Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 7/9 cho biết, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,91% so với cuối năm 2021. Căn cứ kết quả xếp hạng mới nhất theo Thông tư 52, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm 2022, diễn biến thị trường và định hướng từ đầu năm tại Chỉ thị 01, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng có đề nghị và có thông báo gửi các tổ chức tín dụng này.
Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây cho biết, hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Như vậy, điều này tương đương với việc sẽ có khoảng 457.000 tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng, với mức dự báo hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3-5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
Room tín dụng được nới là thông tin được người dân và nhiều doanh nghiệp mong đợi từ lâu, đặc biệt là các chủ đầu tư địa ốc. Bất động sản đã chứng kiến sự ảm đạm trong suốt mấy tháng nay khi thanh khoản gần như đóng băng, nếu được tiếp thêm vốn, thị trường dự báo sẽ dần phục hồi trở lại.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch HĐQT BHS Group, bức tranh thị trường bất động sản Việt Nam hiện tại giống như một mớ "tơ vò", không thể khẳng định được đang diễn biến tốt hay xấu", ông Tuyển nhận định.
Vị này cho rằng, có ba nguyên nhân chí tử dẫn đến thực trạng thị trường bất động sản như hiện nay, đó là pháp lý, tín dụng và mức giá tăng nóng. Từ ba yếu tố này, thị trường đến năm 2023 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực. Bởi, khả năng pháp lý được tháo gỡ là cao. Từ giờ đến cuối năm vẫn có đợt tín dụng mới cho các dự án tốt, đến năm 2023 sẽ lại có room tín dụng mới.
"Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những chủ đầu tư tốt và những người tham gia vào thị trường hiện tại đều là nhà đầu tư có chọn lọc. Và tôi khẳng định, thị trường sẽ trụ vững qua giai đoạn khó khăn này chứ không đổ vỡ như một số dự báo”, ông Tuyển nói.
Lãi suất tăng là một thách thức
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, room tín dụng được mở sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản trong ngắn hạn và phần nào sẽ có tác động tích cực đến dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản theo hai hướng.
Thứ nhất, các doanh nghiệp có nguồn tiền mới để vay đảo phần nợ trái phiếu đến hạn. Tuy nhiên phương án này chỉ áp dụng được đối với các doanh nghiệp có dự án mới và còn tài sản đảm bảo chất lượng tốt. Thứ hai, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm trở lại vào các tháng cuối năm khi dòng tín dụng được khai thông, doanh nghiệp giải phóng được lượng hàng tồn kho, có thêm nguồn tiền để trả nợ.
Song, nhóm phân tích cho rằng, với diễn biến lạm phát diễn ra căng thẳng, động thái tăng lãi suất đang trở nên phổ biến ở các quốc gia trên thế giới và Việt Nam dự kiến khó tránh khỏi xu hướng chung để giảm bớt áp lực về tỷ giá. Lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vốn đầu tư bất động sản của doanh nghiệp cũng như cá nhân trong năm 2023 khiến khả năng hấp thụ của thị trường giảm sút, trong khi lượng hàng tồn kho tích lũy còn rất lớn sau giai đoạn vừa qua.
Còn theo nhóm phân tích CTCP Chứng khoán VNDirect, dù NHNN nâng trần tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, song dòng vốn tín dụng này sẽ ưu tiên cho sản xuất và dịch vụ. NHNN vẫn sẽ kiểm soát cẩn trọng dòng tín dụng vào các lĩnh vực có rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT.
Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người dân có thể gặp nhiều thách thức hơn do chịu ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí đẩy, lãi suất gia tăng và tín dụng hạn chế.
VNDirect Research cho biết, lãi suất vay mua nhà đã tăng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng trở lại và dự báo có thể tăng 30 - 50 điểm cơ bản trong nửa cuối nay. Ngoài ra, trong bối cảnh tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay thế chấp của các ngân hàng tư nhân dự báo có thể tăng lên 10 - 10,5%/năm vào cuối năm, vẫn thấp hơn so với mức 11 - 11,5%/năm trước đại dịch.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra nhận định, ngành bất động sản vẫn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khả năng lãi suất tăng và việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng bất động sản của các ngân hàng hiện nay sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản các dự án, dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp trong 2022 - 2023.