Tài chính

Nghề huấn luyện chó ở Trung Quốc: Lương tháng cả 100 triệu đồng

Trong quá khứ, những chú chó cưng "không ngoan" và hung dữ với mọi người thường có hai kết cục: bị bỏ rơi hoặc bị giết. Nhưng bây giờ, những con chó này có một lối thoát thứ ba. Đó là được giáo dục như con người, để trở nên ngoan ngoãn và cư xử tốt.

Trên mạng xã hội Trung Quốc mới đây đã xuất hiện một loạt video ngắn về chú chó thuộc giống Shiba Inu có tên "Pikachu" đã thu hút sự chú ý của nhiều người. Con Shiba Inu này rất hung dữ đến mức cắn cả chủ nhân. Tuy nhiên, sau đó nó đã được giáo dục trong một trường huấn luyện thú cưng và giờ trông giống như một con chó hoàn toàn khác.

Nghề huấn luyện chó ở Trung Quốc: Lương tháng cả 100 triệu đồng - Ảnh 1.

Chùm video huấn luyện "Pikachu" đã thu hút sự quan tâm đông đảo của cộng đồng mạng Trung Quốc.

Trước đó, Pikachu đã bị chủ nhân của nó đưa ra "bản án tử hình": Nếu không thể hoàn thành việc học tập để ngoan ngoãn hơn trong một trường đào tạo thú cưng, nó sẽ bị cho chết đói tại nhà. May mắn thay, những người huấn luyện chó đã thuần hóa nó thành công, và người chủ đã hài lòng đưa nó về nhà sau đó. Nhiều cư dân mạng đã bình luận và chúc mừng, vì cuối cùng thì mạng sống của một chú chó cũng được giữ lại.

Và loạt video đã hé lộ một phần thú vị mới của thế giới thú cưng, nơi những người chủ chi tiền để gửi những con thú yêu thích của mình tới các trường huấn luyện, mở ra một thị trường kinh doanh đầy hứa hẹn.

Theo Sách trắng về ngành công nghiệp vật nuôi của Trung Quốc năm 2021, quy mô thị trường chó mèo ở các thành thị tại nước này sẽ đạt 249 tỷ nhân dân tệ (khoảng 37 tỷ USD), trong đó riêng thị trường chó cảnh là 143 tỷ nhân dân tệ (khoảng 21 tỷ USD).

Sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế thú cưng đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của phân khúc huấn luyện thú cưng. Sách trắng trên cũng cho thấy vào năm 2021, tỷ lệ huấn luyện thú cưng ở các đô thị Trung Quốc sẽ tăng 116% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo thống kê hiện tại, có 54,29 triệu con chó cưng trong các hộ gia đình thành thị Trung Quốc, tức là trung bình cứ 3 hộ gia đình ở thành thị thì có nuôi một con chó cảnh. Và tất nhiên, trong số này có không ít những chú chó cưng không hề dễ gần như "Pikachu".

Phải trả bao nhiêu học phí để "dạy đạo đức" cho một con chó?

Hai vật nuôi phổ biến nhất mà mọi người thường nuôi là mèo và chó. Nói chung, mèo chủ yếu ở nhà, trong khi chó có phạm vi hoạt động xã hội rộng hơn, và mọi người cũng thường có yêu cầu xã hội cao hơn đối với chó.

Ví dụ, trong số các hành vi nuôi thú cưng thiếu văn minh ít được chấp nhận nhất thì hành vi thả rông, phóng uế khắp nơi và dắt chó đi dạo không có rọ mõm. Huấn luyện chó là dịch vụ ra đời dựa trên những hành vi thiếu văn minh này, với mục đích điều chỉnh hành vi thói quen của những chú chó cưng này.

Nghề huấn luyện chó ở Trung Quốc: Lương tháng cả 100 triệu đồng - Ảnh 2.

Huấn luyện chó cảnh đang là nghề hot ở Trung Quốc.

Về cơ bản, dịch vụ huấn luyện chó tại Trung Quốc hiện nay chủ yếu huấn luyện về các vấn đề chính như thói quen tranh giành thức ăn, sủa bậy, đánh nhau, khó gọi về và các trường hợp nhạy cảm quá mức. Những con chó gặp vấn đề này rất hung dữ và có nguy cơ tấn công cao, trong một số trường hợp chính chủ sở hữu cũng không thể thoát khỏi việc bị chúng cắn.

Zhou Xin, chủ sở hữu của Wild Langxing Pet School ở Quý Dương, đã chọn làm nghề huấn luyện thú cưng này. Lý do chủ yếu vì là một người yêu chó, nên anh ghét việc con chó của mình bị người qua đường mắng mỏ. Đồng thời, với việc cung cấp dịch vụ huấn luyện chó, anh cũng mong muốn sau khi huấn luyện đúng cách, những con chó có thể hòa nhập với xã hội tốt hơn, cũng như tránh việc người qua đường vô tính bị chúng tấn công.

Vậy bao nhiêu học phí sẽ cần phải trả khi gửi chó cưng tới trường giáo dưỡng này? Điều này phụ thuộc vào mức độ các thói quen xấu của chó cưng và độ khó trong việc đào tạo các kỹ năng mới mà chủ nhân mong muốn. Ví dụ, một trường hợp nổi tiếng trên Douyin (TikTok phiên bản Trung Quốc) là con chó tên là Gan Da đã cắn chủ tới mức phải bị đánh gãy răng mới chịu nhả ra. Sau đó nó được đưa đi huấn luyện với mức phí 5.200 USD tại một cơ sở chuyên huấn luyện thú cưng.

Có thể nói, đối với những con chó có nhiều vấn đề thì chi phí huấn luyện cũng tốn kém tương ứng. Thông tin công khái từ một số cơ sở huấn luyện thú cưng tại Trung Quốc cho biết giá để huấn luyện chó vâng lời một cách cơ bản thường từ 500 USD. Các độ khó huấn luyện tăng lên, chi phí huấn luyện chó cũng sẽ tăng lên.

Qiu Han, một huấn luyện viên chó ở Trùng Khánh, tiết lộ rằng trường huấn luyện thú cưng của cô thu phí khoảng 850 USD mỗi tháng. Những con chó sẽ được học một bộ quy tắc có hệ thống hoàn chỉnh, bao gồm các hành động ra lệnh cơ bản như ngồi, đứng, đi tới, nghiêng người và dừng lại. Nếu con chó cưng gặp các vấn đề khác, phí cơ bản sẽ được tính chồng lên.

Một mô hình kinh doanh mới mẻ và hấp dẫn

Đầu tiên, để đánh giá thị trường này, hãy nhìn vào người huấn luyện chó. Thu nhập trung bình hàng tháng của những người huấn luyện chó ở Trung Quốc rơi vào khoảng 2.200 USD và mức lương hàng tháng của người huấn luyện chó có kinh nghiệm và nổi tiếng có thể lên tới 5000 USD.

Tại các cơ sở huấn luyện thú cưng, những người huấn luyện khác nhau có mức lương khác nhau, nhưng nhìn chung được chia thành hai loại: lương cố định thống nhất cho toàn bộ nhân viên, và những người có lương cơ bản cộng thêm hoa hồng.

Ví dụ, công ty của Qiu Han trả lương theo "chất lượng giảng dạy". Người huấn luyện chó có năng lực càng cao thì số chó huấn luyện càng nhiều, và những con chó có điểm khởi đầu càng tệ thì lương giáo viên cũng sẽ càng cao.

Nhiều người huấn luyện chọn tham gia ngành này dựa trên hai lý do cốt lõi là kiếm nhiều tiền hơn và cũng do yêu loài chó.

Hầu hết huấn luyện viên dưới quyền Zhou Xin đến từ cơ sở nuôi dạy chó cảnh sát. Để kiếm thêm tiền, họ rời khỏi hệ thống và trở thành người huấn luyện chó cảnh. Trong khi đó, những người như Qiu Han đã tự học các kiến thức về huấn luyện chó khi rảnh rỗi, rồi dần dần trở thành người huấn luyện chó cưng chuyên nghiệp.

Nghề huấn luyện chó ở Trung Quốc: Lương tháng cả 100 triệu đồng - Ảnh 3.

Chi phí huấn luyện tùy thuộc vào chất lượng "học viên" và mong muốn từ chủ nhân của chúng.

Trong khi đó, khi nhìn vào các cơ sở đào tạo thú cưng, thì mấu chốt của việc họ có thể kiếm tiền và kiếm được bao nhiêu không nằm ở việc kinh doanh huấn luyện đơn thuần. Mà nó nằm ở tần suất tiêu thụ của các mảng kinh doanh chéo khác.

Bởi việc huấn luyện thú cưng chỉ là công việc kinh doanh một lần. Chó cưng sau vài tháng học có thể tốt nghiệp, đạt được hiệu quả như mong đợi của chủ. Do đó, khó có thể thu phí huấn luyện một con chó từ hai lần trở lên. Việc một con chó phải trở lại trường huấn luyện đồng nghĩa với việc hiệu quả huấn luyện không tốt, và hầu hết các trường đào tạo sẽ không thu phí huấn luyện lần thứ hai.

Nói cách khác, huấn luyện thú cưng không phải là một ngành kinh doanh có thể dựa vào tần suất học viên để kiếm lời lớn. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo thú cưng có thể tận dụng cơ hội này để tìm hiểu các nhu cầu khác của chủ sở hữu thú cưng.

Chẳng hạn, hiện nay hoạt động kinh doanh của các cơ sở đào tạo thú cưng ở Trung Quốc đang dần hình thành xu hướng "dịch vụ một cửa". Họ kết hợp đào tạo thú cưng, bán thức ăn cho chó và đồ dùng cho chó, bán cả chó con, cho "vay giống" từ những dòng chó nổi tiếng, chăm sóc nuôi dưỡng, chải lông làm đẹp, chụp ảnh nghệ thuật và các dịch vụ khác để mở rộng doanh thu. Bằng cách này, các trường đào tạo đã biến các buổi huấn luyện một lần thành như cầu chi tiêu lâu dài cho chủ vật nuôi.

Mặt khác, vì việc đào tạo ngoại tuyến sẽ bị giới hạn về khu vực địa lý, các dịch vụ dạy trực tuyến cũng là một con đường mới đang được các cơ sở đào tạo này khai phá. Cụ thể, việc giảng dạy trực tuyến cho chó cưng thường được chia thành các khóa học video và hướng dẫn trực tuyến qua livestream. Trong đó, video khóa học là video do người huấn luyện chó quay trước để cung cấp cho chủ vật nuôi về những kiến thức cơ bản. Còn huấn luyện qua livestream mang tính cá nhân cho từng con chó cụ thể, theo hướng chuyên sâu để dạy các kỹ năng khó từ xa.

Quản lý Zhou Xin cho biết cơ sở huấn luyện của một người bạn mình có tháng kiếm được 74.000 USD. Anh cũng tiết lộ rằng số vốn đầu tư ban đầu của mình gần 18.000 USD, và phải mất 8 tháng để có được lợi nhuận.

Điểm khó của việc huấn luyện thú cưng là gì?

Đọc tới đây, chắc nhiều người nghĩ rằng có quá nhiều cách và kênh để các cơ sở đào tạo thú cưng kiếm tiền, và nó nghe có vẻ là một công việc kinh doanh tốt.

Nhưng sự thật thì ngành này vẫn còn rất nhiều vấn đề và nếu không giải quyết được chúng, sự phát triển lâu dài của nó vẫn sẽ là một câu hỏi khó trả lời.

Đầu tiên, trình độ đầu vào của người huấn luyện chó thấp, thời gian huấn luyện kéo dài và tỷ lệ chất lượng đầu ra bình quân đầu người thấp. Theo Zhou Xin, dù các huấn luyện viên của cơ sở anh đến từ lực lượng chó cảnh sát đặc nhiệm, nhưng kinh nghiệm huấn luyện không phù hợp với ngành. Chưa kể, họ cũng sẽ phải học lại chứng chỉ huấn luyện chó mới.

Qiu Han cũng từng chứng kiến nhiều người huấn luyện chó tỏ ra thô bạo, thậm chí có thái độ không tốt với những chú chó cưng mà họ được gửi. Một khách hàng của cô trước đó đã bỏ 500 USD để đưa cho vào một cơ sở huấn luyện trong một tháng. Kết quả là những chú chó cưng chỉ học được cách nằm yên và giả vờ như chết. Khi hỏi lại người huấn luyện chó làm thế nào để giải quyết vấn đề, khách hàng nhận được câu trả lời là "chỉ cần đánh mạnh".

Nói một cách đơn giản, việc thiếu sự quản lý của các tổ chức chuyên nghiệp đã dẫn đến trình độ chung của các huấn luyện viên chó khá thấp. Biết bệnh nhưng lại không thể chữa bệnh, bởi trên thực tế, việc đào tạo một huấn luyện viên chó có nghiệp vụ tốt hoàn toàn không đơn giản.

Bởi trong lĩnh vực mới phát triển này, các giáo trình khoa học, lý thuyết giảng dạy chủ yếu đến từ việc tích lũy kinh nghiệm trong thời gian dài. Do đó, để một huấn luyện viên thực sự trưởng thành thì cần phải mất vài năm.

Hơn nữa, huấn luyện chó cũng chú ý tới việc dạy học viên theo năng khiếu, vì mỗi chú chó có những vấn đề khác nhau và cần các bài huấn luyện khác nhau. Điều này dẫn đến việc một người huấn luyện chỉ có thể đảm nhận một số lượng khá ít những chú chó cùng một lúc.

Ví dụ, để đảm bảo hiệu quả của việc huấn luyện, cơ sở của Zhou Xin có tổng cộng 3 người huấn luyện chó và những người này chỉ nhận tối đa 15 con chó hàng tháng. Trong khi cơ sở nơi Qiu Han làm việc mỗi người chỉ nhận 10 con chó mỗi tháng. Và mỗi huấn luyện viên cần huấn luyện từ 2 đến 3 con chó mỗi ngày.

Nghề huấn luyện chó ở Trung Quốc: Lương tháng cả 100 triệu đồng - Ảnh 4.

Các cơ sở đào tạo chó đang mọc lên như nấm ở Trung Quốc.

Vấn đề thứ hai là hiệu quả huấn luyện, điểm bất ổn lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh này.

Trong quá trình huấn luyện chó thực tế, khó có thể tránh khỏi việc phải đưa chó đi học lại hoặc kéo dài việc huấn luyện. Bởi nhiều trường hợp những con chó cưng ngoan ngoãn dưới bàn tay của người huấn luyện, nhưng sau khi về với gia đình chủ, các vấn đề xấu lại xuất hiện sau một thời gian và chúng buộc phải huấn luyện lại. Cũng đôi khi, khả năng học tập của chúng khá kém dẫn đến thời gian đào tạo ban đầu bị kéo dài và việc tốt nghiệp bị trì hoãn.

Trên thị trường chung, các cơ sở hầu hết đều không tính phí học lại và gia hạn thời gian học của những học viên chó này. Nhưng, việc này lại ảnh hưởng lớn tới doanh thu và ngân sách của các cơ sở. Do đó, để giảm thiểu hiện tượng này, các cơ sở huấn luyện thường chọn cách mời người chủ của vật nuôi đến huấn luyện chung trong những ngày huấn luyện cuối cùng để đảm bảo những con chó vẫn ngoan ngoãn và nghe lời trong tay chủ nuôi.

Thứ ba, việc không rõ ràng về ranh giới về "huấn luyện" khiến ngành kinh doanh này đã vấp phải nhiều tranh cãi.

Một mặt, nhiều người nuôi thú cưng không hiểu rõ về việc huấn luyện và cho rằng không cần thiết phải bỏ ra nhiều tiền để dạy chúng. Mặt khác, khi huấn luyện chó, người huấn luyện cũng không tránh khỏi việc tạo áp lực cho chó, thậm chí có thể huấn luyện chúng bằng cách đánh mắng và điều này rất dễ gây ra sự hiểu lầm từ góc nhìn người ngoài.

Ví dụ, Qiu Han thường đăng tải các video huấn luyện chó trên các nền tảng mạng xã hội. Việc đánh chúng khi huấn luyện là điều không thể tránh khỏi và hậu quả là anh bị coi là có hành xử bạo hành, không biết cách huấn luyện.

Trường hợp khác là một chủ sở hữu vật nuôi ở Thành Đô, do không thể chịu được việc người huấn luyện chó đánh mắng quá mức những con chó cưng của mình, đã gây áp lực tới các cơ sở huấn luyện. Rõ ràng việc làm thỏa mãn mong muốn của chủ vật nuôi khi đào tạo ra những con chó cưng ngoan hiền từ một phiên bản gốc hung dữ, trong khi không được xử lý mạnh tay, là một chuyện không hề dễ dàng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm