Ngân hàng giảm mạnh lãi suất
Ngày 20/10, Ngân hàng Nhà nước bơm thêm 10.000 tỷ đồng qua hệ thống ngân hàng khi lô tín phiếu đáo hạn ngày hôm nay. Hôm 19/10, có gần 1.000 tỷ đồng cũng đáo hạn. Như vậy, từ nay đến tuần sau, có khoảng gần 73.800 tỷ đồng đưa trở lại các ngân hàng. .
Theo đó, hàng loạt các ngân hàng đưa ra gói vay lãi suất thấp để kích cầu tín dụng. Mới đây, ngân hàng Sacombank đưa mức lãi suất cho vay chỉ 5-6%/năm cho cá nhân và doanh nghiệp.
Theo đại diện của Sacombank, giai đoạn từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2024 là cao điểm sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong năm, người dân và doanh nghiệp có nhu cầu vốn cao hơn nhằm đáp ứng đơn hàng và chuẩn bị sản xuất kinh doanh cho mùa tiêu dùng lễ tết. Đáp ứng nhu cầu đó, với khách hàng cá nhân, Sacombank vừa thông báo bổ sung 5.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với mức lãi suất từ 6%/năm. Với khách hàng doanh nghiệp, Sacombank dành thêm 7.000 tỷ đồng cho vay phục vụ sản xuất, kinh doanh ngắn hạn, lãi suất từ 5%/năm.
Cùng với mức lãi suất cạnh tranh, khách hàng tham gia gói tín dụng mới của Sacombank còn được vay với hạn mức cao dựa trên tài sản đảm bảo đa dạng; thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng.
Ngân hàng VPBank cũng không nằm ngoài xu thế khi đưa ra gói vay ưu đãi với tổng quy mô lên đến 13.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua ô tô, vay sản xuất kinh doanh, vay mua nhà với lãi suất chỉ từ 5%/năm; tỷ lệ cho vay lên tới 85% và thời gian vay tối đa lên tới 35 năm.
Đại diện ngân hàng VPBank cho biết, kết thúc quý III, bức tranh kinh doanh toàn cảnh của VPBank duy trì gam màu tươi sáng với điểm nhấn tăng trưởng tín dụng vượt trội, trên nền huy động duy trì đà tăng mạnh mẽ cùng một bệ đỡ vốn vững chắc.
Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng mẹ trong quý III tăng hơn 22% so với đầu năm, đạt hơn 488 nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng tại ngân hàng đang cao hơn nhiều lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành 6,9% tới cuối tháng 9. Đáng chú ý, tín dụng trong quý III đã tăng 8% so với quý liền trước, phân bổ tương đối đồng đều vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng… với khối chiến lược khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp tới gần 60% tổng dư nợ của ngân hàng.
Dư nợ tín dụng của khối khách hàng cá nhân, trong đó, ghi nhận tăng trưởng 19% so với đầu năm đạt hơn 230 nghìn tỷ đồng, nhờ chiến lược đa phân khúc đón đầu xu hướng hồi phục của nền kinh tế trong các tháng cuối năm 2023. Số liệu thống kê trong quý III đã cho thấy các dấu hiệu khởi sắc với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tăng trưởng tín dụng khả quan
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 3.219 nghìn tỷ đồng, tăng 0,35% so với tháng trước và tăng 9,27% so với thời điểm kết thúc năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.323 nghìn tỷ đồng, tăng 0,38% và tăng 10,85%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.896 nghìn tỷ đồng, tăng 0,33% và tăng 8,19%.
Dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 18,28% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 8,47%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,49%; cho vay xuất khẩu chiếm 8,63%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 7,56%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 6,63%.
Theo nhận định của các ngân hàng, lãi suất giảm là yếu tố để thúc đẩy tín dụng. Hiện, mặt bằng lãi suất đã trở về mức thấp trước COVID-19. Lãi suất huy động 12 tháng cao nhất hiện cũng chỉ còn 6,2%/năm. Dù vẫn cần thời gian để trung hòa giá vốn cho vay, nhưng nhiều ngân hàng đã chủ động đưa lãi suất cho vay khách hàng doanh nghiệp về dưới 5%/năm; khách hàng cá nhân là 7-8%/năm, đồng thời tăng quy mô các gói tín dụng ưu đãi nhằm thu hút khách hàng.
Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng gần 13 triệu tỷ đồng, tăng 6,92%. Trong đó, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung.
Việc tín dụng tăng trưởng liên tục phản ánh xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời phản ánh tác động và hiệu quả của chính sách tiền tệ tín dụng, cùng với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước trong suốt thời gian qua.
Lãi suất tiết kiệm "chạm đáy"
Theo khảo sát 30 ngân hàng trong hệ thống, lãi suất gửi tiết kiệm đang dao động quanh mức 4,5 – 6,5%/năm. Mức này giảm khá mạnh so với thời điểm đầu năm 2023, khi lãi suất huy động cao nhất phổ biến ở mức từ 9 - 10%/năm, thậm chí có ngân hàng còn niêm yết tới 12%/năm.
Lãi suất huy động của các ngân hàng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank hiện cao nhất chỉ là 5,3%/năm ở các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên; kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn từ 3 - 3,8%/năm; 6 tháng còn 4,7%/năm.
Tại nhóm ngân hàng cổ phần như ACB, Sacombank, VPBank..., lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng từ 5 - 5,7%/năm. Một số ngân hàng khác có mức lãi suất 6 tháng nhỉnh hơn như Nam A Bank, NCB, PVcomBank… từ 6 - 6,5%/năm.