Vào ngày 25/4, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) tuyên bố sẽ cắt giảm 1 điểm % mức dự trữ ngoại hối bắt buộc của các ngân hàng xuống còn 8% từ ngày 15/5.
Động thái này diễn ra sau khi nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 17 tháng sau đợt bùng phát COVID-19 nhỏ nhưng đang gia tăng ở Bắc Kinh.
PBoC cho biết trong tuyên bố ngắn rằng việc cắt giảm nhằm mục đích "tăng khả năng sử dụng quỹ ngoại hối của các ngân hàng" và giúp quản lý thanh khoản. Sự thay đổi này sẽ làm tăng nguồn cung USD và các loại tiền tệ khác trong nước và giảm bớt sự suy yếu của nhân dân tệ.
Quyết định của PBoC diễn ra sau hai đợt tăng dự trữ ngoại hối bắt buộc vào năm 2021 trong một nỗ lực nhằm hạn chế việc nhân dân tệ mạnh lên so với USD, ngược lại với tình hình hiện tại.
Đồng nhân dân tệ đã rời khỏi mức 6,6092 sau thông báo của PBoC, mức yếu nhất kể từ tháng 11/2020, với mức giảm hàng ngày so với đồng USD thu hẹp từ 1,3% xuống chỉ còn 0,8%.
Ông Mitul Kotecha, chiến lược gia của TD Securities tại Singapore, cho biết động thái này làm giảm sức hấp dẫn đối với các ngân hàng trong việc nắm giữ ngoại tệ và làm chậm tốc độ tăng của cặp USD-nhân dân tệ.
Tuy nhiên, động thái này chỉ đảo ngược một phần việc tăng tỷ lệ dự trữ 2 điểm phần trăm vào tháng 12/2021. Vì vậy tác động tới nền kinh tế có thể ít đáng kể hơn trừ khi được thực hiện cùng những biện pháp khác bao gồm thắt chặt thanh khoản hoặc can thiệp mua đồng nhân dân tệ thực tế, ông Kotecha nói thêm.
Ông Marco Sun, trưởng nhóm phân tích thị trường tài chính tại MUFG Bank, cho biết nhân dân tệ mất giá mạnh gần đây đã ảnh hưởng đến các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà chức trách buộc phải đưa ra các biện pháp để ngăn chặn đồng tiền này giảm thêm.
"Những người tham gia thị trường coi việc cắt giảm là một tín hiệu từ các nhà hoạch định chính sách sẽ có khả năng quay trở lại các vị thế bán khống nhân dân tệ", ông Sun nói.
Ông Sun dự kiến đồng nhân dân tệ sẽ giao dịch trong phạm vi 6,35 đến 6,55 mỗi USD sau khi điều chỉnh. Ông cũng lưu ý rằng việc tăng lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào tháng 5 có thể hạn chế sự phục hồi của nhân dân tệ.
- TIN LIÊN QUAN
-
Trung Quốc và Mỹ đều bơm tiền và chịu lạm phát: Sự khác biệt là gì? 14/12/2021 - 20:57
Theo dữ liệu của Bloomberg, nhân dân tệ của Trung Quốc là đồng tiền tệ yếu nhất so với USD trong số các đồng tiền châu Á trong 5 ngày qua với mức giảm 3%. Tình trạng này trái ngược hẳn với việc nhân dân tệ là đồng tiền tăng giá tốt nhất trong khu vực trong hai năm qua.
Ông Guan Tao, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại BOC International cho biết: "Động thái của PBoC có khả năng cải thiện thanh khoản ngoại hối trong nước nhằm tạo điều kiện cho thị trường hoạt động ổn định và là một tín hiệu rõ ràng để bình ổn tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ".
Bà Wang Chunying, Phó trưởng cơ quan quản lý ngoại hối của Trung Quốc, cho biết vào hôm 22/4 rằng nhân dân tệ linh hoạt trong những năm gần đây đã giúp giảm bớt áp lực bên ngoài. Bà Wang kêu gọi các công ty hợp lý hơn trong việc thanh toán quốc tế để giúp ổn định nhân dân tệ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc đã tăng 4,8% trong quý đầu tiên của năm. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã cảnh báo rằng các nhân tố như việc kiểm soát chặt chẽ COVID của Bắc Kinh, Nga tấn công Ukraine và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất sẽ gây áp lực với nền kinh tế trong quý II và thách thức mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5,5%” trong cả năm 2022.
Cựu bộ trưởng tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao cho biết rằng sự thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ dự kiến sẽ diễn ra với “cường độ và tốc độ chưa từng có”, và sẽ là “áp lực lớn nhất đối với chúng tôi”.