Có cầu thì mới có cung
Doanh nhân Trung Quốc Chu Hồng Y, người đứng đầu công ty bảo mật internet Qihoo 360, từng đề cập trong cuốn tự truyện rằng, ông viết một chương trình khi còn học đại học và dựng một quầy hàng rong ở lối vào rạp chiếu phim dể cung cấp dịch vụ tư vấn tương lai.
Ông tiết lộ công việc làm ăn rất khấm khá nhưng lại nhanh chóng bị đuổi đi. Sự “khởi nghiệp thất bại” này đã tạo nên nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật thông tin, nhưng đồng thời cũng làm mất đi một “nhà tư vấn tương lai”.
Từ xa xưa, sự xuất hiện của những lời dự đoán là do sự tò mò và sợ hãi của con người đối với những điều chưa biết. Số phận của con người thường trải qua những biến cố và các lựa chọn. Do đó, con người có xu hướng tìm đến những điểm tựa để chắc chắn hơn với hướng đi của mình.
Lấy một ví dụ đơn giản, nếu một thanh niên ở Thâm Quyến (Trung Quốc) lựa chọn sai giữa việc mua nhà hay không mua nhà vào năm 2015, anh ta sẽ phải trả thêm hàng triệu NDT vào năm 2020.
Công nghệ đang thay đổi từng ngày, tốc độ chuyển biến của thời đại cũng ngày một tăng. Nhiều người bị kẹt ở ngã ba đường và không thể tìm ra một lối đi phù hợp. Vì vậy, một bộ phận những người trẻ đã chọn tìm đến cách giải quyết vấn đề đó là tìm đến các “nhà tư vấn online”.
Mang dịch vụ chữa lành lên sàn thương mại điện tử
Năm 2003, Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc công bố báo cáo về quan điểm của người dân đối với các hiện tượng chưa thể giải thích. Đối tượng khảo sát bao gồm 30 tỉnh thành trên cả nước. Kết quả cho thấy những người trung niên và cao tuổi thích phong thủy, trong khi những người trẻ tuổi thích tử vi và bài tarot.
Hiện nay, mọi thứ đều có thể được đưa lên sàn thương mại điện tử. Taobao là một trong những nền tảng giao dịch tích cực nhất cho các dịch vụ “tư vấn trực tuyến”.
Leo đã mở một cửa hàng dịch vụ đưa ra lời khuyên trên Taobao. Gian hàng của anh cung cấp các gợi ý phân tích và lựa chọn về các lĩnh vực được quan tâm bao gồm học hành, sự nghiệp và hôn nhân. Doanh thu hàng tháng ít nhất cũng trên 75.000 nhân dân tệ (khoảng 260 triệu đồng). Trong đó, dịch vụ tư vấn Tarot thường có mức phí 30-200 nhân dân tệ (khoảng 100 - 700 nghìn đồng), đây là mức giá mà hầu hết mọi người đều có thể chấp nhận được.
Hầu hết các “nhà tư vấn online” đều đi theo con đường lợi nhuận nhỏ nhưng doanh thu cao, chủ yếu là trò chuyện bằng tin nhắn trên WeChat. Sau khi có được khách hàng, họ sẽ kéo mời khách hàng vào nhóm WeChat để tăng tần suất mua lại.
Đánh giá từ dữ liệu bán hàng của Taobao, hầu hết các cửa hàng liên quan đến tarot đều hoạt động tốt.
Đưa lời khuyên trực tiếp thu về hàng trăm triệu đồng
Từ năm 2020, phát sóng trực tiếp bắt đầu thịnh hành tại Trung Quốc. Hình thức này đã mang lại những thay đổi mới cho cuộc chiến thương mại điện tử. Chương trình phát sóng trực tiếp ngoài việc bán các sản phẩm thông dụng còn được áp dụng vào việc tư vấn tương lai.
Hình thức phổ biến nhất là Tarot, đặc biệt là dịch vụ tình cảm. Một blogger tại Trung Quốc chỉ có hơn 10.000 người hâm mộ nhưng cô ấy kiếm được khoảng 150.000 nhân dân tệ (khoảng 530 triệu đồng) cho các cuộc tư vấn được trả tiền hàng tháng.
Những câu hỏi mà cô thường nhận được xoay quanh các chủ đề như công việc, tình cảm. Khách hàng thường tìm đến cô và nhờ giải quyết các thắc mắc như: "Tại sao cuộc sống lại khó khăn như vậy? Tôi thất vọng vì không tìm ra hướng đi”.
Nhiều người trẻ cho biết, nếu không thể tìm ra cách giải quyết, họ sẽ tìm đến những “nhà tư vấn online” để trò chuyện, xin lời khuyên.
Trên trang cá nhân của nữ blogger này có 2.000 bài đánh giá của người dùng. Các từ khóa chủ yếu là "giọng nói hay", "chia sẻ ấm áp", "chuyên nghiệp", "cái nhìn toàn diện", "chính xác" và "minh bạch"...
Từ những đánh giá này có thể thấy, “tư vấn online” giống như một loại thuốc trấn an và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Về cơ bản, mọi người xin lời khuyên giống như việc có một cuộc trò chuyện trả phí, giải quyết vấn đề cô đơn và thay thế cho tư vấn tâm lý.
Phần kết
Tại sao lời khuyên của “nhà tư vấn online” lại chính xác? Đồng Triết, người sáng lập Đại học Vạn Môn, tin rằng mọi người tin vào các dịch vụ tư vấn kiểu mới này chủ yếu là do 4 nguyên nhân:
Xu hướng may mắn: Những sự kiện trong quá khứ thường không được nhớ rõ ràng. Do đó, nhiều người sẽ có cái nhìn sai lệch và cho rằng lời “tiên đoán” là đúng.
Không thể sai: Những điều dự đoán thường rất mơ hồ hoặc mất nhiều thời gian để trở thành sự thật. Các thông tin đưa ra cũng chỉ dừng lại ở mức chung chung và có thể áp dụng cho nhiều trường hợp khác nhau.
Hiệu ứng Barnum: Hiện tượng tâm lý khi ta tin rằng một mô tả tích cực chỉ đúng với mình, nhưng thật ra lại đúng với số đông. Hiệu ứng này là một loại thiên kiến xác nhận (cognitive biases).
Hiệu ứng Pygmalion: Những lời động viên khiến bạn tự tin hơn và bạn làm tốt hơn. Trong khi đó những lời nhận xét khiến bạn nản lòng dễ khiến bạn suy sụp và thất bại.
Theo Zhihu