Tại "Diễn đàn Chuyển đổi số ngành ngân hàng" hôm nay, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Trần Tuấn Anh cho biết ngành ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân, đóng góp quan trọng vào việc huy động và phân bổ nguồn lực tài chính để thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong thời gian qua, lãnh đạo NHNN và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực.
Song, thực tiễn cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục, nhất là pháp luật, cơ chế, chính sách cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.
Trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh, dữ liệu và quản lý dữ liệu, giao dịch điện tử, phát triển công nghiệp công nghệ số; cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ.
Đồng thời có các chính sách ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng...
Cũng tại diễn đàn, Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Kim Anh cho biết với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu được đáng khích lệ.
Điều này thể hiện qua một số số liệu thực tế như nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm.... Nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số. Tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm đạt hơn 90%.
Dù có những kết quả bước đầu khả quan, ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới.
Từ đó đặt ra cho ngành ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể.
Đổi mới tư duy để chuyển đổi số thành công
Đưa ra giải pháp để chuyển đổi số thành công, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), ông Nguyễn Hưng kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về định danh cá nhân, cơ chế chia sẻ thông tin, quy định bảo vệ người dùng/định danh số, xây dựng liên minh eKYC, liên thông dữ liệu.
Bên cạnh đó, cho phép áp dụng chữ ký điện tử cá nhân với chi phí thấp cho các giao kết trên môi trường số, trên cơ sở thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng/tổ chức. Miễn phí thanh toán nhỏ lẻ, chuyển tiền để chia sẻ phí thanh toán mà các ngân hàng phải trả cho Telco, NAPAS... Có chính sách nâng cao quy định về chất lượng dịch vụ với các công ty Fintech theo chuẩn đang áp dụng với các ngân hàng.
Với NHNN, ông Hưng cho rằng cần có quy định cụ thể về Sandbox để đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện của các ngân hàng. Hoàn thiện các quy định về bảo mật giao dịch, an ninh thông tin, quy định chi tiết về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử, các quy định bảo vệ người dùng cho phù hợp với thông lệ quốc tế.