Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa nội tiết - Bệnh viện Nội tiết trung ương
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa nội tiết - Bệnh viện Nội tiết trung ương, cho biết để điều trị một bệnh nhân đái tháo đường cần kết hợp giữa hai phần. Phần 1 là thay đổi chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện và lối sống. Phần 2 là kết hợp sử dụng thuốc nếu việc thay đổi chế độ ăn, chế độ sinh hoạt và tập luyện là không đủ.
Cũng theo bác sĩ Tuấn, hiện nay để điều trị bệnh nhân đái tháo đường cần có 1 ekip bao gồm 1 bác sĩ lâm sàng, 1 dược sĩ, 1 chuyên gia về tư vấn dinh dưỡng và 1 chuyên gia về tư vấn tập luyện tập. Đây là phương pháp điều trị cá thể hóa, tức là mỗi bệnh nhân mỗi cách điều trị khác nhau.
* Người bệnh đái tháo đường cần có chế độ ăn như thế nào để cải thiện sức khỏe, thưa bác sĩ?
- Dinh dưỡng là một phần rất quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường. Dinh dưỡng cho người đái tháo đường sẽ gồm 3 phần: gluxit, lipit và protein. 3 phần này phải được cân đối một cách hợp lý để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho sinh hoạt một ngày của bệnh nhân mà không khiến bệnh nhân tăng cân.
Bên cạnh đó, nên ăn những thực phẩm có hàm lượng đường thấp như bánh mì đen, gạo lứt, khoai củ, rau xanh... Tránh những thực phẩm có hàm lượng đường cao như khoai lang nướng, mứt, bánh kẹo và nước ngọt, đặc biệt là nước hoa quả. Nếu muốn ăn hoa quả thì nên ăn cả miếng, tránh xay hoặc ép lấy nước vì những thực phẩm này có hàm lượng đường cao sẽ khiến đường huyết sau ăn tăng lên đáng kể.
* Hiện nay trên thị trường bán nhiều nước ngọt, nước có gas gắn nhãn mác "không đường". Bệnh nhân đái tháo đường có thể uống những loại này không?
- Trên thị trường hiện nay có một vài sản phẩm ghi hàm lượng đường thấp dành cho người đái tháo đường như sữa, nước ngọt... Tuy nhiên đôi khi thành phần thực tế không giống như quảng cáo, bệnh nhân sau khi sử dụng đường huyết có thể tăng rất cao, vì vậy người bệnh nên trao đổi thành phần trước với bác sĩ điều trị của mình để tránh những rủi ro không đáng có.
* Ngoài chế độ ăn hợp lý, việc luyện tập thể dục thể thao đối người bị đái tháo đường rất quan trọng. Họ nên luyện tập những môn thể dục thể thao nào?
- Trước khi tư vấn chế độ luyện tập cho bệnh nhân đái tháo đường, bác sĩ cần biết về các bệnh lý đi kèm và chống chỉ định không được tập luyện với những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch, suy tim.
Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, bệnh nhân nên tập luyện tối thiểu 3 ngày/tuần (tương đương 150 phút/ tuần) và tối đa 5 - 7 ngày/tuần. Cường độ luyện tập nên từ thông thường đến nặng. Môn thể thao được khuyến cáo là đi bộ và đi bộ nhanh. Bệnh nhân cũng có thể chơi những môn có tính đối kháng như bóng đá, bóng rổ...
Một điều cần lưu ý là khi đường huyết quá cao hoặc quá thấp thì nên tránh những môn thể thao mạnh mang tính chất đối kháng.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân có thể trạng béo phì đi kèm với thoái hóa khớp được chống chỉ định hạn chế đi bộ, thay vào đó bệnh nhân có thể bơi hoặc đi bộ nhanh dưới nước vì khi hoạt động dưới nước trọng lượng cơ thể giảm đi đáng kể, tránh tổn thương các khớp.
Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... mời gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.