Mỗi người có mỗi định nghĩa khác nhau về “người tài giỏi”: Là người thành công trong lĩnh vực nào đó, hoặc người có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cũng có thể là người có tài ăn nói,...
Đã được nhận định là người tài giỏi thì đương nhiên không thể tầm thường, phải sở hữu năng lực xuất chúng nào đó mà không phải ai cũng có được.
Muốn là người giỏi giang và đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp lẫn cuộc sống thì trước hết bạn phải rèn luyện cho mình những tố chất cần thiết.
Một người tài giỏi thật sự thì phải sở hữu 5 thói quen sau đây:
1. Khiến người khác cảm thấy thoải mái
Thói quen này không phải ai cũng có được, những người tài giỏi thường sẽ có khả năng khiến người khác thoải mái trong các mối quan hệ, điều này sẽ quyết định trình độ EQ hoặc đúng hơn là năng lực giao tiếp của họ. Nhiều người nhầm lẫn việc này với hành động xu nịnh, lấy lòng, chạy đua theo cảm xúc của người khác. Thật ra không phải như vậy!
Bạn sẽ phát hiện, người càng tài giỏi thì càng biết cách khiến người khác cảm thấy dễ chịu trong các cuộc nói chuyện. Có thể chinh phục lòng người chỉ bằng một câu nói thì chắc chắn không phải người tầm thường.
Bởi lẽ, họ đã trải nghiệm đủ nhiều, nhìn thấy quá nhiều thứ trên thế giới này, từ đó thấm nhuần được cách để làm thỏa mãn đối phương. Chính vì vậy, họ luôn dùng tâm thái bao dung để đối nhân xử thế, ứng xử khéo léo khiến người khác tâm phục khẩu phục.
2. Dốc hết tâm huyết để hành sự, làm chuyện gì cũng đến nơi đến chốn
Năng lực này thật sự rất quan trọng! Những người có thể chuyên tâm vào mục tiêu mình đang hướng đến, thường gặt hái được nhiều thành công.
Nhiều người thích nay đây mai đó, hôm nay thích theo đuổi cái này, ngày mai lại đổi ý theo đuổi cái khác, để rồi cuối cùng làm chuyện gì cũng không xong, chưa thể xác định được điều mình mong muốn.
Nhiều bạn trẻ hiện nay có xu hướng nhiệt tình theo đuổi nhiều thứ, nhưng chỉ trải nghiệm thử cho biết, chứ không chịu đào sâu. Từ đó dẫn đến, việc gì cũng biết một ít nhưng lại không giỏi. Cuối cùng, bỏ ra rất nhiều thời gian trước đó nhưng không tạo nên kết quả mỹ mãn, để rồi từ cái gì cũng biết trở thành vô dụng.
Chính vì vậy, nếu muốn tạo nên bước đột phá và thăng hoa trong cuộc sống, bạn phải cố gắng tập trung vào một việc nhất định, hoàn thành nó một cách trọn vẹn nhất, đến nơi đến chốn. Làm tốt một việc còn hơn nhúng tay vào mười việc nhưng cái nào cũng hời hợt, lỡ dở.
3. Nhìn thấu năng lực của bản thân
Mỗi một quyết định đều có thể thay đổi cả cuộc đời của một người. Vì vậy, việc nhận thức được năng lực của bản thân để suy xét và đưa ra quyết định vô cùng quan trọng, song nhiều người lại không có cái nhìn khách quan để đánh giá bản thân.
Lúc người khác nói bạn không tốt, bạn sẽ cảm thấy bản thân có lẽ thật sự không tốt, sau đó dần dần mất đi niềm tin. Thật ra, điều mà họ thấy chỉ là một phần của bạn mà thôi, vì vậy hãy nhìn nhận tổng quan theo đôi mắt của mình, chứ không phải gục ngã vì một vài câu nói của người ngoài.
Ngoài ra, một số người còn không thể nhìn nhận được năng lực của bản thân đến mức “thần thánh hóa” chính mình, như “ếch ngồi đáy giếng” cho rằng mình là sự tồn tại ưu tú nhất trong nhóm. Vì chưa thể nhìn thấy thế giới to lớn ngoài kia nên chúng ta mới có lối tư duy như vậy. Phải dũng cảm bước vào thế giới rộng lớn hơn, hòa nhập với đội nhóm ưu tú hơn thì chúng ta mới biết rõ năng lực của bản thân đến đâu, từ đó khắc phục những điều thiếu sót, bồi dưỡng thế mạnh sẵn có.
4. Bồi dưỡng năng lực viết lách
Nhiều người có cái nhìn sai lầm về năng lực viết lách. Không ít người nói rằng công việc của họ không cần phải viết gì cả, "tôi không phải nhà văn, tôi cũng không phải nhà báo, nên không nhất thiết phải rèn luyện kỹ năng viết làm gì".
Nhưng ít ai biết được, kỹ năng viết thể hiện năng lực tư duy logic, năng lực ngôn ngữ và suy ngẫm có chiều sâu của một người. Nếu bạn có kỹ năng viết tốt thì năng lực tổng hợp của bạn cũng không thể kém, theo đó khả năng nhìn nhận và phán đoán về mọi chuyện có chiều sâu hơn, khả năng biểu đạt ngôn ngữ phong phú, dễ chinh phục lòng người.
5. Năng lực thừa nhận đối phương
Thấy người khác làm ăn phát đạt, giàu có, thu nhập cao,... nhiều người lại sinh lòng ghen tị, rồi buông lời trào phúng, mỉa mai. Thế nhưng, không có sự thành công nào không trải qua khó khăn và thăng trầm. Chắc chắn họ đã bỏ ra rất nhiều công sức, chỉ là bạn không hề hay biết mà thôi.
Hãy dùng tâm thái tích cực để đánh giá người khác, đừng thấy người ta hơn mình, sống tốt hơn mình mà để những suy nghĩ cực đoan lấn át lý trí. Biết công nhận người khác thì mới mong được người khác công nhận ngược lại.
(Nguồn: Zhihu)