Doanh nghiệp

Ngành Thép đối diện nhiều thách thức

Thị trường chưa khởi sắc

Thông thường, thị trường thép sôi động và khởi sắc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi mùa xây dựng trong năm được triển khai mạnh. Thế nhưng năm nay, sau khi thị trường thép có tín hiệu khởi sắc một chút thì lại đìu hiu trở lại. Hiện, các mặt hàng thép có giá dao động từ hơn 13.000 VNĐ đến hơn 14.000 VNĐ/kg. Đây là mức giá thấp, đã duy trì từ nửa cuối năm ngoái đến nay và là mức giá thấp nhất trong gần 4 năm trở lại đây.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giá thép phế và phôi thép quý I/2024 tăng gần 5,5% so với quý IV/2023 và giảm 6,4% so với cùng kỳ. Thép xây dựng nội địa quý I/2024 có 7 đợt điều chỉnh giá, trong đó có 3 đợt điều chỉnh tăng giá trong tháng 1/2024 và 4 đợt điều chỉnh giảm giá trong tháng 3/2024. Ngày 1/4 vừa qua, một số nhà máy thép tiếp tục phải điều chỉnh giảm giá thép cuộn xây dựng, mức giảm phổ biến 100.000đ/tấn. Giá các mặt hàng thép dẹt trong nước liên tục giảm so với cùng kỳ. Các nhà sản xuất tôn mạ trong tháng 3/2024 cũng điều chỉnh giảm giá từ 300.000 - 600.000 đồng/tấn tùy theo chủng loại, khu vực, đồng thời tiếp tục áp dụng các chính sách chiết khấu, truy hồi.

Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát tình hình nhập khẩu thép cán nóng

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2684/VPCP-TH truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái liên quan đến việc rà soát nhập khẩu thép cán nóng (HRC). Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua. Qua đó, chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Thống kê của Hải quan cho hay, trong 3 năm trở lại đây, nhập khẩu HRC vào Việt Nam gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ. Năm 2023, tổng lượng nhập khẩu HRC là 9,64 triệu tấn, trong đó riêng nhập từ Trung Quốc là 6,3 triệu tấn. Con số tương ứng của năm 2022 là 8,1 triệu tấn và 3,3 triệu tấn. Trong quý I/2024, nhập khẩu thép HRC đạt 3 triệu tấn, gấp 1,5 lần so với lượng sản xuất trong nước, riêng lượng nhập từ Trung Quốc và Ấn Độ tăng đột biến, chiếm 75% tổng lượng nhập.


Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho biết, nhìn chung, tình hình kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường thép nói riêng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Thị trường suy giảm nhanh hơn so với nhận định trước đó và tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố bất lợi toàn cầu: Các cuộc xung đột leo thang gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; ngành bất động sản trong nước và bất động sản Trung Quốc tiếp tục ảm đạm đã khiến thị trường quý I/2024 chưa phục hồi như kỳ vọng, nhu cầu thị trường vẫn thấp, sức mua yếu.

“Nhìn chung, thị trường thép hiện nay biến động không ổn định và khó khăn, triển vọng thị trường thép trong quý II và quý III tiếp tục phức tạp và đầy thách thức”, Chủ tịch VSA nhận định.

Đại diện Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) cho biết, thị trường thép trong những tháng đầu năm 2024 chưa có dấu hiệu tích cực, thị trường suy giảm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá giảm sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và nhu cầu của thị trường thép, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc cải thiện lợi nhuận và bán hàng. “Giá thép thay đổi liên tục, xu thế giảm nhiều hơn tăng, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thép”, đại diện VNSTEEL nói.

Theo lãnh đạo VNSTEEL, đơn vị đang nỗ lực bám sát thực tế, đưa ra các giải pháp linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Đặc biệt, khi thị trường trong nước khó khăn, đơn vị đang nỗ lực đem thép xuất khẩu. Ngoài ra, “Tổng” này cũng nỗ lực các giải pháp trong mua bán nguyên vật liệu, giảm chi phí để hạ thành sản phẩm tạo sức cạnh tranh, giữ vững thị phần, thị trường. “Năm nay chúng tôi kiên định mục tiêu tăng doanh thu khoảng hơn 3% và lãi hơn 100 tỷ đồng dù năm 2023 lỗ hơn 200 tỷ”, đại diện VNSTEEL nói.

photo-1714619202915

Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA cho rằng triển vọng thị trường thép trong quý II và quý III tiếp tục phức tạp và đầy thách thức. (Ảnh: VSA)

Áp lực từ thép ngoại

Theo VSA, thị trường thép Việt Nam chịu tác động mạnh bởi thị trường thép Trung Quốc. Trong bối cảnh ngành bất động sản Trung Quốc đang “đóng băng”, tồn kho thép Trung Quốc ở mức cao nên các nhà sản xuất thép nước này đẩy mạnh xuất khẩu. Việt Nam là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, nước ta nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn sắt thép các loại từ Trung Quốc trong quý I/2024, tăng 94,1% cùng kỳ năm 2023. “Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thép ở trong nước ta yếu, tình hình càng trở nên áp lực hơn trước chính sách xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc”, VSA nhận định.

Tình hình thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ nhập khẩu vào nước ta căng thẳng đến mức Tập đoàn Hòa Phát và Công ty Formosa đã nộp đơn lên Bộ Công Thương kiến nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm này.

Thông tin với PLVN liên quan đến vấn đề này, đại diện Tập đoàn Hòa Phát cho rằng, doanh nghiệp này cảm thấy “không thể chấp nhận” khi năm 2023, sản xuất trong nước chỉ 6,7 triệu tấn thép cán nóng mà nhập khẩu lên tới 9,6 triệu tấn, riêng từ Trung Quốc là 6,2 triệu tấn.

Tại cuộc họp mới đây của Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho rằng: “Không một nước nào trên thế giới này chấp nhận lượng thép nhập khẩu lại lớn hơn sản xuất trong nước”. Vị này cho biết thêm, Việt Nam hiện là nước sản xuất thép lớn nhất ASEAN với trên 20 triệu tấn.

photo-1714619235570

 

Ngành Thép đối diện nhiều thách thức- Ảnh 3.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho rằng: Lượng thép nhập khẩu lớn hơn lượng thép sản xuất trong nước là không hợp lý. (Ảnh: Hoàng Hà)


“Nhìn vào các cuộc xung đột gần đây trên thế giới thì cũng dễ dàng nhận thấy, thép rất có ý nghĩa với công nghiệp quốc phòng, an ninh quốc gia. Chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn ủng hộ, khuyến khích sản xuất công nghiệp thượng nguồn. Bởi vậy, cần ủng hộ sản xuất trong nước nói chung, nhất là các ngành công nghiệp thượng nguồn”, ông Trần Đình Long chia sẻ. Đồng thời cho rằng việc đề xuất khởi xướng điều tra chống bán phá giá là theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Qua quá trình điều tra, đánh giá tổng thể và khách quan, cơ quan quản lý nhà nước sẽ phân định đúng, sai theo quy định.

Trong khi đó, theo nhận định của giới chuyên gia, các sản phẩm thép Trung Quốc không chỉ cạnh tranh về bán hàng với các sản phẩm thép nội địa, mà còn ảnh hưởng đến giá thép Việt Nam do sự tương quan cao giữa hai thị trường. Sản phẩm dự kiến chịu nhiều ảnh hưởng, nhất là thép xây dựng, thép cán nóng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm