Vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh tại SEA Games 32
“Cô gái vàng” điền kinh Việt Nam
Chỉ trong 2 ngày thi đấu tại SEA Games 32, vận động viên (VĐV) Nguyễn Thị Oanh (28 tuổi, ở xã Mỹ Hà, Lạng Giang, Bắc Giang) đã đem về 3 huy chương vàng (HCV) cho điền kinh Việt Nam. Đáng chú ý, Nguyễn Thị Oanh đã giành 2 HCV liên tiếp chỉ trong 20 phút ở hai nội dung 1.500m nữ và 3.000m nữ vượt chướng ngại vật chiều 9/5 đã. Thành tích này khiến cả Đông Nam Á phải ngả mũ thán phục. Hàng triệu người dân Việt Nam đều cảm thấy tự hào khi dõi theo từng bước chạy hái ra "vàng" tại SEA Games 32 của cô gái có ngoại hình nhỏ nhắn, chiều cao khiêm tốn chỉ 1m50.
VĐV Nguyễn Thị Oanh sinh ra tại Bắc Giang trong một gia đình thuần nông có 8 anh chị em, cô là con thứ 7. Tài năng của cô được phát hiện qua các cuộc thi thể thao học đường. Năm 15 tuổi, Oanh được triệu tập vào đội tuyển điền kinh Bắc Giang, 2 năm sau cô lên tập trung đội tuyển quốc gia dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Trần Văn Sỹ.
Ngày 10/5, phóng viên đã tìm về xã Mỹ Hà, Lạng Giang (Bắc Giang) để gặp gỡ bố mẹ của VĐV Nguyễn Thị Oanh là ông Nguyễn Văn Chuyền (67 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hưởng (68 tuổi).
Trong căn nhà cấp 4 đã ngả màu, tài sản đáng giá nhất là hàng chục tấm huy chương lớn nhỏ được đóng trong tủ kính treo lên tường và vô số bằng khen của Oanh đã đạt được từ các giải đấu diễn ra ở trong nước, khu vực và quốc tế.
Bà Hưởng kể, từ năm lớp 6, Oanh bắt đầu bộc lộ đam mê với điền kinh. Hằng ngày, mỗi buổi sáng Oanh cùng chị gái luyện tập chạy quanh xóm.
“Trong nhà có chị gái và Oanh gắn bó với môn điền kinh. Chị Oanh chỉ tham gia giải chạy của xã và huyện, còn Oanh thì có những bước tiến xa hơn”, bà Hưởng nói.
Gia đình làm nông nghiệp lại đông người nên Oanh phải tự lập từ rất sớm. Oanh luôn nhận thức được bản thân phải luôn cố gắng theo đuổi đam mê để không phụ lòng bố mẹ. Ban đầu, khi Oanh theo đuổi đam mê thể thao cũng vấp phải sự phản đối của gia đình. Nhưng do ý chí quyết tâm Oanh và nhận thấy con gái có năng khiếu nên bố mẹ đành ủng hộ con.
Đến cuối năm lớp 9, Nguyễn Thị Oanh bắt đầu nhận được sự chú ý bởi những thành công ở các giải phong trào. Sau đó, Oanh được tuyển lên đội năng khiếu Thể dục Thể thao Bắc Giang để theo học bộ môn điền kinh.
Chưa đầy 5 năm sau, Nguyễn Thị Oanh đã đáp lại sự tin tưởng, ủng hộ đó của người thân với những thành tích đỉnh cao. Từ giải vô địch quốc gia đến khu vực hay quốc tế, Nguyễn Thị Oanh liên tục vượt qua giới hạn của bản thân để thiết lập những thành tích đáng ngưỡng mộ.
“Tính đến thời điểm này, con gái tôi đã giành 11 HCV và 1 huy chương bạc ở các kỳ SEA Games”, bà Hưởng tự hào.
“Theo dõi con chạy tôi rất hồi hộp và lo lắng”
Bà Hưởng nói, con gái thi đấu quốc tế thành công, mang vinh quang về cho đất nước là điều gia đình bà luôn tự hào. Mỗi lần con thi đấu, nếu không đi xem trực tiếp được, vợ chồng bà lại ngồi trước màn hình tivi để theo dõi và cổ vũ cho con. Niềm vui mừng của hai vợ chồng bà Hưởng khó diễn tả khi con gái liên tiếp giành 2 huy chương vàng ở nội dung 1.500m nữ và 3.000m nữ tại SEA Games 32.
“Hôm qua tôi rất vui mừng, hãnh diện khi con giành chiến thắng. Đặc biệt lúc con cầm lá cờ Việt Nam giương cao, tôi càng tự hào hơn. Hai huy chương vàng của con là niềm vui, hạnh phúc của gia đình. Từ hôm qua đến nay, có rất nhiều người thân gọi điện, hỏi thăm chúc mừng gia đình. Cách đây 2 ngày, khi con giành được 1 huy chương vàng đầu tiên tại kỳ SEA Games 32, con cũng gọi về cho bố mẹ. Vợ chồng tôi động viên con bình tĩnh, cố gắng thi đấu thật tốt”, bà Hưởng phấn khởi chia sẻ.
Theo bà Hưởng, khi theo dõi con thi đấu vợ chồng bà cũng rất lo lắng cho sức khoẻ của con gái. Đặc biệt, lịch thi đấu ở hai nội dung thay đổi chỉ cách nhau ít phút. Oanh không được nghỉ ngơi khiến bà càng lo lắng hơn.
“Lúc theo dõi con chạy tôi rất hồi hộp, lo lắng và thương con, chỉ sợ con đang chạy bị kiệt sức lại ngất ngang đường như ở kỳ SEA Games 2019”, bà Hưởng nói. Bà cho biết thêm, sau cuộc thi, con gái bà chưa gọi điện về nhà vì bận tập luyện. Bà cũng muốn con tập trung nên chỉ nhắn vài dòng trên Facebook “Chúc mừng gái yêu”.
“Mọi người nghĩ con thành công như vậy sẽ mang nhiều tiền về cho chúng tôi, nhưng thực tế không phải như vậy. Lương của con không cao, chỉ đủ cho con sinh hoạt. Còn mỗi khi đạt giải, khi nào về nhà con cũng cho chúng tôi tiền, cao nhất là 10 triệu đồng”, Bà Hưởng cười nói
Suýt từ bỏ đam mê vì bệnh tật
Thành công là vậy nhưng ít ai biết rằng, Nguyễn Thị Oanh từng suýt phải từ bỏ đam mê vì bệnh tật. Bà Hưởng cho biết, vào năm 2014, khi đang tập luyện Oanh phải rời đội vì bị bệnh viêm cầu thận. Tưởng như con đã phải từ giã sự nghiệp. Khi đó Oanh bị sưng phù hết từ cổ đến mặt, phải nhập viện điều trị, sau đó phải dừng tập hoàn toàn, kiêng ăn dầu mỡ, gia vị mặn nên bị thiếu i ốt dẫn đến teo cơ. Vì bị bệnh, Oanh từng có thời gian trầm cảm, tự ti và ngại tiếp xúc với mọi người.
“Tôi bỏ hết công việc đồng áng để xuống bệnh viện chăm sóc cho con. Nhìn con lúc đó suy sụp tôi xót lắm, chỉ muốn con được khoẻ mạnh thôi. Sau 6 tháng điều trị, con đã cố gắng tập luyện trở lại và đến bây giờ thì chúng tôi rất tự hào về con”, bà Hưởng nói.
Bà Hưởng tiếp lời, do cuộc sống đông con nên gia đình bà cũng rất vất vả. Hiện tại, vợ chồng bà đã có 14 cháu. Mong ước của Oanh từ lâu là xây dựng lại cho bố mẹ căn nhà khoang trang hơn, bởi gia đình đông anh chị em, mỗi dịp Tết đến xuân về mọi người quây quần phải ngồi cả ra sân mới đủ để ăn cơm được.
“Nhà tôi 7 cô con gái, 1 cậu con trai. Để nuôi được các con trưởng thành chúng tôi cũng phải làm lụng đủ nghề, đi làm thuê làm mướn nuôi các con ăn học. Giờ 6 đứa con đã lập gia đình, chỉ còn Oanh và cậu con út lập gia đình nữa là trọn vẹn”, bà Hưởng bày tỏ. Thị Oanh.