"Chỉ sau 28 ngày em biến thành con gái", Tiên, nhân viên pha chế của một nhà hàng tại phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói.
Huỳnh Tiên kể mới nhận ra mình là người chuyển giới trước đó hai năm nhưng khao khát "làm một người con gái hoàn chỉnh" đã đưa cô đến phòng mổ.
Nhưng Tiên nhận ra làm con gái khá nhiều phiền phức. Cô phải làm quen với việc tự nhiên có những bộ phận nữ sau 20 năm sống với cơ thể nam giới. Mỗi ngày cô mất khoảng một tiếng để chăm sóc các bộ phận mới. Đam mê chạy bộ, song vòng một trở thành thứ vướng víu. Mỗi lần chạy cô mất 15 phút để bó ngực dù vậy vẫn có cảm giác mất an toàn.
Thủy Tiên, 22 tuổi, quê Hải Dương cũng là một người chuyển giới từ nam sang nữ, may mắn hơn một chút. Ngay sau phẫu thuật tạo hình ngực, cô đã lên lịch sang Thái Lan định giải phẫu cơ quan sinh dục để là con gái hoàn toàn nhưng một cuộc nói chuyện đã giúp cô tỉnh ngộ.
"Chị làm chỗ đấy có thấy ổn không?", Thủy Tiên hỏi Trương Kim Kim, người đã tạo hình vòng một năm 2016. Cô nghĩ người bạn luôn tự tin, xinh đẹp chắc đã phẫu thuật toàn bộ.
Nhưng Kim cho biết bản thân cảm thấy không cần thiết phải giải phẫu vẫn có người đàn ông yêu thương và cuộc sống hạnh phúc. Tương lai cô cũng sẽ không sửa để được công nhận là con gái, hoặc cho là hoàn hảo để lấy chồng.
Thủy Tiên đã hủy chuyến sang Thái Lan sau đó.
Thủy Tiên, Huỳnh Tiên là hai trong khoảng 480.000 người chuyển giới Việt Nam, theo ước tính của Bộ Y tế. Thuật ngữ này chỉ những người có bản dạng giới khác với giới tính được ấn định khi sinh ra.
Ngô Hoàng Ngọc Hiệp, cán bộ nghiên cứu của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE - tổ chức phi chính phủ Việt Nam làm việc vì quyền của các nhóm thiểu số trong xã hội) cho biết nhiều người chuyển giới đang có ngộ nhận phải phẫu thuật. Trên thực tế luật pháp các nước công nhận một cá nhân là chuyển giới, bất kể họ chưa, đã hay đang trải qua quá trình này.
Ngộ nhận này đầu tiên do nhu cầu được sống với cơ thể mong muốn nếu không có thể tạo ra cảm giác "bức bối giới", dẫn đến các căng thẳng tâm lý. Bức bối giới xuất hiện ở 94% số người chuyển giới nam sang nữ, 68% người chuyển giới nữ sang nam, theo nghiên cứu "Hiện trạng trải nghiệm y tế và nhu cầu chuyển đổi giới tính của người chuyển giới Việt Nam" của iSEE.
Nghiên cứu cho biết, 88% chuyển giới nam và 38% chuyển giới nữ dự kiến phẫu thuật ngực, 53% chuyển giới nữ sang nam muốn cắt bỏ tử cung; 15% chuyển giới nữ dự định cắt tinh hoàn. Các nhà nghiên cứu cũng tìm ra cảm nhận về sự không phù hợp giữa giới tính mong muốn và cơ thể (89%) hoặc không thoải mái tự tin trong cơ thể (66%) là nguyên nhân phổ biến nhất cho suy nghĩ đi phẫu thuật chuyển giới.
Với nhiều người, bức bối này mạnh đến mức trở thành nỗi ám ảnh, khiến họ chối bỏ bản thân và khát khao giải phóng mình. Trong nghiên cứu, Khởi, hiện 57 tuổi ở Sài Gòn, cho biết ngay từ nhỏ đã luôn nghĩ mình là con trai. Từ những năm 1990, Khởi đã khát khao được can thiệp y tế để trở thành đàn ông. Ba lần Khởi dẫn đầu nhóm người chuyển giới gửi mong muốn lên Bộ Y tế nhưng không thành và không thể phẫu thuật.
Năm 30 tuổi, Khởi liên hệ một y tá tiêm hormone cho nhóm mình. Tháng 8/2017, ở tuổi 51, Khởi cắt bỏ vòng một tại một bệnh viện công ở TP HCM với chi phí 40 triệu đồng. Sau 30 năm bó ngực, anh tràn trề mộng tưởng về một tương lai được mặc áo thun. Nhưng khi tháo băng, ngực của Khởi vẫn tiếp tục tích mỡ.
"Nó hỏng hoàn toàn. Nhưng thất bại, bắt đền ai? Mà sửa lại cho hoàn chỉnh cần nhiều tiền", Khởi nói.
Trương Kim Kim cho biết khi tham gia cuộc thi Hoa hậu chuyển giới Việt Nam đã chứng kiến không ít thí sinh lên bàn giải phẫu ngay trước cuộc thi vài tuần, khiến cơ thể yếu, dù cuộc thi ở Việt Nam hay trên thế giới hiện nay không bắt buộc làm điều này.
"Hạnh phúc của người chuyển giới là có hình hài được nữ tính, còn bộ phận sinh dục chỉ quyết định một phần nào riêng tư của đời họ. Không cuộc thi nào bắt thí sinh phải phẫu thuật hoàn toàn mới được thi, nhưng lại đang có nhiều người làm vậy", Kim nói.
Những kỳ vọng, định kiến lên người chuyển giới trong cuộc sống hàng ngày cũng tạo áp lực khiến họ thay đổi ngoại hình, ăn mặc, thậm chí phẫu thuật. '"Nếu em làm hết thì đẹp lắm nhỉ?', rất nhiều người trong cộng đồng chuyển giới đã nhận được câu hỏi này. Một số người tưởng mình đang được khen, vì thế càng cố gắng hiện thực hóa bằng các can thiệp y tế", Thủy Tiên chia sẻ.
Giáo sư Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Bạch Mai, chuyên gia đầu ngành phẫu thuật tạo hình Việt Nam, cho biết người chuyển giới thường thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hoặc tạo hình ngực, cắt bỏ âm hộ hoặc dương vật. Số ít người thực hiện phẫu thuật tạo hình cơ quan sinh dục.
"Những người chuyển giới đi đến tận cùng rất ít. Lý do vì sợ rủi ro sức khỏe, đồng thời đây là kỹ thuật rất khó và kinh phí lớn", giáo sư Sơn nói.
Trên thực tế chuyên gia này nhận thấy những người "làm đến cùng" thường không hài lòng với cơ quan sinh dục mới. Đa phần chỉ sống theo bề ngoài mà cảm xúc, tâm lý bị biến đổi. "Không phải ca nào cũng hoàn chỉnh, tỷ lệ biến chứng cao, phải chăm sóc, theo dõi, nhiều khi phải mổ lại, nhất là với những người chuyển giới nam thành nữ. Có những người gặp biến chứng dai dẳng suốt cuộc đời", giáo sư Sơn cho hay.
Chuyên gia khuyên nên điều trị tâm lý trước khi làm, vì đây là phẫu thuật không thể đảo ngược. Đồng thời tham khảo ý kiến người đi trước, để xem cái giá họ bỏ ra có thực sự xứng đáng.
Hiện tại Huỳnh Tiên dự định trong thời gian sớm nhất sẽ làm lại vòng một sang kích cỡ nhỏ hơn, để có thể thoải mái theo đuổi đam mê chạy bộ. "Phẫu thuật xong em mới thấm thía không nhất thiết phải chuyển đổi hết. Nhiều người chỉ muốn sống là mình, chuyển đổi một phần đã đủ", cô nói.
Về phần Thủy Tiên, cô nàng đang hài lòng với cơ thể và quên đi ý định giải phẫu cơ quan sinh dục. Cô đặt mục tiêu, trước năm 30 tuổi nếu vẫn muốn sẽ làm, còn qua tuổi này sẽ không làm nữa để đảm bảo sức khỏe.
Cuộc nói chuyện mùa hè năm ngoái cũng truyền cảm hứng cho Thủy Tiên trở thành một diễn giả. Cô đã có một số buổi nói chuyện tại các trường học và công sở với chủ đề "Cơ thể của chúng ta, quyền lựa chọn của chúng ta".
"Mỗi người chuyển giới đều có quyền quyết định chung sống với cơ thể sinh học, dùng hormone hay phẫu thuật mà không phải chịu tác động của định kiến hay kỳ thị", cô chia sẻ.
Là một người chuyển giới, Ngọc Hiệp chỉ thay đổi kiểu tóc và ăn mặc chứ không phẫu thuật. "Tôi cũng không nghĩ việc phẫu thuật hay không làm cho tôi tăng hoặc bớt là con gái, khi mà bạn bè, người thân và giờ cả người lạ cũng đối xử với tôi như con gái", cô cho hay.