Năm nay, Công ty cổ phần Gemadept (GMD) đề ra mục tiêu doanh thu đạt 3.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chạm mốc kỷ lục 1.000 tỷ đồng. Cả hai chỉ tiêu tăng lần lượt 19% và 24% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là kế hoạch lợi nhuận cao nhất trong ngành vận tải biển. Cũng kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tương tự GMD, Công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) muốn thu về lợi nhuận 550 tỷ đồng.
Sau một năm lãi đột biến lên đến hàng trăm lần, Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship (VNA) cũng kế hoạch lợi nhuận tăng gần 15% lên 208 tỷ đồng. Nếu hoàn thành, năm nay tiếp tục tạo mốc kỷ lục mới cho Vinaship về lợi nhuận, xóa sạch khoản lỗ lũy kế còn lại của doanh nghiệp này sau giai đoạn dài kinh doanh bết bát.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco (VIP) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng gấp 3 lần, nhưng con số thực tế chỉ khoảng 32 tỷ đồng. Đây là mức tương đối thấp so với các doanh nghiệp cùng ngành và thấp hơn hẳn nền lợi nhuận của chính Vipco giai đoạn trước năm 2018. Trong 3 năm gần đây, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này giảm sút phần lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhiên liệu tăng và các kế hoạch sửa chữa, trẻ hóa đội tàu.
Sau một năm thăng hoa về lợi nhuận, các doanh nghiệp cảng biển được đánh giá tiếp tục hưởng môi trường kinh doanh thuận lợi. Chứng khoán Mirea Assets Việt Nam (MASVN) cho rằng, ngành này còn nhiều động lực từ việc thu hút FDI, hoạt động sản xuất cải thiện, vận tải đường thủy phục hồi và tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nhiều triển vọng.
Năm ngoái, giá vận tải biển tăng vọt trở thành một trong những yếu tố chính đưa lợi nhuận ngành lên cao. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự đoán, giá cước vận tải sẽ hạ nhiệt nhưng khó có thể về lại mức thấp ngay trong năm nay. Nguyên nhân là một số trung tâm sản xuất và tiêu thụ lớn, đặc biệt nằm tại châu Á với quy mô dân số lớn như Trung Quốc, Ấn Độ... sẽ cần thêm thời gian để đạt miễn dịch cộng đồng. Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược "zero Covid" thông qua các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Thêm vào đó, nguồn cung tàu container đóng mới sẽ chỉ bắt đầu giai đoạn bàn giao mạnh từ năm 2023.
Trong khi cước vận tải quốc tế chưa thể nhanh chóng hạ nhiệt, Chứng khoán SSI dự đoán thêm, giá cước vận tải nội địa sẽ tăng lên đáng kể. Các công ty vận tải container có tiềm năng tăng lợi nhuận lớn do giá cho thuê tàu và giá cước vận tải nội địa cao.
Tận dụng lợi thế trên, các doanh nghiệp đều dồn sức nâng cấp đội tàu và mở rộng mạng lưới hoạt động. Một trong những nhiệm vụ lớn năm nay của Hải An là hợp tác với các hãng tàu nước ngoài để phát triển các tuyến vận tải nội Á, trước mắt là Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Cùng đó, doanh nghiệp này cũng muốn mua thêm 2 tàu container đã qua sử dụng loại 1.600-1.700 TEU và đóng mới từ 2-3 tàu container 1.800 TEU.
Năm nay, Công ty cổ phần Vận tải Xăng dầu Vipco sẽ thanh lý tàu Petrolimex 10 và đẩy nhanh đầu tư tàu để đổi mới phương tiện. Doanh nghiệp này hướng tới mục tiêu trẻ hóa và duy trì năng lực đội tàu. Song song đó, Vipco có kế hoạch phối hợp với Tổng công ty Vận tải thủy Petrolimex và các đơn vị liên quan để khai thác đội tàu hiệu quả.
Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn là rủi ro thường trực của ngành trong thời gian tới. MASVN chỉ rõ, đến nay Covid-19 còn tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động cảng biển trên thế giới. Với chiến lược "zero Covid", những tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục phong tỏa các thành phố lớn để hạn chế bùng phát dịch. Tương tự, hoạt động ở các cảng biển lớn bên cạnh việc ghi nhận mức tăng trưởng cao cũng xảy ra tình trạng ùn ứ do các biện pháp phòng dịch làm kéo dài thời gian thông quan.
Đơn vị này cho rằng, hoạt động vận tải biển trên toàn thế giới có nguy cơ bị xáo trộn và kém hiệu quả nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng xấu đến các tuyến hàng hải đến Việt Nam cũng như hoạt động xuất nhập khẩu.
Mối nguy từ dịch bệnh cũng khiến một số doanh nghiệp vận tải biển đưa kế hoạch lợi nhuận năm nay đi lùi. PVTrans dự đoán mức lợi nhuận thấp nhất từ năm 2015 đến nay khi lãi sau thuế có thể giảm đến 48%. Công ty cổ phần Dịch vụ Vận tải và Thương mại (TJC) lập kế hoạch lãi trước thuế giảm 13%. Một trong những lý do doanh nghiệp này đưa ra là tình hình bất ổn ở Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine khiến giá dầu leo thang, làm tăng chi phí nhiên liệu.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp dự báo lợi nhuận giảm còn do có kế hoạch bán tàu khiến sản lượng vận tải lùi lại. Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - MVN) đề chỉ tiêu lãi trước thuế giảm hơn 30% với lý do trên xuất hiện ở các công ty con như Vinaship, VIMC Shipping, Biển Đông, Vitranschart... Trong khi đó, lãi trước thuế công ty mẹ vẫn được kỳ vọng tăng nhẹ hơn 4%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành vận tải biển từ đầu năm đến nay luôn tăng trưởng tốt. Đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng địa chính trị vào đầu tháng 3, nhiều cổ phiếu ngành này ghi nhận mức tăng trần. Gần đây, các mã có tính thanh khoản thấp bắt đầu mất đà tăng, chủ yếu do chịu tác động chung của thị trường chứng khoán.
Tuy vậy, cổ phiếu các doanh nghiệp lớn vẫn có xu hướng "lội ngược dòng". Chốt phiên giao dịch ngày 20/4, mã GMD đạt thị giá 55.600 đồng một đơn vị, tăng hơn 15% so với đầu năm. Từ cuối tuần rồi, mã HAH tiếp tục vượt mốc 100.000 đồng, chốt phiên 20/4 tăng thị giá đến hơn 46% so với đầu năm.