Tài chính

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng gần 8.400 tỷ đồng trong phiên 20/10

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày theo phương thức đấu thầu lãi suất trong phiên 20/10. Kết quả, có 4/5 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng đạt 1.650 tỷ đồng. Đây mức trúng thầu thấp nhất kể từ khi NHNN mở lại kênh phát hành tín phiếu vào giữa tháng 9.

Mặt khác, lãi suất trúng thầu tín phiếu tiếp tục duy trì ở mức 1,45% - cao nhất từ đầu chu kỳ. Khối lượng tín phiếu trúng thầu và số lượng thành viên tham gia ở mức thấp, đi cùng lãi suất tăng mạnh cho thấy thanh khoản hệ thống đã phần nào bớt dư thừa.

Trước đó, lượng tín phiếu trúng thầu trong phiên hôm qua đã bất ngờ giảm mạnh xuống còn 4.250 tỷ, từ mức 10.000 - 20.000 tỷ đồng trong những phiên trước đó; đồng thời lãi suất tăng mạnh lên 1,45%.

Các phiên phát hành tín phiếu của NHNN (Nguồn: Mạnh Đức tổng hợp)

Lượng tín phiếu phát hành bất ngờ giảm sâu trong bối cảnh các lô tín phiếu đầu tiên phát hành trong phiên 21/9 và 22/9 bắt đầu đáo hạn vào ngày hôm qua và hôm nay. Với tổng lượng tín phiếu đáo hạn đạt gần 20.000 tỷ, Nhà điều hành đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng gần 14.100 tỷ trong hai phiên vừa qua.

Sau phiên hôm nay, lượng tín phiếu lưu hành cũng đã giảm về còn gần 241.600 tỷ đồng. Số tín phiếu này sẽ lần lượt đáo hạn từ đầu tuần sau đến giữa tháng 11. Trường hợp NHNN không phát hành tín phiếu mới, hệ thống ngân hàng sẽ được bơm trả số tiền tương ứng và thanh khoản các nhà băng sẽ trở nên dồi dào hơn.

Trước đó, NHNN đã mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu từ phiên 21/9, sau hơn 6 tháng tạm ngưng trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Sau 22 phiên chào thầu liên tiếp, tổng lượng tín phiếu được NHNN phát hành hiện đạt 261.595 tỷ đồng, trong đó đã có 19.995 tỷ đồng đã đáo hạn.

Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Hoạt động này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ. Trên thực tế, việc thực hiện nghiệp vụ phát hành tín phiếu này còn có thể được coi là tích cực, thay vì NHNN lựa chọn phương án bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối. Thông qua nghiệp vụ này, NHNN có thể có những đánh giá mức độ dồi dào của thanh khoản trên hệ thống, và điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường 2 để cân đối giữa áp lực tỷ giá và hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm