Báo cáo tại hội nghị sáng 15/7, Tổng cục Thuế cho biết nhiều biện pháp cưỡng chế nợ (tạm hoãn xuất cảnh, kê biên tài sản, thu qua hóa đơn...) được ngành thuế áp dụng từ đầu năm với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.
Theo đó, họ ban hành gần 16.900 lượt thông báo tạm hoãn xuất cảnh với tiền nợ thuế 24.100 tỷ đồng. Họ đã thu hồi gần 920 tỷ đồng của 1.482 người nợ qua hình thức này. Mức này bằng 30% nợ thu hồi bằng các biện pháp cưỡng chế thuế trong nửa đầu năm (2.700 tỷ).
Tạm hoãn xuất cảnh là một trong số biện pháp cưỡng chế nợ được ngành thuế áp dụng với những trường hợp chây ỳ, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn. Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Các quy định hiện nay không nêu ngưỡng nợ cụ thể bị xem xét, áp dụng biện pháp cưỡng chế này, tức nợ thuế quá hạn 1 đồng cũng phải cưỡng chế thu hồi. Lãnh đạo cơ quan thuế từng khẳng định quyết định tạm hoãn xuất cảnh được đưa ra dựa trên quy trình chặt chẽ, cân nhắc hồ sơ từng cá nhân.
Cùng với biện pháp thu hồi nợ qua tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế cũng đưa ra 174.500 quyết định cưỡng chế thuế trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, gần 87% là quyết định cưỡng chế trích tiền, phong tỏa tài khoản, hơn 13% còn lại là thu hồi nợ thuế qua hóa đơn, giấy chứng nhận kinh doanh và kê biên tài sản. Ngoài ra, nhà chức trách cũng công khai thông tin để nhắc nhở với 631.800 người không nộp đúng hạn, gần 229.300 tỷ đồng.
Theo cơ quan thuế, từ đầu năm, họ giao giao chỉ tiêu thu nợ thuế tới từng cán bộ. Ngành thuế cũng theo dõi, lập danh sách doanh nghiệp, cá nhân nợ theo từng nhóm để có các biện pháp phù hợp. Tổng số tiền cơ quan thuế quản lý tính đến 30/6 khoảng 204.400 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm ngoái.
Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính xử lý thu hồi nợ thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ trên tổng thữ thu ngân sách tối đa 8%; tiền nợ thuế, phí không quá 5%.