Trong báo cáo chiến lược năm 2023 vừa công bố, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo lĩnh vực xuất nhập khẩu sẽ tích cực kể từ quý II năm nay.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 12/2022 đạt 58,82 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ, tăng 2,7% so với tháng trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 29,66 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ, tăng 2,2% so với tháng trước; nhập khẩu đạt 29,16 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ, tăng 3,1% so với tháng trước.
Tình hình xuất nhập khẩu tháng 12 tiếp tục suy giảm so với cùng kỳ, mức giảm là mạnh do xuất nhập khẩu cùng kỳ tháng 12/2021 tăng rất mạnh sau giãn cách, nhưng điểm tích cực là xuất nhập khẩu tháng 12 đã cải thiện so với tháng 11.
Cán cân thương mại tháng 12 xuất siêu 0,5 tỷ USD, giảm 83,2% so với cùng lỳ. Trong đó, khối FDI xuất siêu 3,23 tỷ USD; khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,73 tỷ USD.
Lũy kết cả năm 2022 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,50 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó, xuất khẩu tăng 10,6% so với cùng kỳ, nhập khẩu tăng 8,4%.
Cán cân thương mại 2022 xuất siêu 11,2 tỷ USD, hồi phục mạnh so với 2021 (3,3 tỷ USD). Khu vực FDI dẫn dắt với giá trị xuất siêu 41,9 tỷ USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ.
Tình hình xuất nhập khẩu năm 2022 suy yếu từ tháng 9 do nhu cầu yếu tại các nước đối tác do lạm phát và lãi suất tăng nhanh làm giảm nhu cầu. Tuy nhiên, Yuanta Việt Nam cũng nhận thấy tổng mức xuất nhập khẩu hàng tháng từ tháng 9 đến nay tuy suy giảm nhưng vẫn ở mức 57-58 nghìn tỷ đồng/tháng, theo đó, có thể kỳ vọng tổng mức xuất nhập khẩu có thể đã thiết lập mức “đáy” là 57.30 tỷ USD trong tháng 11/2022.
Các chuyên gia tại đây dự báo xuất nhập khẩu sẽ tích cực hơn từ quý II năm nay nhờ lạm phát tại các nước đang giảm từ đỉnh và kỳ vọng Fed sẽ dừng nâng lãi suất từ quý II giúp nhu cầu hồi phục.
Ngoài ra kỳ vọng Trung Quốc mở cửa rõ nét từ giữa 2023 (các ngành kỳ vọng hưởng lợi như: dệt may, sắt thép, hóa chất, cao su, nông sản) cũng là yếu tố góp phần giúp triển vọng xuất nhập khẩu tích cực hơn từ giữa năm.
Về động lực tăng trưởng trong năm 2023, khối phân tích đề cập đến 4 yếu tố. Thứ nhất là hoạt động đầu tư công, khi Chính phủ đang có động thái đẩy mạnh trở lại sau khi tình hình giá nguyên vật liệu đã hạ nhiệt so với đầu năm 2022, dự án Sân bay Long Thành là một trong những dự án trọng điểm.
Thứ hai, Trung Quốc đã mở cửa biên giới từ giữa tháng 1/2023, kỳ vọng mở cửa hoàn toàn vào quý II, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, du lịch và lĩnh vực sản xuất.
Bên cạnh đó, triển vọng ngưng thắt chặt kinh tế ở các nước phát triển sẽ rõ ràng hơn từ giữa năm 2023 cũng như các yếu tố nền tảng vĩ mô trong nước ổn định hơn với kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt, VND sẽ mạnh hơn so với năm 2022.
Yếu tố thứ 4, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tươi sáng hơn vào nửa cuối 2023, trong khi nguồn vốn FDI vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn. Những tháng cuối năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi Lego đã xây dựng nhà máy ở Bình Dương, Samsung, Apple cũng đưa ra những kế hoạch trong việc đầu tư thêm vào Việt Nam.
Với những động lực trên, Yuanta Việt Nam dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,6%, trong đó lĩnh vực vực Dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất khoảng 7,4%.