống chọi lại thị trường đang đầy biến động. Các doanh nghiệp toàn cầu là những đơn vị nhanh nhạy với xu hướng này hơn hết.