Tài chính

Ngân hàng lại dồn dập tăng vốn

SeABank vừa chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền nhận cổ tức là 12,73%; tỷ lệ thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu là 6,6%. NHNN đã chấp thuận cho OCB tăng vốn điều lệ thêm gần 59 tỷ đồng. Trong đó, tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora – Nhật Bản) theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. VietCapitalBank cũng dự kiến tăng vốn thêm tối đa hơn 1.618 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ đạt khoảng 5.289 tỷ đồng.

Phía các NHTM có vốn nhà nước cũng lên kế hoạch tăng vốn khủng trong năm 2022. Trong đó, BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm tới 10.623 tỷ đồng lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương tăng 21%. Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, để đưa vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng…

Ngân hàng lại dồn dập tăng vốn - Ảnh 1.

Các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để nâng vốn, cải thiện chỉ số CAR

Thống kê sơ bộ có tới hơn 20 nhà băng lên kế hoạch tăng vốn trong 2022, nhưng mới chỉ ít ngân hàng hoàn thành xong như VIB, ACB... Như vậy, từ nay đến cuối năm sẽ chứng kiến cuộc đua tăng vốn diễn ra dồn dập. Việc các ngân hàng liên tục thực hiện tăng vốn, theo chia sẻ của Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng nhằm bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh, giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, tăng hệ số an toàn vốn (CAR). Vốn ngân hàng như gối đệm giữ chỉ số CAR luôn ở mức an toàn. Nhất là trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động ngân hàng càng cần củng cố hệ số CAR để có thể vững vàng trước sóng gió thị trường.

Theo số liệu từ NHNN, tính đến cuối tháng 3/2022, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt khoảng 11,52%. Vốn hoá các ngân hàng Việt Nam được cải thiện đáng kể những năm gần đây. Tuy nhiên, nếu so với các ngân hàng quốc tế và mức trung bình của khu vực thì tỷ lệ này của ngân hàng Việt vẫn ở mức thấp. Hơn nữa trong thời gian tới, khi cầu tín dụng tăng theo đà phục hồi của nền kinh tế sẽ dẫn đến khả năng tỷ lệ CAR của các ngân hàng trong hai, ba năm tới giảm, nếu ngân hàng không có lộ trình tăng vốn phù hợp.

Đánh giá về nhu cầu vốn của các ngân hàng Việt Nam, ông Mohammad Mudasser - Giám đốc dịch vụ tư vấn, PwC Việt Nam cho biết, vốn ngân hàng vẫn mỏng, có khả năng làm ảnh hưởng đến việc hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng tín dụng và gắn với hỗ trợ tăng GDP. Theo ước tính của Fitch, nhu cầu vốn bổ sung của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam sẽ tăng lên 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) nếu các ngân hàng tăng mức dự phòng rủi ro cho vay để bù đắp các khoản thất thoát tiềm ẩn. Ông Tamma Febrian - Giám đốc hợp danh, các định chế tài chính, ngân hàng của Fitch Ratings nhận định, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam những năm gần đây rất nhanh đòi hỏi quy mô vốn của các ngân hàng cũng phải mở rộng, đảm bảo các tỷ lệ về an toàn. Hơn thế, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển, các ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa để nâng vốn, cải thiện chỉ số CAR.

Tại Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025 cũng đặt ra yêu cầu các TCTD phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ tương ứng với từng quy mô đến năm 2025. Cụ thể, theo Đề án, nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; nhóm NHTM trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng... Như vậy, tăng đủ vốn không chỉ là yêu cầu bắt buộc đối với các ngân hàng trong ngắn hạn mà cả trong trung, dài hạn. Nhưng việc các ngân hàng có thực hiện tăng vốn được như kế hoạch đặt ra trong năm 2022 hay không, theo giới chuyên môn phụ thuộc vào nhiều biến số từ kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán...

Theo một chuyên gia ngân hàng, mức độ tăng vốn năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với năm 2021. Vì hoạt động kinh doanh ngân hàng năm nay có thể không bằng năm trước do NIM giảm nhẹ, ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng cho các khoản nợ cơ cấu nên nguồn lợi nhuận giữ lại tăng vốn không được nhiều. Hiện tại giải pháp tăng vốn được các ngân hàng thực hiện chủ yếu là chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đây cũng là yêu cầu của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh, giá cổ phiếu ngân hàng cũng như cổ phiếu nhiều ngành, lĩnh vực khác chịu áp lực giảm điểm cũng phần nào ảnh hưởng đến lộ trình tăng vốn của ngân hàng. Vì ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng, tạo áp lực giảm giá lên cổ phiếu.

"Vẫn biết là sức ép lên thị giá cổ phiếu, nhưng chia cổ tức bằng cổ phiếu là giải pháp khả dĩ nhất để các ngân hàng tăng vốn được thành công trong giai đoạn này", vị chuyên gia này nhìn nhận.

Ngoài trả cổ tức bằng cổ phiếu, các ngân hàng còn lựa chọn thêm nhiều giải pháp tăng vốn điều lệ, như qua phát hành cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn dành cho CBNV, phát hành cổ phiếu riêng lẻ... Song để có nguồn lực tài chính vững vàng phục vụ cho nhu cầu dài hơi hơn, một chuyên gia ngân hàng khuyến nghị, các ngân hàng tích cực gọi vốn ngoại, lấp đầy room ngoại. Trong thời gian vừa qua, hoạt động ngân hàng Việt Nam khá vững trước những biến động, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Minh chứng là các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế vẫn đánh giá tích cực các ngân hàng Việt. Đơn cử, mới đây Vietcombank được S&P nâng xếp hạng tín nhiệm từ mức "BB-" lên mức "BB". Trên thị trường chứng khoán các NĐT ngoại tích cực gom cổ phiếu ngân hàng, việc này cho thấy nhóm ngành này vẫn giữ được sức hấp dẫn. "Đây là cơ hội thuận lợi để các ngân hàng gọi vốn ngoại", vị này nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm