Nâng cấp não bộ
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép cho Công ty Neuralink thử nghiệm cấy ghép chip vào não người vào tháng 9-2023.
Mục tiêu trước mắt của Neuralink là điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh về thần kinh, chẳng hạn như tê liệt và mù lòa. Con chip gắn bên trong não bộ giúp họ điều khiển thiết bị điện tử như chuột hoặc bàn phím chỉ bằng suy nghĩ.
Đến tháng 1-2024, công ty này thông báo họ đã cấy ghép thành công cho bệnh nhân đầu tiên.
Tháng 2-2024, tỉ phú Elon Musk cho biết người đầu tiên được cấy chip não tiến triển tốt, dường như đã hồi phục hoàn toàn với các phản ứng thần kinh quen thuộc.
Người này có thể điều khiển chuột di chuyển xung quanh màn hình máy tính. Ngoài ra, kết quả kiểm tra sơ bộ còn cho thấy ông sở hữu “khả năng đột biến tế bào thần kinh đầy hứa hẹn”.
Nhưng tham vọng của ông Musk không chỉ dừng lại ở việc điều trị bệnh. Mục tiêu của ông là phá vỡ giới hạn công nghệ để “nâng cấp” con người.
Theo trang Business Insider, ông Musk tiết lộ Neuralink sẽ giúp con người đạt được sự “cộng sinh” với trí tuệ nhân tạo (AI) để nhân loại không bị “bỏ lại phía sau” khi công nghệ này phát triển theo thời gian.
“Về lâu dài, Neuralink kỳ vọng sẽ đóng vai trò trong việc giảm thiểu rủi ro của AI đối với nền văn minh nhân loại bằng cách cải thiện băng thông giữa con người với AI (và giữa con người với con người) ở nhiều cấp độ cao hơn”, vị tỉ phú chia sẻ trên mạng xã hội X.
Điều này ám chỉ Công ty Neuralink đang lên kế hoạch phát triển một thiết bị tương tự con chip cấy vào não giúp bệnh nhân gặp vấn đề về thần kinh. Chỉ khác là thiết bị này hợp nhất tâm trí con người với AI.
Ông Musk gọi thiết bị này là “Fitbit trong hộp sọ” (Fitbit là thương hiệu sản xuất thiết bị theo dõi sức khỏe nổi tiếng của Mỹ). Đồng thời tiết lộ nó cho phép người dùng lưu và phát lại ký ức bất cứ khi nào họ muốn.
Rào cản an toàn và đạo đức
Trước đó, nhiều người từng chỉ trích Công ty Neuralink vì gây đau đớn cho động vật trong quá trình thử nghiệm. Ít nhất 15 con khỉ trong tổng số 23 con được cấy chip não từ năm 2017 đến năm 2020 đã chết.
Trang Business Insider và báo New York Post cho biết một nhóm bảo vệ quyền động vật đã thu thập hơn 700 trang tài liệu, hồ sơ thú y và báo cáo về mức độ hoại tử cơ thể của các con khỉ được cấy chip não của Neuralink.
Phía Neuralink bác bỏ cáo buộc ngược đãi động vật, đồng thời tuyên bố rằng công ty "cam kết làm việc với động vật theo cách nhân đạo và đạo đức nhất có thể".
Mọi chuyện dần hạ nhiệt cho đến khi FDA chấp thuận yêu cầu thử nghiệm cấy ghép chip vào não người của Neuralink.
Bên cạnh những rủi ro điển hình của quá trình phẫu thuật thần kinh, nhiều nhà khoa học và chuyên gia công nghệ còn đặt câu hỏi về hậu quả khó lường phát sinh từ việc hợp nhất não người với máy tính.
Neuralink không phải là công ty duy nhất phát triển giao diện não - máy tính (BCI), khái niệm chỉ công nghệ cho phép con người điều khiển máy tính bằng não bộ.
Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng BCI khiến người sử dụng trải qua cảm giác kỳ ảo, không thể nhận ra hoặc dần mất đi ý thức về bản thân họ. Hiện tượng này gọi là "sự xa rời" (estrangement).
BCI còn khiến vấn đề về quyền riêng tư và bảo mật thông tin trở nên phức tạp hơn. Máy tính có thể truy cập, giải mã và lưu trữ hoạt động của não - dữ liệu này dễ bị tin tặc tấn công.