Doanh nghiệp

Ngân hàng nào muốn gom mua công ty chứng khoán?

Tóm tắt:
  • Nhiều ngân hàng có kế hoạch mua lại hoặc thành lập công ty chứng khoán để mở rộng hoạt động đầu tư.
  • Sacombank dự kiến nắm trên 50% cổ phần tại một công ty chứng khoán mới, không muốn mua SBS.
  • MSB và SeABank đều lên kế hoạch mua hoặc sở hữu công ty chứng khoán nhằm tiếp cận thị trường vốn.
  • Các ngân hàng như VPBank, Vietcombank, ACB, Techcombank, MB đã có hoặc mở rộng các công ty chứng khoán từ trước.
  • Mục tiêu chung là tận dụng tiềm năng của thị trường chứng khoán và dịch vụ tài chính để phát triển dài hạn.

Một số ngân hàng đã được cổ đông thông qua kế hoạch mua lại công ty chứng khoán trong năm nay, với mục tiêu tham vọng mở rộng hoạt động ngân hàng đầu tư. Cụ thể, tại Đại hội cổ đông thường niên 2025 trong tuần qua, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán STB) trình chủ trương góp vốn/mua cổ phần công ty chứng khoán để trở thành công ty con của ngân hàng. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại công ty chứng khoán trên 50%, tổng giá trị đầu tư tối đa 1.500 tỉ đồng.

Hiện tại, Sacombank đang là cổ đông lớn nhất tại Công ty Chứng khoán SBS (mã chứng khoán SBS) với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%. Giải thích thêm về kế hoạch này, lãnh đạo khẳng định ngân hàng không có nhu cầu mua lại Chứng khoán SBS. Thay vào đó, Sacombank sẽ chọn những công ty chứng khoán tốt, có những dịch vụ phù hợp để phát triển các lĩnh vực đầu tư. Ngân hàng cũng không đầu tư vào cổ phiếu của công ty chứng khoán.

Ngân hàng nào muốn gom mua công ty chứng khoán?- Ảnh 1.

Một số ngân hàng lên kế hoạch gom mua công ty chứng khoán

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Hay cổ đông của Ngân hàng TMCP Hàng hải (mã chứng khoán MSB) đã thông qua tất cả tờ trình, gồm kế hoạch kinh doanh năm 2025, thoái vốn khỏi công ty tài chính và lên kế hoạch mua lại công ty chứng khoán. Hội đồng quản trị MSB đánh giá, thị trường chứng khoán Việt Nam và các dịch vụ thuộc mảng ngân hàng đầu tư là thị trường tiềm năng, giữ vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế và được dự báo thu hút khoảng 25 tỉ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm vào Việt Nam.

Đồng thời, việc sở hữu một công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ sẽ giúp MSB dễ dàng tiếp cận và cung cấp dịch vụ đầu tư chứng khoán và mở rộng sang lĩnh vực quản lý tài sản cao cấp (Wealth Management), phục vụ khách hàng tiềm năng muốn đầu tư chuyên nghiệp hơn; cung cấp các sản phẩm như quỹ mở, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư cổ phiếu, trái phiếu... giúp đa dạng hóa lựa chọn đầu tư. Ngoài ra, việc sở hữu một công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ giúp MSB tham gia sâu hơn vào thị trường vốn, hưởng lợi từ sự phát triển dài hạn của thị trường.

Tương tự, cổ đông của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) cũng thông qua các nội dung quan trọng trong kế hoạch kinh doanh, bao gồm việc tăng vốn, mua lại công ty chứng khoán... Cụ thể, SeABank có chủ trương mua cổ phần tại Công ty cổ phần Chứng khoán ASEAN để công ty này trở thành công ty con của SeABank.

Theo tài liệu, Công ty Chứng khoán ASEAN được thành lập từ năm 2006 và có vốn điều lệ hiện tại 1.500 tỉ đồng, hoạt động trong lĩnh vực nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán như môi giới chứng khoán; tự doanh chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; bảo lãnh phát hành chứng khoán và các hoạt động kinh doanh khác. Kế hoạch dự kiến SeABank có thể mua tối đa 100% vốn điều lệ của chứng khoán ASEAN. Tỷ lệ cụ thể sẽ do hội đồng quản trị quyết định để đảm bảo chứng khoán ASEAN trở thành công ty con của SeABank. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025 hoặc phù hợp với chấp thuận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, quy định của pháp luật và tình hình thực tế.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã thành lập hoặc mua công ty chứng khoán như năm 2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại Công ty Chứng khoán ASC, đổi tên thành Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS) và rót tiền để tăng vốn lên 15.000 tỉ đồng. Nhiều ngân hàng đã thành lập công ty chứng khoán trước đây đều mang cùng tên như Vietcombank có Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS); Ngân hàng Á Châu (ACB) sở hữu Công ty Chứng khoán ACB; Techcombank có Công ty Chứng khoán Kỹ thương (TCBS); Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) có Công ty Chứng khoán MB...

Các tin khác

Vượt thu ngân sách, Huế dự chi như thế nào?

Năm 2024, TP. Huế thu ngân sách đạt 13.070 tỷ đồng, vượt 11% so với dự toán của HĐND thành phố giao, với nguồn vượt thu lên đến khoảng 1.080 tỷ đồng. Địa phương này vừa lên phương án dự chi nguồn vượt thu ngân sách kể trên.

Tiền vào chứng khoán thấp nhất 2 tháng

Sức mua kém khiến thanh khoản đạt 14.000 tỷ đồng, thấp nhất 2 tháng qua, nếu không tính phiên "không ai bán" khi thị trường hồi phục sau biến động thuế quan.

MSB công bố kết quả kinh doanh quý 1

Kết thúc quý I/2025, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (HoSE: MSB) ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định. Lợi nhuận trước thuế của MSB xấp xỉ 1.631 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng tín dụng đạt gần 9%, cao hơn mức 3,93% của toàn hệ thống.

Cả nước dự kiến còn 3.300 xã phường

Theo ước tính ban đầu của Bộ Nội vụ, sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, toàn quốc sẽ giảm từ 10.035 xã phường xuống còn khoảng 3.300 đơn vị.