Theo báo cáo tài chính mới đây, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội (HRT) có doanh thu khoảng 2.460 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ. Cao điểm doanh thu rơi vào quý I và quý III. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính tăng gần 3 lần lên khoảng 11 tỷ đồng.
Trong năm qua, HRT tiết giảm được chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính và các chi phí khác. Tổng lại, công ty lãi hơn 14 tỷ đồng sau thuế, tăng 2,4 lần so với năm 2022. Đây là mức cao nhất kể từ năm 2016. HRT còn cách chỉ tiêu doanh thu hơn 3% nhưng vượt 2,4 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Kết quả kinh doanh tích cực cũng ghi nhận tại Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn (SRT). Doanh thu đạt gần 1.700 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2022. Tương tự HRT, điểm rơi doanh thu cũng nằm ở quý I và quý III. Nhờ giá vốn tăng chậm hơn, lợi nhuận gộp được cải thiện.
Trừ đi chi phí, SRT lãi gần 11 tỷ đồng sau thuế, tăng đến 27 lần. Đây là mức lợi nhuận cao nhất của công ty trong bốn năm qua. Công ty còn cách chỉ tiêu doanh thu khoảng 3% nhưng đã vượt 18 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Đường sắt Sài Gòn cho biết trong năm 2023, nhu cầu đi lại của khách nội địa và khách du lịch quốc tế tăng cao, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán và mùa hè. Hai dịp cao điểm này rơi vào quý I và quý III, đây cũng là hai kỳ đóng góp doanh thu và lợi nhuận nhiều nhất cho cả hai doanh nghiệp.
Tuy cả năm có lãi, HRT và SRT lỗ lần lượt gần 84 tỷ đồng và gần 70 tỷ đồng trong quý cuối năm, chủ yếu do tốn chi phí sửa chữa toa tàu. Đường sắt Hà Nội cho biết do nhu cầu vận dụng toa xe tăng đã làm cho số lượng toa cần sửa chữa tăng 40% so với cùng kỳ. Công ty này phải đưa hơn 360 toa vào xưởng với chi phí hơn 18 tỷ đồng.
Đường sắt Sài Gòn cũng cho biết trong quý cuối năm 2023 đã tập trung sửa chữa toa xe để chuẩn bị vận hành cho đợt cao điểm Tết Giáp Thìn sắp tới. Ngoài ra, công ty còn phải dự phòng công nợ phải thu khó đòi, trích quỹ tiền lương dự phòng.
Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn là thành viên có quy mô lớn nhất thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). HRT quản lý các tuyến từ Hà Nội đi TP HCM, Lào Cai, Đồng Đăng, Hải Phòng và hai tuyến Yên Viên - Quán Triều, Kép - Cái Lân. Công ty còn tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách quốc tế qua hai cửa khẩu Hà Khẩu và Hữu Nghị. Doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 600 toa vận chuyển khách hàng, 3.300 toa vận chuyển hàng hóa với 5.000 lao động.
SRT quản lý các tuyến từ TP HCM đi Hà Nội, Nha Trang, Tuy Hòa, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Lào Cai, Hải Phòng, Lạng Sơn... Công ty này còn kinh doanh tour du lịch tới các điểm danh lam, thắng cảnh. Ngoài ra, SRT còn sở hữu địa điểm kinh doanh tại những nhà ga lớn trên cả nước như Sóng Thần, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng, Giáp Bát, Hà Nội, Lào Cai và Đồng Đăng.
Trước đây, cả HRT và SRT đều trải qua giai đoạn kinh doanh thua lỗ triền miền. Ngoài ảnh hưởng dịch bệnh, Đường sắt Hà Nội còn thừa nhận do tác phong phục vụ của nhân viên chưa đáp được yêu cầu khách hàng, nhất là nhóm người lao động lớn tuổi, tồn tại hiện tượng "bao khách" và "bao hàng", các đoàn tàu chưa có wifi.
Trong khi đó, Đường sắt Sài Gòn nhìn nhận họ đưa ra giá vé cao, khó cạnh tranh, chất lượng phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu khách hàng và phương tiện chuyên chở lạc hậu.