Năm 2022, ngành ngân hàng chứng kiến sự linh hoạt trong chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với hàng loạt công cụ điều hành để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát.
Sang năm 2023, các chuyên gia cho rằng áp lực lãi suất giảm bớt tuy nhiên ngành ngân hàng vẫn sẽ đối mặt với những khó khăn liên quan đến lạm phát, tín dụng và lợi nhuận.
Tăng trưởng lợi nhuận dự báo giảm tốc
Năm 2023, giới phân tích nhận định sóng gió sẽ vẫn tiếp diễn đối với ngành ngân hàng. Chứng khoán VNDirect cho rằng tăng trưởng lợi nhuận của ngành sẽ giảm tốc và đạt 10-11% so với cùng kỳ trong năm 2023-2024 (từ mức 32% so với cùng kỳ năm 2022) do tăng trưởng tín dụng chậm lại, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) thu hẹp và chi phí tín dụng tăng.
Bên cạnh đó, chi phí vốn của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh khiến cho biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng cũng sẽ thu hẹp. VNDirect cho rằng những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp.
Trong đó, Techcombank, MB và Vietcombank là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. Vietcombank là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA từ đầu năm, với động lực chính đến từ chính sách “zero-fee” ngân hàng đã triển khai từ đầu năm nay.
Thực tế, hiện đã có ngân hàng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tăng trưởng không có nhiều đột phá so với năm 2022. Tại Hội nghị triển khai công tác Đảng và Nhiệm vụ kinh doanh năm 2023, lãnh đạo Vietcombank cho biết ban lãnh đạo ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 12% so với 2022, tăng trưởng tổng tài sản đạt 9%, tăng trưởng tín dụng đạt 12,8% so với năm 2022.
Một ngân hàng quốc doanh khác là VietinBank cũng được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo NIM thu hẹp trong năm tới do gói hỗ trợ và chất lượng tài sản suy yếu nhẹ sẽ kéo giảm tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ngân hàng trong năm 2023.
Do đó, đối với cả ngành ngân hàng, VDSC cho rằng năm 2023 chi phí vốn tăng, nhưng tỷ suất tài sản sinh lãi có thể tăng chậm hơn, cùng với việc cho vay có độ trễ tái định giá 3-6 tháng dẫn đến NIM có thể thu hẹp nhẹ trong 1-2 quý tới.
Nửa đầu năm 2023, NIM khả năng cao vẫn suy giảm do những yếu tố trên nhưng từ giữa năm có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ với kỳ vọng sức ép vĩ mô thế giới sẽ giảm dần, làm giảm áp lực đối với lãi suất huy động.
Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh sẽ chứng kiến mức độ suy giảm NIM nhiều hơn so với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần bởi nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế trong những giai đoạn khó khăn.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các tổ chức tín dụng của NHNN, các tổ chức tín dụng (TCTD) tỏ ra thận trọng hơn trong thời gian tới với 56,4-75,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2023, nhưng mức độ kỳ vọng cải thiện thấp hơn so với năm 2022. 95,3% TCTD kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 2,8% TCTD dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm và 1,9% dự kiến lợi nhuận không thay đổi.
Lạm phát vẫn là thách thức khó khăn, áp lực tăng lãi suất sẽ giảm bớt
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, năm 2022, lạm phát chỉ tăng 3,15%, nguyên nhân là do mặc dù CPI bình quân năm 2022 tăng của một số mặt hàng nguyên liệu tăng so với năm trước. Tuy nhiên theo các chuyên gia, áp lực năm 2023 sẽ còn lớn hơn rất nhiều bởi độ trễ và tác động của tỷ giá.
Tại họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2023, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho rằng sức ép lạm phát trong năm 2023 là rất lớn và định hướng điều hành chính sách tiền tệ là không thể chủ quan với rủi ro lạm phát. Với độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, áp lực lạm phát nhập khẩu và áp lực lên tỷ giá là rất lớn.
"Mặt bằng lạm phát cao và xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên thế giới sẽ tiếp tục được duy trì. Tất nhiên, mức độ tác động dữ dội, nhanh mạnh của xu hướng thế giới đến kinh tế Việt nam sẽ không như năm 2022 nhưng vẫn sẽ tiếp tục dai dẳng trong năm 2023", ông Quang nhận định.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, áp lực lạm phát của Việt Nam năm 2023 sẽ ở mức độ cao hơn một chút so với năm ngoái.
"Lý do chính là vì chúng ta có độ trễ, nhập khẩu nhiều, tác động vòng 2, vòng 3 của hàng nhập khẩu đến lạm phát tiêu dùng cũng chậm hơn", ông Lực nói.
Thêm nữa, độ trễ của lượng cung tiền trong những tháng cuối năm nay và trong năm tới vẫn khá chậm. Do đó, TS. Lực kỳ vọng rằng trong những tháng tới, vòng quay tiền sẽ ở mức độ nhanh hơn và như vậy áp lực lạm phát sẽ cao hơn, dự báo ở mức 4-4,5%.
Về mặt bằng lãi suất, TS. Cấn Văn Lực cho rằng năm 2023 không nên và không nhất thiết phải tăng lãi suất, NHNN nên giữ ổn định mặt bằng lãi suất đã là rất tốt. Mặc dù mặt bằng lãi suất có thể không tăng nhưng cũng khó có thể giảm.
VDSC cũng cho rằng NHNN sẽ không tăng lãi suất điều hành trong năm 2023 trên cơ sở định hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.
"Lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023," VDSC cho biết.
Năm 2023, nhóm chuyên gia cho rằng ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống (hỗ trợ thanh khoản, tránh xảy ra đổ vỡ và mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng).
Để thực hiện các mục tiêu này, NHNN có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và được chia sẻ bởi chính sách tài khoá trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn.
Tín dụng tăng trưởng chậm lại
Theo nhận định của SSI Research, bức tranh tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 có thể được chia rõ rệt thành hai màu sắc, tăng mạnh trong nửa đầu năm và giảm nhiệt trong nửa cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.
Tuy nhiên, sang năm 2023, giới phân tích cho rằng tín dụng sẽ bị kìm hãm với việc tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ tăng chậm lại.
Chứng khoán KB (KBSV) nhận định nguyên nhân của việc này với rào cản lớn nhất là vấn đề căng thẳng thanh khoản hệ thống.
Các điều kiện kinh tế vĩ mô đang có tín hiệu ổn định sẽ tạo điều kiện cho NHNN có các động thái để cải thiện cung tiền nhờ đó giảm áp lực thanh khoản cho hệ thống. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng để cung tiền và tăng trưởng tín dụng đạt được điểm cân bằng sẽ phải mất từ 3-6 tháng chưa kể khả năng vấn đề tỷ giá và lạm phát có thể quay trở lại. Do đó tín dụng sẽ bị kìm hãm trong nửa đầu năm 2023 và được kỳ vọng sẽ cải thiện vào nửa cuối năm.
VDSC cũng có chung quan điểm khi ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022 do nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm và quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.
“Tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có hỗ trợ ngân hàng 0 đồng, hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay, có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro và chất lượng thanh khoản của các NHTM sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành.
Theo đó, VDSC nhận định Vietcombank, MB, VPBank và HDBank có thể sẽ là những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng cao so với bình quân ngành.
Theo thông tin từ Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021.
Như vậy, chỉ trong 10 ngày cuối cùng của tháng 12, tín dụng đã bật tăng khoảng hơn 1,5 điểm %, tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn hạn mức mà NHNN cho phép trong năm 2022 là 16%, báo cáo thị trường tiền tệ mới đây của SSI Research cho biết.
Năm 2023, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của NHNN, dư nợ tín dụng toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023. NHNN cũng đã cho biết sẽ cân nhắc thận trọng chỉ tiêu tín dụng mục tiêu năm 2023 với thông điệp là sẽ hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế nhưng luôn đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát lên hàng đầu.
"Chỉ tiêu tín dụng năm 2023 sẽ được NHNN xem xét rất thận trọng nhưng không có nghĩa là cứng nhắc”, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho hay.